Theo dữ liệu từ Fiinpro trên 3 sàn giao dịch, có 90 cổ phiếu tăng giá trên 100%. Dẫn đầu mức tăng là VNX của Công ty cổ phần Quảng cáo và hội chợ Thương mại trên sàn UPCoM. Cuối năm 2018, VNX chỉ có giá 1.200 đồng/cổ phiếu nhưng đến phiên cuối cùng năm 2019 vừa qua, cổ phiếu này đứng ở giá 60.000 đồng/cổ phiếu, mức tăng lên đến 4.900%. Kế đến là HCS của Công ty cổ phần Thông tin Tín hiệu Đường sắt Hà Nội cũng đang giao dịch trên UPCoM. Từ giá 6.900 đồng/cổ phiếu vào cuối năm trước đến nay HCS đạt giá 107.600 đồng/cổ phiếu, tăng 1.459,4%. Thứ ba là cổ phiếu DTN của Công ty cổ phần Diêm Thống Nhất từ giá 5.100 đồng/cổ phiếu nhảy vọt lên 30.000 đồng/cổ phiếu, mức tăng đạt 488%.
Một số cổ phiếu trên UPCoM có mức tăng vài trăm phần trăm còn có thể kể đến như BOT của Công ty cổ phần BOT Cầu Thái Hà tăng 459%, SIP của Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG tăng 453%…
Còn trên sàn TP.HCM, cổ phiếu FIT của Công ty cổ phần Tập đoàn F.I.T dẫn đầu khi tăng 294,53% trong năm qua. Từ mức 2.560 đồng/cổ phiếu chốt phiên cuối cùng năm 2019 FIT đạt giá 10.100 đồng/cổ phiếu. Chỉ riêng quý 3/2019, FIT báo cáo đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất 15,2 tỉ đồng trong khi quý 3/2018 bị lỗ 17,7 tỉ đồng. Kết quả kinh doanh khả quan đã góp sức đưa giá cổ phiếu tăng mạnh.
Tương tự, cổ phiếu DCL của Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long từ giá 9.350 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2018 đã tăng đạt mức 28.000 đồng/cổ phiếu, tăng 199,46%.
Mức tăng giá “khủng” cũng diễn ra với một số cổ phiếu thị giá thấp khác. Có thể kể đến như TSC của Công ty cổ phần Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ từ giá 1.290 đồng/cổ phiếu đến hết năm 2019 lên 3.080 đồng/cổ phiếu, tăng 138,76%. Hay IJC của Công ty cổ phần Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật có giá từ 7.550 đồng/cổ phiếu chốt phiên cuối năm 2019 lên giá 16.000 đồng/cổ phiếu, tăng 111,92%…
Ngoại trừ những cổ phiếu dù tăng giá khủng trên UPCoM hầu như không có giao dịch thì nếu nhà đầu tư nào chọn đúng các cổ phiếu khác trên sàn TP.HCM hay Hà Nội đã “thắng” được VN-Index và mức lợi nhuận thu được đã cao hơn nhiều lần so với gửi tiền vào nhà băng.
Chiều ngược lại, cổ phiếu FTM của Đầu tư và Phát triển Đức Quân dẫn đầu về tỷ lệ giảm giá. Theo đó, cổ phiếu này đã mất 88,1% giá trị trong năm vừa qua, xuống còn 1.940 đồng/cổ phiếu. Đứng thứ hai trong nhóm giảm giá mạnh nhất sàn TP.HCM là mã YEG của Tập đoàn Yeah1. Giá cổ phiếu này giảm từ 235.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 37.000 đồng/cổ phiếu do bị YouTube ngừng hợp tác. Hay cùng kịch bản lao dốc hàng chục phiên giảm sàn như FTM, mã TTB của Tập đoàn Tiến Bộ cũng giảm 80,68% trong năm 2019…