Vận đen dồn dập của cô gái Mỹ đến châu Á

Hong KongĐến xứ cảng thơm vào 1/10/2019, đúng ngày biểu tình chìm trong bạo lực, Jade không ngờ mọi thứ mới chỉ là sự khởi đầu.

Hai tháng đầu tiên, Jade Market, người Mỹ, biên tập viên du lịch của CNN, dành thời gian tìm căn hộ bắt đầu cuộc sống mới tại Hong Kong, học cách thanh toán các hóa đơn, các tuyến xe bus thuận tiện nhất để đến văn phòng đại diện của CNN tại đây mỗi ngày.

Kế hoạch là sau khi ổn định cuộc sống mới, cô sẽ dành thời gian tìm hiểu, tham quan nơi mình đang sống một cách nghiêm túc. Và sau đó, cô phát hiện mình bị ung thư.

“Tôi biết cuộc sống của mình sẽ thay đổi, nhưng không phải theo cách này”, cô nhớ lại. Một tuần sau là những ngày quay cuồng với lịch khám bệnh, xét nghiệm… Jade ung thư giai đoạn 2B, cần 6 tháng hóa trị, sau đó là phẫu thuật rồi xạ trị. Cô viết email thông báo cho bố mẹ, những người đang ở cách cô 13 múi giờ.

Em gái Jade, người chưa từng đặt chân đến châu Á trước đó, đã bay từ Mỹ sang chăm chị trong hai tuần đầu điều trị vào đầu tháng một năm nay. Vừa bước chân vào căn hộ của chị sau một chuyến bay dài và lệch múi giờ, em gái Jade bắt tay ngay vào việc dọn dẹp những bãi nôn của Jade khi mệt mỏi. Cô gái nhỏ từng được Jade tắm cho mỗi ngày khi còn bé, giờ chăm sóc chị tỉ mỉ mà không phàn nàn. Tình trạng của Jade lúc này không tốt với nhiều tổn thương trên cơ thể: các vết loét ở miệng, bệnh trĩ, buồn nôn và cơ bắp gần như tê liệt. Nhưng những người bạn của Jade vẫn ở bên cạnh, động viên và sẵn sàng đi chơi với cô bất kỳ lúc nào. 

Khi Jade tiễn em gái về nhà cũng là lúc cô bắt đầu nghe tin tức tại văn phòng về một loại virus lạ đang lây lan ở Trung Quốc đại lục. Mọi người được yêu cầu làm việc tại nhà. Mọi sự kiện cộng đồng chào đón tết Nguyên Đán trong thành phố cũng bị hủy bỏ. 

Jade đi mua sắm ở chợ tại  Kowloon. Ảnh: CNN.

Jade đi mua sắm ở chợ tại Kowloon. Ảnh: CNN.

Khi đó, nhiều người Hong Kong và cả Jade cũng nghĩ rằng chính quyền thành phố đã thận trọng quá mức. Trước đây, họ đã có kinh nghiệm xử lý dịch SARs. Mọi người khi đó không đeo khẩu trang trừ khi bị ốm, cũng không bị kiểm tra thân nhiệt bắt buộc khi đến nơicông cộng và các doanh nghiệp vẫn mở cửa. Một số người bạn của Jade thậm chí đã lên kế hoạch tới Hong Kong để thăm cô và giúp đỡ. Nhưng rồi rất nhanh sau đó, đại dịch bùng phát, các quốc gia châu Á bắt đầu phong tỏa, giới nghiêm biên giới, mọi chuyến bay nhanh chóng bị hủy.

