Doanh nghiệp mắc kẹt trong căng thẳng Trung – Ấn

Xung đột chính trị giữa Trung Quốc và Ấn Độ khiến thương mại tắc nghẽn, các thương vụ kinh doanh đình trệ và hàng hóa Trung Quốc bị tẩy chay.

Nhiều hiệp hội thương mại Ấn Độ tuần này cho biết hàng hóa Trung Quốc đột ngột bị giữ lại ở nhiều địa điểm tại đây. Việc này cho thấy căng thẳng chính trị giữa hai nước đang ảnh hưởng đến vấn đề thương mại.

Hiệp hội Điện tử và Viễn Thông Ấn Độ (ICEA) – đại diện cho các công ty như Apple hay Foxconn hôm thứ ba phàn nàn với Bộ Tài chính Ấn Độ rằng hàng điện tử nhập khẩu từ Trung Quốc bị kiểm tra ở cảng Ấn Độ “mà không được báo trước”. “Ban đầu là chậm trễ hàng, sau đó là từ chối thông quan, và giờ 100% hàng bị kiểm tra”, Chủ tịch ICEA Pankaj Mohindroo cho biết trong thư, “Hoạt động logisctics đang thực sự rối loạn”.

Sự việc diễn ra vào thời điểm này cũng khiến doanh nghiệp đau đầu, do họ vốn đang chịu nhiều thiệt hại khi sản xuất và chuỗi cung ứng bị gián đoạn vì đại dịch. Mohindroo ước tính lĩnh vực này “chỉ mới hồi phục chưa đầy 40%”.

“Với các trường hợp miễn trừ thông thường, hàng hóa sẽ được tự động thông quan mà không cần kiểm tra”, ông nói, “Chúng tôi vẫn đang nhích về trạng thái bình thường sau 3 tháng thua lỗ nặng, mà giờ lại như thế này”.

Doanh nghiệp mắc kẹt trong căng thẳng Trung - Ấn

Container tại cảng Chennai (Ấn Độ). Ảnh: Reuters

Nhiều tổ chức doanh nghiệp khác cũng có lo lắng tương tự. Hiệp hội các công ty dịch vụ khai thuế hải quan Chennai đầu tuần này cho biết giới chức đã chỉ đạo các nhân viên bốc xếp toàn quốc “giữ lại toàn bộ hàng hóa đến từ Trung Quốc”. Hàng hóa giờ “có thể sẽ bị giữ và kiểm tra lại trước khi thông quan”, tổ chức này thông báo cho các thành viên. Dù hiện tại chưa có thông báo chính thức về hoạt động này, họ vẫn cảnh báo các công ty rằng hàng hóa có thể bị kẹt lại vài ngày tại các cảng biển, sân bay và nơi có trạm kiểm tra của hải quan tại Ấn Độ.

Từ trước khi cuộc ẩu đả ở biên giới diễn ra, làn sóng tẩy chay hàng hóa và dịch vụ Trung Quốc đã diễn ra tại Ấn Độ. Các quy định mới về đầu tư nước ngoài cũng được đánh giá sẽ kìm hãm khả năng Trung Quốc kiếm lời từ cơn sốt Internet tại Ấn Độ.

Đụng độ tại biên giới sau đó lại đẩy Trung Quốc và Ấn Độ vào căng thẳng ngoại giao và quân sự mới. Thiệt hại kinh tế dĩ nhiên sẽ rất lớn. Ấn Độ nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ nước nào khác. Trung Quốc và Ấn Độ cũng hỗ trợ nhau đáng kể trong quá trình phát triển thành cường quốc công nghệ những năm qua.

Giới chức bang  Maharashtra (Ấn Độ) vài ngày trước thông báo đình chỉ các thương vụ trị giá hơn 600 triệu USD với công ty Trung Quốc, trong đó có một dự án với hãng xe Great Wall Motors. Một lãnh đạo bang này cho biết họ đang chờ chính phủ đánh giá môi trường kinh doanh hiện tại và thông báo chính sách rõ ràng về hướng xử lý các thương vụ với Trung Quốc.

Hôm thứ năm, một số khách sạn ở New Delhi cũng cho biết không nhận khách Trung Quốc vì căng thẳng ngoại giao. Động thái này có lẽ chỉ mang tính biểu tượng, do Covid-19 đã khiến việc đi lại giữa hai nước sụt giảm trầm trọng.

“Chúng tôi quyết định không cho người Trung Quốc thuê phòng khi họ liên tục tấn công lực lượng quân đội của chúng tôi”, Mahendra Gupta – Tổng thư ký Hiệp hội Chủ nhà hàng và Khách sạn Delhi cho biết trong một bức thư. Tổ chức này cũng cam kết ngừng sử dụng “sản phẩm Trung Quốc” trong doanh nghiệp, và dọa sẽ liên lạc với các tổ chức thuộc bang khác để hành động tương tự.

Họ dĩ nhiên không phải hiệp hội duy nhất thể hiện sự phản đối với Trung Quốc. CAIT – tổ chức đại diện cho hàng triệu cửa hàng nhỏ tại Ấn Độ, cũng đã thúc giục người dân tẩy chay hàng hóa Trung Quốc. Tuần trước, họ công bố danh sách hơn 3.000 sản phẩm Trung Quốc muốn người tiêu dùng từ bỏ. Mục tiêu của chiến dịch này, là “giảm sự phụ thuộc của Ấn Độ vào Trung Quốc”.

Họ cũng kêu gọi hàng chục lãnh đạo doanh nghiệp nước này tham gia chiến dịch, kể cả Mukesh Ambani – người giàu nhất nước. CAIT còn gây sức ép với các công ty thương mại điện tử nước này về việc đưa hàng hóa Ấn Độ vào kinh doanh và gọi đây là “yếu tố chủ chốt” trong chiến dịch.

Hà Thu (theo CNN)

Nguồn