Nhiều trường học ở Thanh Hóa bỏ hoang

[ad_1]

Sau đề án sáp nhập, 8 trường THPT ở Thanh Hóa đang bỏ hoang, xuống cấp, gây lãng phí tài sản công.

Thực hiện đề án sắp xếp các trường THPT công lập đến năm 2025, tỉnh Thanh Hóa đã sáp nhập, giải thể 13 trường học, từ 101 hiện còn 88. Đề án nhằm giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, viên chức.

Sau sáp nhập, tỉnh có 8 công trình dôi dư, hầu hết được bàn giao cho các địa phương quản lý, song đến nay đang bị bỏ hoang.

Nhiều trường học bỏ hoang

Nhiều trường học bỏ hoang ở Thanh Hoá. Video: Lê Hoàng.

Trường THPT Đinh Chương Dương, huyện Hậu Lộc, giải thể năm học 2018-2019 với lý do “vị trí và quy mô không phù hợp với quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục phổ thông của tỉnh”. Năm 2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thu hồi hơn 10.800 m2 đất của trường cũ giao cho địa phương quản lý.

UBND huyện Hậu Lộc có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp nhận, quản lý tài sản được bàn giao, lập phương án đưa quỹ đất vào sử dụng. Tuy nhiên, hai năm qua, công trình này bỏ hoang, không có người trông coi bảo quản khiến xuống cấp nghiêm trọng, nhiều bức tường mọc rêu, nứt nham nhở, cây cối cỏ dại mọc um tùm.

“Trường bỏ hoang lâu rồi, gần đây tạo thành điểm cho người ta đổ rác, gây ô nhiễm mỗi trường, mất mỹ quan đô thị…”, anh Đỗ Huy Vang, khu 3 thị trấn Hậu Lộc, phản ánh.

Phế thải đổ đầy sân trường THPT Đinh Chương Dương cũ. Ảnh: Lê Hoàng.

Phế thải đổ đầy sân trường THPT Đinh Chương Dương cũ. Ảnh: Lê Hoàng.

Lãnh đạo Phòng Tài chính Kế hoạch huyện Hậu Lộc cho biết, huyện đang tính toán, báo cáo tỉnh xin thanh lý tài sản của trường THPT Đinh Chương Dương để tổ chức đấu giá đất ở. Tuy nhiên, do đang vướng một số quy định về quản lý tài sản công nên chưa thực hiện được.

Huyện Hoằng Hóa có hai trường THPT Lê Viết Tạo và THPT Lưu Đình Chất thuộc diện dôi dư, đã sáp nhập. UBND huyện đang lên kế hoạch chuyển đổi thành mô hình trường liên cấp chất lượng cao tại trường Lê Viết Tạo cũ, còn trường Lưu Đình Chất chưa được tỉnh thu hồi, bàn giao.

Theo ông Nguyễn Văn Duy, Phó trưởng phòng Tài chính Kế hoạch huyện Hoằng Hóa, tài sản cả hai ngôi trường vẫn còn tương đối tốt, song hiện giao cho các xã quản lý nên không tránh khỏi tình trạng xuống cấp.

Ông Lê Duy Hiếu, Phó trưởng phòng Quản lý công sản – giá cả, Sở Tài chính Thanh Hóa, cho hay với 8 trường thuộc diện dôi dư đã sáp nhập, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với ngành giáo dục chuyển giao 6 trường cho các địa phương quản lý sử dụng. Hai trường THPT Lưu Đình Chất (Hoằng Hóa) và THPT Trần Ân Chiêm (Yên Định) do vướng một vài thủ tục nên chưa được chuyển giao.

Lê Hoàng