Những lần khách Việt gặp trộm cướp ở châu Âu

Hơn 20 năm đến Italy liên tục mà chỉ mất trộm vài lần, anh Nguyễn Tất Thịnh nói đấy là “kỳ tích”. 

Sự cố khiến anh “dở khóc dở cười” nhất là khi cùng một người bạn lái xe từ Berlin, Đức sang Prato, Italy cách đây vài năm. Chạy vào siêu thị mua đồ, anh và người bạn đã bị trộm cậy cửa ôtô lấy toàn bộ hành lý. Mất hộ chiếu, hai anh phải đến đồn cảnh sát khai báo.

Phòng tiếp nhận công dân nước ngoài đông như mắc cửi. Lần đầu đến, anh Thịnh lúng túng không biết tìm ai. Bỗng, cậu em đi cùng kéo tay anh, chỉ vào một cảnh sát vừa đi qua và nói: “Người này sẽ làm thủ tục cho anh em mình”. Anh Thịnh nghe theo và được cảnh sát hỗ trợ giấy tờ để đi lại. Hỏi vì sao biết chính xác người sẽ giúp mình, cậu em cười cho hay “đã mất hộ chiếu 3 lần nên có kinh nghiệm”.

Vợ chồng người bạn của anh Thịnh cũng từng bị mất ví và hộ chiếu khi tới Barcelona, Tây Ban Nha. Báo cảnh sát, họ được khuyên rằng trộm chỉ lấy tiền và vứt hộ chiếu vào thùng rác. Quay lại nơi mình bị móc túi… bới thùng rác, họ đã may mắn tìm thấy giấy tờ tùy thân.

Hai vợ chồng anh Thịnh trong chuyến du lịch tới làng Hallstatt, Áo. Ảnh: Nguyễn Tất Thịnh.

Hai vợ chồng anh Thịnh trong chuyến du lịch tới làng Hallstatt, Áo. Anh Thịnh đang làm cho một công ty thiết bị chiếu sáng tại Praha, Czech. Mỗi khi rảnh rỗi, anh thường làm hướng dẫn viên cho khách Việt du lịch châu Âu. Ảnh: Nguyễn Tất Thịnh.

Còn với anh Đinh Ngọc Thịnh, giám đốc Sales và Marketing của một nhà hàng ở Hà Nội, lần gặp lừa đảo tại châu Âu gay cấn và cân não chẳng khác gì phim hành động. Cuối năm 2018, anh cùng một người bạn tham quan làng cối xay gió Zaanse Schans, Hà Lan. Đang đi bộ ra bến tàu để trở về Amsterdam, họ bỗng nghe tiếng hét: “Dừng lại!” rất to từ phía sau. Theo bản năng, hai anh quay lại thì thấy hai người đàn ông ngồi trong ôtô. Họ không xuống xe, mà chỉ mở cửa kính rồi quát tháo, yêu cầu kiểm tra giấy tờ.

Nghe loáng thoáng mình bị tình nghi chứa ma túy trong người, người bạn đi cùng anh hoảng loạn. Người này thậm chí còn định đưa ví tiền của mình cho hai “cảnh sát” kiểm tra. Anh Thịnh có kinh nghiệm nên cản lại và yêu cầu họ xuất trình thẻ cảnh sát cũng như xuống xe nói chuyện đàng hoàng. Nói chuyện thêm một lúc, anh Thịnh càng nghi ngờ hơn nên nói sẽ gọi điện về sở cảnh sát địa phương khiếu nại. Biết gặp phải “đối thủ”, hai tên này vội vàng phóng xe đi.

Anh Ngọc Thịnh trong chuyến du lịch Iceland năm 2019. Ảnh: Đinh Ngọc Thịnh.

Anh Ngọc Thịnh trong chuyến du lịch Iceland năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nếu anh Ngọc Thịnh phải “đấu trí” với kẻ lừa đảo, anh Hoàng Tuấn và chị Ngọc Hương lại có kinh nghiệm “đấu mắt” với kẻ móc túi. Cuối năm 2019, hai vợ chồng du lịch vòng quanh châu Âu. 

Chị Hương tự nhận mình và ông xã là “kẻ liều mạng” bởi tiếng Anh “một chữ bẻ đôi không biết”. Anh chị tự túc chuyến du lịch trời Tây, không thuê hướng dẫn viên hay mua tour. Trợ thủ duy nhất của họ là chiếc điện thoại kết nối Internet.

