GVR tăng mở rộng khu công nghiệp

Đang quản lý 16 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 6.500 hecta, Tập đoàn Công nghiệp cao su dự kiến giai đoạn 2021-2025 sẽ phát triển lên 15.000 hecta.

Chia sẻ tại phiên họp thường niên ngày 12/6, ông Phạm Văn Thành – Thành viên HĐQT Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (GVR) cho hay, khu công nghiệp đang mang lại lợi nhuận cao và ổn định nhất trong 5 lĩnh vực chính. Đóng góp hơn 508 tỷ đồng lợi nhuận trong năm ngoái, nhưng lĩnh vực này không đạt chỉ tiêu về diện tích đất cho thuê vì vướng giải phóng mặt bằng và chờ phê duyệt chủ trương đầu tư.

“Phát triển khu công nghiệp mất nhiều thời gian, từ khi làm thủ tục cũng hết 2-3 năm mới có sản phẩm thương mại”, ông Thành nói. Tuy nhiên, ông cho biết, đây là một trong 3 lĩnh vực được kỳ vọng tăng tốc trong ngắn và trung hạn (cùng với chế biến gỗ và sản phẩm cao su) nên tập đoàn sẽ dồn nhiều nguồn lực.

Tập đoàn đang quản lý 16 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 6.500 hecta, tập trung tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai… Trước mắt, tập đoàn phối hợp cùng các địa phương để quy hoạch khu công nghiệp với diện tích dự kiến trong giai đoạn 2021-2025 lên đến 15.000 hecta.

Một số ngành nghề hiện không có lợi nhuận cao do giá bán giảm mạnh sẽ chỉ duy trì quy mô hiện tại, không mở rộng. Tập đoàn cũng dự kiến thoái vốn tại các đơn vị thành viên. Việc này được kỳ vọng mang về nguồn thu đáng kể, khoảng 2.340 tỷ đồng và tạo ra lợi nhuận 950 tỷ đồng để bù đắp phần thiếu hụt do tác động của dịch bệnh và giá sản phẩm cao su giảm. Nguồn tiền thu về đồng thời dùng để đầu tư vào các lĩnh vực có biên lợi nhuận cao, trong đó phát triển khu công nghiệp là ưu tiên hàng đầu.

Năm ngoái, GVR ghi nhận doanh thu và lợi nhuận hợp nhất lần lượt đạt 22.870 tỷ đồng và 4.660 tỷ đồng, đều không hoàn thành kế hoạch vì giá bán mủ cao su giảm khoảng 2-3 triệu đồng mỗi tấn.

Tập đoàn đặt kế hoạch năm nay đạt khoảng 24.650 tỷ đồng doanh thu và 4.030 tỷ đồng lợi nhuận. Tỷ lệ cổ tức tại công ty mẹ là 6%, tương ứng chia cho cổ đông khoảng 2.400 tỷ đồng. Các quỹ đất không phù hợp trồng cao su sẽ được chuyển đổi trồng rừng, cây nông nghiệp. Nếu không hiệu quả nữa thì chuyển nhượng tài sản trên đất để thu hồi vốn, bàn giao lại đất cho địa phương.

Ban lãnh đạo cho hay, kế hoạch này được xây dựng cuối năm 2019. Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước cũng thông qua và không lường trước sự bùng phát của dịch bệnh. Việc trình cổ đông kế hoạch sát nhất với tình hình hiện tại rất khó nên đề nghị uỷ quyền cho Hội đồng quản trị được điều chỉnh theo thực tế.  

“Chúng tôi lo ngại việc giá cao su giảm sâu trong đợt dịch, nhưng hiện nay tình hình đã cân bằng lại và ở mức hoà vốn. Trong trường hợp bán dưới giá thành sản xuất thì vẫn cố gắng duy trì chăm sóc và sản xuất vì liên quan đến công ăn việc làm của người lao động”, ông Thành nói.

Phương Đông

Nguồn