Chủ mặt bằng của Thế Giới Di Động tìm được khách thuê giá cao hơn

[ad_1]

Bình ĐịnhNgay khi Thế Giới Di Động rút, chủ nhà ở thị xã An Nhơn tìm được đối tác mới là Nhà thuốc Long Châu với giá thuê cao hơn 20%.

Ông Trần Kỷ Mùi – chủ nhà cho Công ty cổ phần Thế Giới Di Động thuê mặt bằng tại thị xã An Nhơn (Bình Định), đã tìm được đối tác thay thế mới và tuyên bố chấm dứt những lùm xùm xoay quanh việc giảm giá mặt bằng. Theo thỏa thuận giữa hai bên, Thế Giới Di Động sẽ trả mặt bằng vào ngày 15/11. Sau đó, đến ngày 27/11, nhà thuốc Long Châu thuộc Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) sẽ là đối tác thuê mặt bằng mới.

Để thanh lý hợp đồng, anh Mùi phải trả lại 12,5 triệu đồng dôi dư mà Thế Giới Di Động đã thanh toán. Trước đó, công ty này đã gửi tiền thuê mặt bằng đến hết ngày 30/11, trong khi hợp đồng thanh lý vào ngày 15/11. Vì thế, anh Mùi được yêu cầu phải trả lại cho Thế Giới Di Động số tiền nửa tháng chưa sử dụng.

Mặt bằng của anh Trần Kỷ Mùi đã tìm được đối tác mới. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mặt bằng của anh Trần Kỷ Mùi đã tìm được đối tác mới. Ảnh: Chủ nhà cung cấp

Gần hai tháng qua, nhiều chủ nhà lên tiếng phản đối khi Thế Giới Di Động liên tiếp ra công văn yêu cầu được giảm tiền thuê mặt bằng trong thời gian đóng cửa hoặc bị hạn chế bán hàng. Dù chưa được sự đồng ý của chủ nhà, công ty này tự ý giảm trừ 70-100% tiền thuê khi tiến hành thanh toán. Với phương án cấn trừ tiền giảm giá vào các tháng tiếp theo, một số chủ nhà phải “nợ” Thế Giới Di Động hàng chục triệu đồng.

Trong một cuộc trò chuyện với VnExpress trước khi tiến hành thanh lý hợp đồng, anh Mùi cho rằng Thế Giới Di Động liên tiếp ra công văn, trong đó có “tối hậu thư” gửi đến các chủ nhà, vì tự cho rằng công ty này đang trả giá thuê mặt bằng cao hơn thị trường. Nếu họ rút đi, chủ nhà sẽ “đuối” nên không dám lấy lại mặt bằng.

“Với tôi, điều đó không đúng. Tôi tìm được nhiều đối tác muốn thế chỗ ngay khi họ rút”, anh nói.

Một chủ mặt bằng tại quận 12 (TP HCM) cũng cho rằng không có chuyện Thế Giới Di Động trả giá thuê cao hơn thị trường. Mức giá cho thuê mặt bằng hiện tại của người này chỉ hơn 150.000 đồng một m2. “Con số này rất thấp so với một bằng mặt nằm ngay mặt tiền đường Lê Văn Khương”, vị này nói.

Cả hai cũng đang tiến hành thương lượng và hướng đến việc thanh lý hợp đồng. Dù vẫn trong giai đoạn khó khăn hậu giãn cách.

Những năm gần đây, khi ngành bán lẻ phát triển mạnh mẽ, các mặt bằng có vị trí tốt thường được ví như “hoa hậu” khi nằm ngay mặt tiền khu dân cư đông đúc hay các ngã lưu thông chính của khu vực… Văn hóa mặt tiền đã ăn sâu trong tiềm thức của giới kinh doanh khi cư dân đô thị rất chuộng các dịch vụ dọc đường đi.

Săn “mặt bằng hoa hậu” vốn là khẩu vị trước nay của Thế Giới Di Động. Các chuỗi bán lẻ thuộc công ty này luôn điểm danh tại các mặt tiền đường lớn, ngã tư đông khách ghé mua. Các đơn vị cùng ngành như FPT Shop, Viettel Store, CellphoneS… cũng có cùng công thức khi mở rộng hệ thống. Tại TP HCM, nhiều ngã đường đông đúc chứng kiến hàng loạt chuỗi bán lẻ lớn mọc liền kề nhau.

Vì lý do trên, mặt bằng luôn là khoản phí không nhỏ đối với các doanh nghiệp. Báo cáo tài chính gần đây nhất của Thế Giới Di Động có nêu, trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này đã chi trước hơn 456 tỷ đồng tiền thuê cửa hàng, bao gồm 420 tỷ đồng trả trước ngắn hạn (thời hạn không quá một năm) và 36 tỷ đồng dài hạn (thời hạn trên một năm).

Có 625 cửa hàng FPT Shop và 268 nhà thuốc Long Châu, FPT Retail tốn khoảng 330 tỷ đồng cho tổng chi phí thuê và sửa chữa cửa hàng trong nửa đầu năm nay. Con số này tăng hơn 14% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp này cũng có một khoản trích trước tiền thuê cửa hàng và văn phòng ngắn hạn gần 122 tỷ đồng và chi phí để cải tạo cửa hàng dài hạn trên 206 tỷ đồng.

Tất Đạt

[ad_2]