Tết Nguyên Đán, tóc của Jade bắt đầu rụng sau khi tiến hành hóa trị. Cô quyết định cạo trọc. Mọi khu spa trong khu phố cô ở lúc đó đều đóng cửa ngoại trừ một tiệm cắt tóc nhỏ. Người thợ cắt tóc không biết nói tiếng Anh, còn cô không biết tiếng Quảng Đông. Cả hai trao đổi với nhau bằng công cụ dịch trên điện thoại của Jade. Người thợ nói với Jade rằng không nên cắt tóc vào năm mới, vì nó mang lại điềm xấu. Jade lặng lẽ viết trên điện thoại chữ “Ung thư” rồi đưa cho người thợ. Người thợ lập tức gật đầu và bắt tay vào công việc. 10 phút sau, tóc của Jade đã được cắt hết. Người thợ không nhận tiền công. Anh nói rất tiếc vì căn bệnh.

“Tôi rất tiếc” là câu nói mà Jade tin rằng mình sẽ nghe thêm hàng trăm lần nữa trong 6 tháng tới. Tuy nhiên, cô không cảm thấy tiếc. Jade cảm thấy may mắn vì được bệnh viện chăm sóc sức khỏe và cả một cộng đồng ở Hong Kong hỗ trợ. Nhiều người trong số đó là đồng nghiệp của cô, thậm chí, đó là những người cô chỉ mới gặp. Vì vậy, điều này khiến Jade cảm thấy thật tốt.

Trước khi cắt tóc, Jade từng nghĩ sẽ phải giải thích với mọi người ở văn phòng thế nào. Nhưng rồi đại dịch đến, cô được làm từ xa vô thời hạn. Với cô, Covid-19 lại vô tình “giúp” cô tạo ra được một vỏ bọc hoàn hảo cho căn bệnh của mình. Bác sĩ chữa ung thư yêu cầu cô đeo khẩu trang, dùng nước diệt khuẩn rửa tay nhằm bảo vệ bản thân, vì hệ thống miễn dịch của cô đang bị tổn thương. Khi đại dịch bùng phát, cả Hong Kong đều giống như cô: đeo khẩu trang, dùng nước diệt khuẩn. Không ai phát hiện được sự khác biệt của Jade. Và vì không phải đến chỗ làm, không ai biết rằng Jade đang trả lời họ, viết bài từ đâu: nhà cô hay phòng bệnh. 

Cuối tuần, nhóm của Jade sẽ thực hiện một chuyến đi bộ đường dài lên đỉnh Dragons Back nổi tiếng, nằm ở phía tây nam đảo Hong Kong. Sau đó, cả nhóm sẽ đến một bãi biển. Dù là tháng 3, thời tiết lúc đó vẫn đủ ấm để tất cả lao xuống làn nước. Trước khi đến, Jade đã chuẩn bị một chiếc mũ tắm để che đầu. Nhưng bãi biển vắng người, và cô quyết định để lộ ra chiếc đầu trọc của mình. Jade cảm thấy thoải mái, và hạnh phúc nhảy xuống làn nước. Ảnh: CNN.

Jade cùng bạn bè đi bộ đường dài lên đỉnh Dragon’s Back nổi tiếng, nằm ở phía tây nam đảo Hong Kong và ra một bãi biển. Thời tiết vào tháng 3 vẫn đủ ấm để tắm biển. Trước khi đến, Jade đã chuẩn bị mũ tắm để che đầu. Nhưng bãi biển vắng người, và cô quyết định để lộ chiếc đầu trọc của mình. Jade cảm thấy thoải mái, và hạnh phúc nhảy xuống làn nước. Ảnh: CNN.

Biên tập viên du lịch nhưng không được đi du lịch – đó là những gì mà Jade đã nghĩ trong những ngày làm việc ở nhà. Trước đó, cô từng có kế hoạch bay từ Hong Kong tới các địa điểm khác tại châu Á để viết về những trải nghiệm du lịch. Tại Mỹ, cô bay ít nhất một tháng một lần, giờ thì không có sự lựa chọn khác. Cô ngủ từ 10 đến 12 tiếng mỗi ngày, và vẫn không thôi khao khát được đi du lịch.

