Đón ‘đại bàng’ FDI cũng không nên quên ‘chim sẻ’ trong nước

Ủng hộ chính sách thu hút FDI nhưng ông Bùi Thanh Tùng cho rằng, Chính phủ “dọn tổ đón đại bàng thì cũng nên rắc thóc cho chim sẻ – doanh nghiệp trong nước. 

Thảo luận về kinh tế xã hội sáng 13/6, đại biểu Bùi Thanh Tùng – Phó trưởng đoàn đại biểu TP Hải Phòng cho rằng thời điểm này cần ưu tiên khôi phục kinh tế sau dịch, bên cạnh đẩy nhanh đầu tư công, thu hút làn sóng dịch chuyển đầu tư sau Covid-19.

Ông dẫn việc nhiều địa phương đã trải thảm đỏ cho các tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia rót vốn, song thủ tục đầu tư với doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa lại còn phức tạp, kéo dài. 

“Chúng ta đang dọn tổ đón đại bàng thì cũng nên rắc thóc cho chào mào, chim sẻ để thực sự công bằng và tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp phát huy nội lực, góp phần nhanh chóng hồi phục kinh tế”, ông Tùng góp ý. 

Ông Bùi Thanh Tùng - đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng góp ý tại phiên thảo luận kinh tế xã hội ngày 15/6. Ảnh: Hoàng Phong

Ông Bùi Thanh Tùng – đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng góp ý tại phiên thảo luận kinh tế xã hội ngày 15/6. Ảnh: Hoàng Phong

Ông Tùng dẫn chứng, các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai còn nhiều nội dung chưa thống nhất, gây nên sự lúng túng, dè chừng, đùn đẩy của các cơ quan chức năng trong quá trình thẩm định, xem xét giải quyết. Thực tế, nhiều đơn vị phải mất từ 3-4 năm “chạy lòng vòng và khi xong thủ tục thì thấy hụt hơi, nản chí”.

Cũng về việc đón sóng FDI hậu Covid-19, ông Nguyễn Thanh Hiền – Phó trưởng đoàn chuyên trách đại biểu tỉnh Nghệ An đề nghị cần có những chính sách và sự hỗ trợ kịp thời trên cơ sở điều chỉnh cơ cấu đầu tư hợp lý, có hệ thống chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc, bên cạnh những kế hoạch cụ thể, chủ động từ các cấp.

Ông Hoàng Văn Cường – Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng cần có giải pháp đặc biệt, biến các nhà đầu tư nước ngoài thành trụ cột cho sản xuất trong nước, thông qua việc lựa chọn một số doanh nghiệp nội tiếp nhận toàn bộ hoặc một bộ phận sản xuất từ các tập đoàn đa quốc gia và biến thành một phần sản xuất trong nước.

Ông nêu ví dụ nên có cơ chế ưu đãi để các tập đoàn nước ngoài bắt tay với doanh nghiệp trong nước hình thành ngành công nghiệp đường sắt. Cách làm này sẽ hiệu quả hơn nhiều lần việc chúng ta xây dựng từng dự án đường sắt hay nhập từng đoàn tàu riêng lẻ.

Bà Mai Thị Phương Hoa – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tư pháp, đại biểu tỉnh Nam Định thì đề nghị, cần có ưu đãi mới trong lĩnh vực đầu tư, mang tính cạnh tranh so với các quốc gia khác.

Bà Hoa cũng đề xuất Chính phủ cũng cần có chiến lược, tầm nhìn xa, chính sách “đặc thù hơn những đặc thù từng có”, tạo nền tảng cơ chế thu hút vốn đầu tư hiệu quả, chủ động. Cùng đó, Chính phủ cần dành thêm nguồn lực đầu tư cho những hạ tầng chiến lược, có vai trò kết nối vùng, liên vùng như đường cao tốc, sân bay, bến cảng, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và phát triển thương mại điện tử.

Trong khi đó bà Trần Thị Hằng – Uỷ viên Uỷ ban về các vấn đề xã hội lưu ý chính sách thu hút FDI cần chọn lọc, tránh việc nhà đầu tư ngoại lợi dụng chính sách cởi mở thu hút vốn nước ngoài của Việt Nam để rửa xuất xứ hàng hóa, không đem lại giá trị gia tăng, ảnh hưởng kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.  

Mặt khác, việc đứt chuỗi cung ứng liên kết nguyên phụ liệu do Covid-19 khiến doanh nghiệp trong nước khó khăn hơn, hàng hoá tồn kho tăng, công nhân buộc phải nghỉ việc luân phiên khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Ước tính tỷ lệ thất nghiệp quý I là 2%, cao hơn 0,83% so với cùng kỳ 2019, khoảng 5 triệu người mất việc làm và có thể tăng thời gian tới. 

Bà Hằng đề nghị ngoài các chính sách miễn, giãn thuế…, Chính phủ cần có thêm gói hỗ trợ vay vốn lãi suất 0% với các ngành thâm dụng lao động lớn và đang rất khó khăn như dệt may, da giày, thuỷ sản… giúp doanh nghiệp có thêm vốn, mở rộng thị trường xuất khẩu. 

Anh Minh

Nguồn