Phụ huynh ngóng kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ

[ad_1]

Nhiều cha mẹ mong con được tiêm vaccine sớm để đi học lại, dù vẫn còn lo lắng về cách thức triển khai hay phản ứng phụ gặp phải.

Bộ Y tế ngày 14/10 cho phép tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi, theo lộ trình từ lớn đến nhỏ, ưu tiên lứa 16-17 tuổi trước và hạ dần độ tuổi, theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.

Chị Nguyễn Mai Trang, 40 tuổi, giáo viên một trường THPT, cũng là phụ huynh có con trong độ tuổi được tiêm. Kế hoạch này của Bộ Y tế là điều chị chờ đợi lâu nay, bởi chị hiểu rõ, trường học tập trung đông học sinh, mật độ giãn cách khó đảm bảo, nguy cơ lây nhiễm cao nếu có ca F0 vì các em vốn hiếu động và đến từ nhiều khu vực. Nếu có vaccine cho trẻ, chị nói sẽ cho con tiêm.

Tuy nhiên, vấn đề chị lăn tăn nhất là các em sẽ được tiêm vaccine gì. Ngoài ra, phụ huynh này còn quan tâm tới vấn đề sàng lọc và tác dụng phụ sau tiêm. Cũng giống với tiêm vaccine cho người lớn, trẻ cần đáp ứng những yêu cầu nhất định trước tiêm và có thể gặp phản ứng phụ sau đó. Nếu các em khai không đúng về tình trạng sức khỏe, cố tình giấu bệnh nền để được tiêm ngừa thì sẽ rất nguy hiểm. “Tôi mong cơ quan y tế có quy trình đánh giá, kiểm định độ an toàn của vaccine và khám sàng lọc cẩn thận cho các con”, chị Trang nói.

Ở góc độ giáo viên, chị Trang cho rằng phụ huynh phải là người giám hộ, nắm được con mình có đáp ứng điều kiện an toàn để tiêm hay không.

Cũng có mối quan tâm giống chị Trang, chị Nguyễn Mai Khanh ở quận Hà Đông, Hà Nội, đề xuất tiêm loại vaccine nào uy tín nhất, dùng được cho trẻ em và đã được thử nghiệm ở nhiều nước trên thế giới. Chị mong các con được tiêm vaccine Pfizer.

“Việc tiêm cho học sinh là quyết định đúng đắn để các con sớm trở lại trường học sau thời gian học online quá lâu. Nhưng quan trọng là cơ quan y tế đã kiểm soát hết các tác dụng phụ hay chưa”, chị Khanh nói.

Học sinh lớp 9 trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP HCM học trực tuyến tại nhà, tháng 9/2021. Ảnh: Việt Phương

Học sinh lớp 9 trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP HCM học trực tuyến tại nhà, tháng 9/2021. Ảnh: Việt Phương

Muốn con được tiêm vaccine để sớm đến trường cũng là nguyện vọng của nhiều phụ huynh các tỉnh, thành Nam Bộ – vốn là điểm nóng của đợt bùng phát dịch lần thứ tư. Ngoài thương hiệu và chất lượng vaccine, nhiều phụ huynh muốn công tác tổ chức tiêm chủng quy củ, an toàn.

Khi biết tin Đồng Nai dự kiến cho học sinh trở lại trường từ 1/11, chị Lê Thị Phượng (ngụ TP Biên Hoà) khấp khởi mừng thầm rồi lo lắng. Vừa qua, khu phố chị ở bị phong toả hơn nửa tháng do có ca nhiễm. Gia đình bốn người nhà chị an toàn, vợ chồng cùng con gái lớn được tiêm đủ hai mũi vaccine. Riêng con gái đang học lớp 8 chưa tiêm.

“Biên Hoà có hơn một triệu dân, lại nhiều khu công nghiệp nên khi nới dần hoạt động kinh tế sẽ tiềm ẩn nguy cơ. Nếu chưa tiêm vaccine cho trẻ thì không nên cho đến trường. Tuy nhiên cũng không thể học online mãi, nên cần xúc tiến việc tiêm vaccine”, chị Phượng nói.

