[ad_1]
Khi đăng ảnh vác gạo hỗ trợ dân ở các khu phong tỏa, Quyền Linh bị nhiều người nói “diễn”, “làm màu”.
– Cuộc sống của anh khi bình thường mới ra sao?
– Tôi bắt đầu ghi hình một số chương trình nhưng vẫn duy trì làm thiện nguyện. Gần đây, nhiều tỉnh miền Tây có ca nhiễm tăng mạnh, tôi lại vận động xin gạo, khẩu trang, đồ bảo hộ gửi xuống giúp người dân. Tôi cũng đang tham gia dự án cộng đồng Việc làm tốt, làm cầu nối cho người nghèo các tỉnh tìm việc khi trở lại thành phố mưu sinh.
Thú thực, tôi vẫn chưa quen với việc ngồi yên tại chỗ. 5 tháng dịch, tôi và bạn bè chất đầy gạo mắm, mì ăn liền, rau củ quả trên chiếc xe bán tải, chạy lang thang khắp con đường ở Sài Gòn, tìm đến những nơi cần mình giúp. Do được cấp giấy phép đi đường, nhóm chúng tôi vào các ngõ hẻm sâu, hỏi thăm những hộ bị cách ly đang thiếu những gì ngoài nhu yếu phẩm đã cấp. Ai có tiền thì tôi mua giúp, không thì bỏ tiền túi. Nhiều nơi, người dân hết băng vệ sinh nhưng không nhờ được ai, tôi cũng xếp hàng đi lấy. Vất vả nhưng tôi chấp nhận vì biết người ta cần mình.
– Gia đình nói gì khi thấy anh dồn sức vào thiện nguyện?
– Giai đoạn dịch bùng phát dữ dội nhất, nhiều ngày liền, tôi không dám về nhà vì sợ nhiễm bệnh, liên lụy người thân. Mỗi lần muốn về, tôi xét nghiệm nhanh trước cho yên tâm, gặp vợ con cũng chỉ cười từ xa rồi lui lủi lên phòng riêng. Tôi hạn chế ăn cơm chung với gia đình vì có mẹ già, con nhỏ. Mẹ tôi mỗi lần thấy tivi chiếu cảnh tôi đến các điểm dịch thì chỉ biết khóc. Vợ tôi không nói nhiều, chỉ gửi hình ảnh về các ca tử vong vì Covid-19, nhất là người quen, như một cách cảnh báo.
Tôi thương nhất là con gái đầu – bé Lọ Lem. Trước dịch, hai cha con thân thiết lắm, ngày nào con đi học về cũng ôm chầm lấy tôi. Bảy tháng qua, tôi chưa một lần được ôm con vào lòng. Bé sống tình cảm, hiểu cho công việc của tôi nên thường viết thư tay động viên, đề là “Ba Mũm Mĩm của con”. Nhiều đêm, tôi tự hỏi vì sao mình làm những công việc đó. Chẳng ai bắt ép tôi, bản thân cũng không còn sung sức như thuở thanh niên. Nhưng sáng hôm sau, tôi lại bật dậy và lên đường. Nhìn những ánh mắt đau đáu chờ đợi, tôi nhận ra bất cứ ai có điều kiện cũng sẽ làm như tôi thôi.
– Ngoài những lời khen, anh nhận ý kiến tiêu cực gì khi đi cứu trợ?
– Hồi tháng 8, tôi đăng vài bức ảnh vác gạo lên fanpage, nhiều người vào bình luận, đại ý: “Ông này diễn, làm màu quá, bày đặt đi dép cao su ra vẻ bình dân”. Tôi phản hồi: “Cảm ơn bạn, cuộc sống có nhiều màu sắc thì càng tốt chứ sao”. Thực tâm, tôi không buồn mấy vì luôn biết chuyện gì cũng sẽ có người khen, kẻ chê. Tôi quan niệm chỉ cần người quen hiểu công việc mình đang làm, biết mình không có hành vi sai trái nào, thế là đủ.
