Trong ngắn hạn, VN-Index khó giảm sâu thêm!

Trong ngắn hạn, VN-Index khó giảm sâu thêm!

Bình An

(TBKTSG) – Trong tuần giao dịch từ ngày 6 đến 10-1-2020, thị trường chứng khoán (TTCK) có biến động khá mạnh do những tác động khó lường đến từ tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Kết thúc tuần giao dịch trước, chỉ số VN-Index tăng 0,35%, lên mức 968,5 điểm.

https://www.thesaigontimes.vn/

Giao dịch của khối ngoại vẫn khá tích cực, phần nào giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư. Tính trên cả ba sàn, khối ngoại mua vào 137 triệu cổ phiếu, trị giá 4.442,5 tỉ đồng, trong khi bán ra 123,9 triệu cổ phiếu, trị giá 3.409 tỉ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt 13 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là hơn 1.010 tỉ đồng. Mặc dù vậy, động thái mua ròng lớn chủ yếu thông qua phương thức thỏa thuận mã cổ phiếu PGD. Nếu chỉ tính riêng giao dịch khớp lệnh thì giá trị mua ròng còn 235 tỉ đồng. Ngoài PGD thì VNM và PNJ là hai mã được khối ngoại mua ròng lần lượt 155 tỉ đồng và 80,6 tỉ đồng.

Xung đột thương mại Mỹ – Trung vẫn sẽ tiềm ẩn nhiều bất định trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần.

Về giao dịch của các quỹ ETF, trong những ngày đầu năm mới, các quỹ VFMVN30 ETF, VNM ETF, Kindex Vietnam VN30 ETF, iShares MSCI Frontier 100 ETF đều phát hành ròng chứng chỉ quỹ. Nổi bật nhất phải kể tới quỹ ETF nội VFMVN30 ETF khi phát hành ròng 8,2 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng giá trị 120 tỉ đồng. Đáng chú ý, hoạt động phát hành của VFMVN30 ETF đã diễn ra từ cuối tháng 10 tới nay. Dù lượng phát hành không quá mạnh nhưng là yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường trong bối cảnh xu hướng bán ròng của khối ngoại vẫn đang diễn ra. Quỹ ETF lớn nhất hoạt động tại Việt Nam, Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF), cũng phát hành ròng 50.000 chứng chỉ quỹ, tương ứng giá trị gần 800.000 đô la Mỹ.

Về các thông tin mang tính khách quan, nguy cơ xung đột quân sự Mỹ – Iran tạm thời được tháo ngòi nổ sau những phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Mặc dù trong phiên cuối tuần trước, báo cáo việc làm tháng 12 của Mỹ không thật sự khả quan (chỉ có 145.000 việc làm mới được ra thay vì mức dự báo 165.000 việc làm) nhưng những số liệu này cũng chưa đến mức quá bi quan. Với số lượng việc làm mới được tạo ra vẫn ở trên mức 100.000 việc làm/tháng, khu vực tiêu dùng được dự báo sẽ vẫn khả quan, làm trụ cột chính trong tăng trưởng GDP của Mỹ. Diễn biến này nhiều khả năng sẽ giúp Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất ở mức như hiện tại trong cuộc họp chính sách vào cuối tháng 1 (ngày 28 và 29).

Trong tuần này, vào ngày 15-1 dự kiến sẽ diễn ra lễ ký kết thỏa thuận thương mại “bước 1” giữa Mỹ và Trung Quốc. Phái đoàn Trung Quốc, dẫn đầu là Phó thủ tướng Lưu Hạc đã đến Washington để chuẩn bị cho việc ký kết. Việc Mỹ – Trung tạm thời có “deal” sẽ giúp kinh tế toàn cầu giảm bớt rủi ro nhưng xung đột thương mại Mỹ – Trung vẫn sẽ tiềm ẩn nhiều bất định trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần.

Tại châu Á, số liệu quan trọng trong tuần này sẽ là tăng trưởng GDP quí 4 và cả năm 2019 của Trung Quốc. Nhiều khả năng kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng khoảng 6-6,2% trong năm 2019. Dự báo năm 2020, kinh tế Trung Quốc có thể vẫn gặp nhiều khó khăn và mức tăng trưởng có thể sẽ tiếp tục giảm nhẹ, về quanh mức 6%.

Về các thông tin trong nước, theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), ngay từ thời điểm đầu năm Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02, trong đó trọng tâm là các chỉ đạo nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đáng chú ý, các mục tiêu đã được định lượng khá rõ nét trong Nghị quyết 02 như: phấn đấu môi trường kinh doanh (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới – WB) tăng 10 bậc, năng lực cạnh tranh theo xếp hạng GCI 4.0 (của Diễn đàn Kinh tế thế giới – WEF) lên 5 bậc. Nhìn lại trong hai năm 2018 và 2019, các cải cách về phía cung của Việt Nam gần như chững lại (xếp hạng theo báo cáo Doing Business của WB, Việt Nam thậm chí còn bị tụt 1 bậc trong năm 2019). Trong khi đó, Trung Quốc và các nước trong khu vực có sự cải thiện về môi trường kinh doanh rất đáng kể. Nếu Việt Nam tiếp tục chậm trễ trong việc cải cách, các lợi thế nhằm thu hút dòng vốn nước ngoài sẽ bị xói mòn.

Xu hướng ngắn hạn của VN-Index là sẽ tiếp tục tích lũy trong vùng 950-970 điểm. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh năm 2019 đang dần bắt đầu, kết hợp với động thái mua ròng trở lại của khối ngoại, đang là những yếu tố giúp thị trường khó giảm sâu thêm.



Nguồn