Chị Phượng đặt niềm tin vào sự thẩm định, lựa chọn của Bộ Y tế cùng các cơ quan chức năng và mong công tác tổ chức tiêm vaccine cho học sinh sẽ quy củ, an toàn. “Tôi nghĩ nhà trường và ngành giáo dục nên là đầu mối thống kê, phối hợp tổ chức tiêm chủng cho học sinh sẽ tốt hơn. Điều này tránh bỏ sót học sinh. Tiêm ở trường cũng đảm bảo các tiêu chuẩn giãn cách, tránh lây nhiễm chéo”, chị nói.

Ngành y tế cũng dự định tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, điểm tiêm lưu động và trường học (đối với địa bàn tổ chức được học tập trung tại trường). Cha mẹ, người giám hộ cần ký vào phiếu đồng ý tiêm chủng.

Tại TP HCM, việc học online được xác định duy trì hết học kỳ I, học sinh dự kiến trở lại trường từ tháng 1/2022. Theo nhiều phụ huynh, khoảng thời gian 2,5 tháng đủ để tổ chức tiêm chủng cho gần 700.000 học sinh độ tuổi 12-17.

Anh Đặng Anh Tú (ngụ TP Thủ Đức) cho biết, chỉ khi nào con trai học lớp 9 được tiêm vaccnine, đảm bảo an toàn, anh mới yên tâm trở lại công việc và cho con đến trường. “Tôi hiểu vaccine không phải là thần dược giúp an toàn tuyệt đối trước dịch, nhưng rõ ràng nó hạn chế được khả năng lây lan hoặc trở bệnh nặng nếu mắc phải. Việc học có thể muộn hoặc học online kéo dài, nhưng sức khoẻ phải được ưu tiên”, anh Tú nói.

Cũng theo anh, ngay cả khi học sinh trung học được phủ vaccine toàn diện, việc quy lại trường cũng không nên đại trà, ồ ạt. Ngoài việc đảm bảo giãn cách, nhà trường chỉ nên tổ chức dạy tập trung một số buổi, kết hợp dạy trực tiếp với online.

Chiều nay 15/10, một lãnh đạo Sở Y tế TP HCM cho biết đang xây dựng kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi. Ngành y tế đang lên kế hoạch để trình UBND TP HCM ban hành cụ thể, hiện chưa định thời gian.

Trên thế giới, nhiều nước đã tiêm vaccine cho học sinh 12 đến dưới 18 tuổi. Hôm 14/7, truyền thông Trung Quốc đưa tin nước này đã tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ cho 91% học sinh ở nhóm tuổi 12-17. Mặc dù độ phủ vaccine cao, giới chức Trung Quốc vẫn khuyến cáo các trường không nên chủ quan và thực hiện các biện pháp phòng ngừa Covid-19.

Hai loại vaccine chính của Trung Quốc hiện đã được cấp phép dùng cho trẻ từ ba tuổi. Tuy nhiên, các cơ quan chịu trách nhiệm về vaccine hiện vẫn chưa cho phép trẻ dưới 12 tuổi được tiêm.

Canada là một trong những nước đầu tiên cho phép trẻ em từ 12 tuổi trở lên tiếp cận với vaccine Pfizer. Từ đầu tháng 5, phụ huynh ở quốc gia này đã được thông báo có thể đặt lịch tiêm cho con. Đến giữa tháng 8, 58% trẻ em từ 12 đến 17 tuổi ở nước này được tiêm đầy đủ.

Tại Mỹ, vaccine Pfizer được cung cấp cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên ngay sau khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt việc tiêm vaccine cho nhóm tuổi này hồi tháng 5. Tương tự, nhiều quốc gia khác đã chấp thuận và triển khai tiêm vaccine Pfizer để phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên, chẳng hạn Pháp, Israel, UAE, Singapore hay Hà Lan.

Bình Minh – Mạnh Tùng

[ad_2]