Thủ tướng: ‘Nhiều địa phương xin vốn đầu tư công rồi để đấy’

Ông Nguyễn Xuân Phúc sáng 16/7 cho biết sẽ có chế tài mạnh với lãnh đạo các địa phương xin vốn về nhưng “để đấy không làm”.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tăng 1% đầu tư công, GDP có thêm 0,06%. Nguồn vốn này được coi là động lực giúp Việt Nam giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy tăng trưởng khi nhiều lĩnh vực giảm sâu vì Covid-19.

Tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương sáng 16/7, Thủ tướng nêu thực trạng, mỗi khi làm việc với Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, các nơi đều xin vốn nhưng “có vốn lại không làm đến nơi đến chốn”. “Tại sao cùng cơ chế, chính sách đấy vẫn có địa phương giải ngân tốt. Có phải do quan liêu, tiền về cứ để đấy mà không làm”, ông hỏi.

Dẫn câu chuyện của Ninh Bình một tháng họp một lần để bàn chuyện điều chuyển vốn cho các dự án, Thủ tướng nhấn mạnh, các Bí thư, Chủ tịch tỉnh, lãnh đạo các bộ ngành phải xuống tận nơi nắm tình hình. “Trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành là “phải tập trung giải ngân hết hơn 633.000 tỷ đồng trong năm nay”, Thủ tướng nói.

Yêu cầu tìm ra nguyên nhân chủ quan thay vì đổ cho khách quan, ông nói Chính phủ sẽ đưa ra chế tài mạnh với những người đứng đầu địa phương. “Lãnh đạo các bộ ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để giải ngân chậm”, Thủ tướng dứt khoát.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành địa phương về đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, ngày 16/7. Ảnh: VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành địa phương về đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, ngày 16/7. Ảnh: VGP

Là cơ quan “nhạc trưởng” trong phân bổ, đốc thúc giải ngân và triển khai vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị, người đứng đầu các cơ quan, địa phương phải coi việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, kết quả giải ngân là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ.

Theo ông, các bộ, ngành địa phương phải phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ làm từng dự án, kết quả giải ngân sẽ là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020.

“Nếu không hoàn thành kế hoạch theo tiến độ đề ra, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan. Nếu giải ngân đạt dưới 100% thì không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan”, Bộ trưởng Dũng nêu quan điểm.

Năm nay tổng vốn đầu tư công kế hoạch 2020 Quốc hội giao là 470.600 tỷ đồng, trong đó vốn trong nước 410.600 tỷ và nước ngoài 60.000 tỷ đồng. Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, giải ngân trong nửa đầu năm đạt gần 159.400 tỷ đồng, xấp xỉ 34% kế hoạch.

Số vốn giải ngân này tuy tăng so với cùng kỳ 2019, nhưng vẫn thấp so với yêu cầu và còn lượng vốn lớn chưa giải ngân.

Bộ Tài chính cũng chỉ ra, 3 trong số bộ, cơ quan trung ương và 9 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50%; còn 30 bộ, 3 địa phương giải ngân dưới 20%. Thậm chí có 7 bộ, cơ quan trung ương tỷ lệ giải ngân dưới 5%.

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, khác các năm trước, vốn đầu tư công năm nay được Thủ tướng phân giao một lần trước ngày 30/11/2019. Sau đó, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết vốn kế hoạch năm 2020. Đến cuối tháng 6, tổng số vốn đầu tư công đã có quyết định giao chi tiết vốn cho các dự án đủ điều kiện giải ngân gần 443.196 tỷ đồng, đạt 94,2% kế hoạch vốn được Thủ tướng giao (470.600 tỷ). Số vốn còn lại chưa giao chi tiết hơn 27400 tỷ đồng.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng đề nghị từng địa phương phát động phong trào thi đua yêu nước về giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư FDI… Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, các bộ trưởng phải có chương trình hành động cụ thể và 2 tuần một lần báo cáo gửi Thủ tướng.

Ngoài ra, Thủ tướng quyết định, từ đầu tháng 8 tới sẽ điều chuyển vốn từ nơi không tiêu được sang nơi có thể giải ngân được, nhất là nguồn vốn Trung ương, vốn ngân sách, kể cả vốn ODA.

Nguyên nhân khiến “có tiền mà không tiêu được” một lần nữa được Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư nhắc lại. Đó là, “nghẽn’ giải phóng mặt bằng, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu, lập kế hoạch không sát với thực tế, nhiều dự án giao kế hoạch vốn lớn hơn khả năng giải ngân…

Tại các dự án có vốn nước ngoài, khâu chuẩn bị đầu tư không kỹ đã ảnh hưởng tới tiến độ làm dự án, phải điều chỉnh lại thiết kế, tăng chi phí, tăng thời gian làm thủ tục và hầu hết các dự án không được bố trí vốn đối ứng đủ, ảnh hưởng tới giải ngân vốn nước ngoài.

Ngoài lý do tồn tại cố hữu nhiều năm, theo ông Dũng, ảnh hưởng của Covid-19 những tháng đầu năm nay cũng phần nào ảnh hưởng tới việc lập, đấu thầu và giải ngân vốn thấp nửa đầu năm.

Chẳng hạn, với các dự án vay ODA, vì Covid-19 nên các hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, chuyên gia, nhà thầu nước ngoài… đều ngưng trệ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ thực hiện số dự án này. Vì thế, việc giải ngân cũng bị đình lại do không có khối lượng hoặc khối lượng chậm được xác nhận.

Đẩy nhanh vốn đầu tư công, Bộ trưởng Dũng đề nghị các cơ quan, địa phương hoàn thành giao kế hoạch vốn chi tiết dự án trước ngày 31/7 để kịp giải ngân năm nay. Cùng đó, kế hoạch, giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng, đấu thầu, đền bù… cũng cần được lãnh đạo địa phương, đơn vị đưa ra cụ thể để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án.

“Chủ đầu tư phải cam kết tiến độ giải ngân từng dự án, trường hợp không đạt tiến độ thì xem xét điều chuyển vốn cho dự án khác hoặc điều chuyển chủ đầu tư theo thẩm quyền”, ông Dũng kiến nghị.

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch cho biết, cơ quan này sẽ cùng các đơn vị kiểm tra, rà soát tiến độ giải ngân của các dự án từ tháng 7, để kịp thời kiến nghị Thủ tướng, Chính phủ điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư công.

Anh Minh

Nguồn