Điều may mắn nhỏ nhoi khác là một người bạn của cô đã bay tới Hong Kong. Cả hai nhanh chóng trở thành bộ đôi ăn ý trong các cuộc khám phá thành phố Jade đang ở mỗi khi cô cảm thấy đủ khỏe để ra ngoài. Cả hai đi phà ra các hòn đảo gần đó như Po Toi hay Cheung Chau. Họ đã đi bộ đường dài, bơi lội, leo đồi và thăm các ngôi đền. Có những ngày, cả hai hăng say khám phá đến nỗi Jade quên mất rằng cô đang bị bệnh.

“Dù tôi không thể đeo ba lô phượt đến Lào, hay thư giãn trên các bãi biển ở Bali, Indonesia, tôi đã nhận được một món quà khác. Đó là tôi đã có những trải nghiệm, hiểu biết về Hong Kong nhiều hơn mình từng nghĩ”, Jade nói.

Dù tôi không thể đeo ba lô phượt đến Lào, hay thư giãn trên các bãi biển ở Bali, Indonesia, tôi đã nhận được một món quà khác. Đó là tôi đã có những trải nghiệm, hiểu biết về Hong Kong tốt hơn mình từng nghĩ, Jade nói. Trên ảnh là những ngôi nhà cũ kĩ ở Yim Tin Tsai, một hòn đảo nằm ở phía đông bắc. Ảnh: CNN.

Trên ảnh là những ngôi nhà cũ kĩ ở Yim Tin Tsai, một hòn đảo nằm ở phía đông bắc. Ảnh: CNN.

Nhiều người khi nhìn về quãng thời gian mà Jade đến châu Á, họ sẽ thấy vận đen dồn dập đeo bám cô. Đầu tiên là cô xuất hiện đúng thời kỳ “loạn lạc” của thành phố với những buổi biểu tình; bệnh tật và cuối cùng là đối mặt với đại dịch chết người. Nhưng Jade không cảm thấy sợ hãi. Cô đang sống rất ổn trong một thành phố 7,5 triệu dân và tỷ lệ tử vong vì nCoV thấp. Rõ ràng, với cô, Hong Kong xứng đáng là một đối tác của chương trình “hành lang du lịch an toàn”.

Vào tháng 4, khi Jade trải qua 4 tháng hóa trị cũng là lúc Hong Kong ghi nhận một tuần liền không xuất hiện ca lây nhiễm nCoV mới. Các hạn chế đi lại không còn nghiêm ngặt. Các nhà hàng có thể đón khách, miễn họ phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm. Đám đông cũng được phép tụ tập trên đường phố từ 4 lên 8 người. 

Xứ cảng thơm dường như đang thức dậy sau đại dịch, và Jade cũng thế. Tóc cô bắt đầu mọc lại. Đôi khi, cô chợt thấy việc bị ung thư là một giấc mơ kỳ lạ. Cả thế giới đóng cửa và tôi cũng đóng cửa để ở trong căn hộ nhỏ của mình. Và mọi thứ đều đứng yên. Thời tiết nóng dần lên, và thật khó chịu khi phải đội tóc giả nơi công cộng. Vì vậy, Jade dần đi ra ngoài mà không mang theo tóc giả. Thỉnh thoảng có người vẫn nhìn chằm chằm cô, nhưng phần lớn đều đối xử lịch thiệp. 

Jade cho biết, nếu ai đó hỏi cách đây một năm điều mong đợi cho chuyến đi Hong Kong là gì, cô sẽ nói về các chuyến phiêu lưu ở khắp châu Á. Nhưng cuộc sống luôn thay đổi, và những gì xảy ra sẽ khiến bạn có những suy nghĩ khác đi. Với Jade, câu trả lời hiện tại của cô sẽ là: việc vẫn được chăm sóc y tế mỗi ngày, tiếp tục cuộc sống của mình, còn có thể tự đi mua đồ ở cửa hàng tạp hóa… đã thực sự là một niềm vui, một món quà.

Anh Minh (Theo CNN)

Xem thêm

Khỏa thân mắc kẹt ở lối thoát hiểm

Nguồn