Sự cố đến ngay ngày đầu tiên ở Paris, Pháp. Trên tàu RER B, một gã đàn ông cao lớn đứng cạnh hai vợ chồng, vắt chiếc áo dài cầm trên tay trùm lên cả túi đeo phía trước của anh Tuấn. Cảnh giác cao, anh Tuấn và chị Hương luôn để ý mọi hành động của gã đàn ông lạ. Chợt nhìn thấy gã sờ vào túi của mình, anh Tuấn nhẹ nhàng nhưng cương quyết nhấc tay hắn ra. Chị Hương đứng đối diện chồng thì nhìn chằm chằm vào kẻ lạ mặt. Đến lần thứ ba đặt tay lên túi và bị hất ra kèm ánh mắt dữ dội chị Hương khoảng 2-3 phút, người đàn ông này mới nói “Xin lỗi” rồi lảng ra chỗ khác. 

Làm gì để giảm thiểu ro khi du lịch châu Âu?

Anh Nguyễn Tất Thịnh cho biết không chỉ châu Âu mà bất kỳ quốc gia nào cũng luôn có người tốt, kẻ xấu. “Kẻ xấu thường nhằm vào balo, túi xách, ví… Do đó, bạn tránh cất tiền và đồ có giá trị trong đó. Balo cũng không nên đeo sau lưng, mà để trước ngực. Những nơi cần cảnh giác cao là Paris, Marseille, Barcelona, Milan, Venice, Rome…”, anh Thịnh nhận định.

Nếu du lịch bằng ôtô riêng, bạn không nên để đồ có giá trị trong xe khi đi vệ sinh, vào siêu thị… Nên mang theo đồ trong cốp xe vào khách sạn bởi kẻ xấu có thể cậy cốp.

Đến các cửa hàng ăn uống, du khách cũng nên kiểm tra kỹ giá cả, đặc biệt là những quán vắng khách. Một lần tới Rome, anh Thịnh cùng một người bạn vào quán vắng trong ngách ở phố Via Veneto. Hai vị khách Việt định gọi một chai vang để uống. Trong lúc chờ đợi, anh cẩn thận nhìn giá thực đơn và thấy chai vang có giá 700 euro, số tiền này được in rất nhỏ. Anh và bạn vội đứng dậy rời khỏi quán trước khi bị “chặt chém”.

Với trường hợp nghi ngờ kẻ xấu đóng giả cảnh sát, anh Ngọc Thịnh khuyên bạn tuyệt đối bình tĩnh, “mình không làm gì sai thì không có gì phải sợ”. Cảnh sát ‘xịn’ ở châu Âu rất lịch sự và tốt bụng. Nếu họ muốn kiểm tra giấy tờ của bạn, họ cũng ăn nói từ tốn và luôn nêu rõ lý do, không bao giờ quát tháo. Nếu xác định được cảnh sát mạo danh, hãy lờ đi, hoặc tỏ ra không hiểu chúng đang nói gì. Chúng sẽ mất kiên nhẫn và bỏ đi.

Anh Thịnh cho rằng, nếu đã lỡ tiếp chuyện, du khách cũng không nên tỏ ra là người hiếu chiến vì có thể những kẻ lừa đảo mang vũ khí và manh động. Hãy nhẹ nhàng thông báo mình muốn gọi cảnh sát để xác minh. Trường hợp chúng tiếp tục gây sức ép, hãy chạy ngay đi và hô to kêu cứu để những người xung quanh giúp đỡ.

Vợ chồng chị Hương và anh Tuấn tiết lộ kinh nghiệm của mình là luôn thuê khách sạn có danh tiếng, cất hộ chiếu, tiền mặt, thẻ… trong két sắt. Những ngày đi tham quan, hai vợ chồng chỉ mang đủ tiền mặt để ăn uống, đi lại. Những ngày mua sắm, họ mới mang theo thẻ visa cất trong túi đeo trước ngực và luôn quan sát những người đứng gần mình.

Những câu chuyện về du khách Việt là loạt bài ghi lại các sự cố, kỷ niệm vui buồn của du khách khi đi du lịch trong và ngoài nước. Đây cũng là diễn đàn để nhân viên làm trong ngành dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, hướng dẫn viên chia sẻ kinh nghiệm, câu chuyện trong nghề.

Phương Anh ghi

Nguồn