Đảo lộn kế hoạch kinh doanh vì Covid-19 trở lại

Vừa mạnh dạn gọi thêm công nhân quay lại xưởng may, mấy ngày nay, chị Trang lại đau đầu vì các cuộc gọi huỷ đơn hàng đang tăng.

Mới kịp “hồi sức” chút ít sau đợt dịch đầu tiên, những doanh nghiệp như của chị Trang – chủ cơ sở may mặc tại Long Biên (Hà Nội) lại bị đảo lộn các kế hoạch kinh doanh.

Công nhân Tổng công ty May 10 sản xuất áo sơ mi. Ảnh:  Hân Phạm

Công nhân Tổng công ty May 10 sản xuất áo sơ mi. Ảnh: Hân Phạm

Tháng 7 xưởng sản xuất của chị Trang mới kín đơn hàng sau nhiều tháng ảnh hưởng vì dịch. Chị cũng mới gọi công nhân trở lại làm việc được hai tháng. Nhưng sau ca nhiễm đầu tiên tại Đà Nẵng cuối tuần trước, từ đầu tuần này, loạt khách hàng của chị đã gọi điện huỷ đơn hàng dự kiến giao giữa tháng 8. Các đơn hàng ở nhiều tỉnh, thành phố khác cũng bắt đầu chững lại.

“Đang tính dốc lực làm để gỡ gạc dịp giãn cách đầu năm nay thì giờ mọi việc lại đứng im hết cả”, chị nói và cho biết lo lắng nhất lúc này là lô vải vừa cập bến sẽ lại xếp kho, bao vốn liếng dồn nhập nguyên phụ liệu sản xuất sẽ “nằm tồn”. Chủ xưởng may này đang tính phương án tìm mối may gia công khẩu trang vải trở lại để đủ việc làm cho công nhân, gỡ gạc số đơn hàng bị huỷ.

Tiến Nam – Phó giám đốc một doanh nghiệp xây dựng tại Hà Nội thở dài sau cuộc điện thoại gần nửa tiếng đồng hồ với đối tác là chủ đầu tư một công trình xây dựng ở Đà Nẵng. “Chúng tôi vừa thống nhất hoãn lại ngày thi công dự kiến triển khai đầu tháng 8 tới vì dịch đang bùng phát tại đây. Đây là quyết định khó khăn cho cả hai bên nhưng không còn cách nào khác”, anh nói.

Đây là lần thứ hai dự án thi công tại Đà Nẵng của công ty anh Nam bị đình hoãn vì dịch bệnh. Lần trước, kế hoạch khởi công vào tháng 3 bất thành cũng do Covid-19. Lần này hoãn nữa chưa biết khi nào có thể bắt đầu.

“Máy móc đã vận chuyển hết vào Đà Nẵng từ cách đây một tuần, kỹ sư, công nhân cũng đã huy động cho công tác thi công, vậy mà giờ hoãn lại vô thời hạn”, anh Nam bộc bạch.

Anh lo lắng bởi đây là dự án anh và cộng sự đặt nhiều kỳ vọng có thể giúp có doanh thu sau gần nửa năm “ghi nhận số 0”. Đợt dịch đầu năm công ty đã buộc phải cắt giảm một nửa nhân sự, giảm 30-50% lương cán bộ, lãnh đạo để cầm cự. Doanh nghiệp vừa hồi sức được thời gian ngắn, nay làn sóng dịch thứ hai khiến anh chưa biết “tương lai sẽ ra sao”.

Tình huống xấu nhất được vị lãnh đạo doanh nghiệp này tính tới nhưng “đây là điều ban lãnh đạo công ty không hề mong muốn, nên vẫn đang tìm mọi cách gồng gánh”.

Không riêng các doanh nghiệp sản xuất, các đơn vị chuyên tổ chức sự kiện cho biết họ cũng bắt đầu “ngấm đòn”.

Ông Lưu Huỳnh, đại diện doanh nghiệp tổ chức sự kiện ở TP HCM cho biết, chỉ trong tháng 8, khách hàng đã hủy 5 sự kiện và con số này sẽ còn tăng lên mạnh nếu diễn biến căng thẳng.

Sự kiện gần nhất phải huỷ là hội nghị khách hàng chuyên về thiết bị điện tổ chức tại Đà Nẵng. Toàn bộ vé máy bay, chi phí khách mời, ca sĩ, MC… đều đã hoàn tất. Công ty cũng đã ứng 50% chi phí thực hiện chương trình cho doanh nghiệp và giờ đối tác huỷ mà chưa ấn định thời gian có thể tổ chức lại.

Một sự kiện khác đầu tháng 8 tại TP HCM ông Huỳnh cũng vừa được khách hàng thông báo hoãn lại sau 2 ca dương tính mới công bố hôm 29/7. “Tình hình này sẽ rất khó khăn nếu dịch kéo dài”, ông Huỳnh nói.

Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ cũng đột ngột phải ngưng ngay các chương trình kích cầu, tìm kiếm nhân sự dù chương trình đã được chuẩn bị khá bài bản và chỉ chờ “bấm nút”. Một doanh nghiệp bán lẻ Nhật ở TP HCM phải dừng một cuộc thi nhằm nâng cao kỹ năng cho nhân viên, tìm kiếm người tài trong quản lý vận hành hệ thống siêu thị dù đã chi ra nửa tỷ đồng.

Ước tính đến hết tháng 6, gần 31 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19. Con số này được Tổng cục Thống kê dự báo khả năng sẽ có thêm 5 triệu người mất việc vào cuối năm nay. Covid-19 cũng khiến hơn 145.000 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản trong nửa đầu năm.

Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn có thể là một cơ hội với một số ngành khác, đặc biệt ngành sản xuất mặt hàng chống dịch. Ông Thân Đức Việt – Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, để đảm bảo đời sống, việc làm cho công nhân, May 10 đã chuyển sang chế độ làm việc luân phiên tại nhiều phân xưởng, chuyển dịch sản xuất sang các mặt hàng phòng dịch bệnh như khẩu trang, đồ bảo hộ y tế phục vụ nhu cầu chống dịch trong nước và xuất khẩu.

Bình quân một tháng, 5 triệu chiếc khẩu trang vải của May 10 được xuất xưởng, doanh thu khoảng 35 tỷ đồng. “Nhờ đó, May 10 vẫn đang duy trì được việc làm cho người lao động trong toàn hệ thống”, ông Việt nhìn nhận.

Còn bà Phạm Thị Phương Hoa – Tổng giám đốc Tổng công ty May Hưng Yên cho biết, rất lo lắng trước làn sóng dịch bệnh nhưng ban lãnh đạo May Hưng Yên vẫn có đủ đơn hàng cho quý III và đang tìm kiếm các đơn mới cho quý IV.

Dù vậy, theo PGS, TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), dịch bùng phát trở lại sẽ “như gáo nước lạnh dội vào niềm tin của doanh nghiệp”. Ông dự báo, số doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động có thể sẽ tăng lên tới đây nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, không được khống chế.

“Nếu sóng dịch thứ hai diễn biến phức tạp, nền kinh tế có thể lao đao và khi đó các doanh nghiệp, nhất là vừa và nhỏ vốn yếu sẽ khó lòng cầm cự”, ông Thịnh nói. Theo ông, điều doanh nghiệp cần lúc này là đơn hàng, duy trì hoạt động giao thương chứ không đơn thuần tài chính hay các hỗ trợ từ Chính phủ.

Anh Minh – Thi Hà

Nguồn