Tôi hiểu thời gian qua, hai chữ “thiện nguyện” rất nhạy cảm với giới nghệ sĩ. Tôi nghĩ mình không vướng vào những lùm xùm nhờ nỗ lực minh bạch ngay từ đầu. Từ nhiều năm qua, tôi có nhóm nhà hảo tâm riêng – đa số là chủ doanh nghiệp. Mỗi lúc tôi cần kêu gọi, họ đều góp mặt. Dù là người quen, tôi không nhận tiền trực tiếp từ họ. Ví dụ, đợt vừa rồi, một cậu em nói sẽ cho tôi hơn một tỷ đồng hỗ trợ người dân. Tôi nhất quyết không tự trao tiền mà đề nghị họ đi cùng mình, chính tay họ sẽ trao.
Nhiều người quen thường nói tôi quay quảng cáo suốt chắc giàu lắm (cười). Nói thật, 10 lần quay thì tôi nhận tiền chỉ một, hai lần, còn lại tôi góp công cho các nhà hảo tâm. Chẳng hạn, một người quen gửi tôi 100 triệu đồng nhờ hỗ trợ các bếp tình thương. Tôi yêu cầu họ mua lương thực, đến tặng cho các bếp. Đổi lại, tôi sẽ chụp ảnh quảng bá cho doanh nghiệp đó. Tôi chỉ cần đứng bắt tay, tươi cười, chẳng mất gì mà đôi bên cùng có lợi, vậy tại sao mình không làm?
– Suy giảm sức khỏe từ vài năm trước, việc đi lại nhiều ảnh hưởng tới anh ra sao?
– Tôi bị thoát vị đĩa đệm nhiều năm nay. Đợt dịch vừa qua, có giai đoạn mỗi ngày tôi vác hàng tấn gạo, mỗi bao nặng 5-10 kg nhưng lúc ấy lại không thấy đau mấy, có lẽ được khích lệ từ các cộng sự nhiệt huyết. Về đến nhà, đặt lưng xuống, tôi mới thấy mình mẩy nhức nhối. Tôi cũng điều trị gan, thận nhưng nhiều tháng qua ngưng hẳn vì thời dịch, không tìm được loại thuốc mình cần. Gần đây, bệnh viện gửi thư về tận nhà hẹn lịch, gia đình hối thúc, tôi mới nhớ ra nửa năm rồi chưa đi tầm soát.
– Tâm nguyện lớn nhất hiện tại của anh là gì?
– Tôi đang xây một công trình du lịch – tín ngưỡng ở huyện Châu Thành, Sóc Trăng để khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống của người Khmer. Khách đến thăm sẽ thưởng thức đặc sản địa phương, ngủ tại ngôi nhà đặc trưng theo phong cách bản địa, sống lại không khí “Sóc Sờ Bai” một thời. Khởi công từ đầu năm ngoái, dự án nhiều lần phải đình lại qua bốn đợt dịch bùng phát, gần đây mới xây tiếp.
Tôi lỗ hàng tỷ đồng vì vườn tược không ai chăm sóc, hoa cỏ chết sạch, vốn đội lên rất cao dù kinh phí ban đầu đã hơn 100 tỷ. Đuối lắm nhưng tôi cố gắng bám trụ vì coi đây là công trình tâm huyết ở tuổi xế chiều. Sau này khi con cái thành đạt, vợ chồng tôi về đây sinh sống, dưỡng già.
Quyền Linh tên thật là Mai Huyền Linh, sinh năm 1969 tại Tiền Giang trong một gia đình nông dân nghèo. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, mê kịch nói, cải lương, anh thi vào trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM). Thập niên 1990, anh ghi dấu với nét đẹp phong trần, lãng tử, nổi tiếng qua các phim Người Hà Nội (1995), Những nẻo đường phù sa (1997), Đồng tiền xương máu (1999), Giao thời (2000)… Những năm gần đây, anh chuyển sang làm MC cho các chương trình Vượt lên chính mình, Bạn muốn hẹn hò… Anh kết hôn năm 2005 với chị Dạ Thảo, có hai con gái, tên thân mật là Lọ Lem và Hạt Dẻ.
Mai Nhật
[ad_2]