Người biên soạn không được chọn sách giáo khoa

Quy định người tham gia biên soạn, thẩm định sách giáo khoa không tham gia hội đồng chọn sách nhằm tránh xung đột lợi ích, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu.

Ngày 6/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng về việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chi tiền hàng tháng cho 11 lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM để “hỗ trợ biên soạn một bộ sách giáo khoa”.

Dẫn Luật Xuất bản quy định việc liên kết với tổ chức, cá nhân trong hoạt động xuất bản thuộc trách nhiệm của giám đốc nhà xuất bản, Bộ khẳng định Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải chịu trách nhiệm về đối tác, hình thức liên kết và giao kết hợp đồng đối với từng xuất bản phẩm (sách giáo khoa).

Trách nhiệm của đối tác liên kết xuất bản với nhà xuất bản được quy định trong Luật Xuất bản và các quy định có liên quan. Nếu đối tác liên kết xuất bản là cán bộ, công chức nhà nước phải tuân thủ quy định của Luật Công chức, Luật Phòng chống tham nhũng… Điều này nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, phòng tránh sự xung đột về lợi ích có thể xảy ra.

“Trường hợp này, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM có trách nhiệm giải trình cụ thể về việc mà báo chí đã nêu”, thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu.

Đặc biệt, để bảo đảm công bằng, minh bạch, dự thảo thông tư hướng dẫn chọn sách giáo khoa đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến nêu rõ người đã tham gia biên soạn, thẩm định sách giáo khoa của các nhà xuất bản không được tham gia vào hội đồng lựa chọn sách. Trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, huyện, các cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục cũng được quy định rõ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cùng địa phương giám sát, kiểm tra việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa để đảm bảo thực hiện đúng pháp luật.

Bộ sách Chân trời sáng tạo trong ngày ra mắt tại TP HCM cuối tháng 10. Ảnh: Báo Sài Gòn Giải Phóng.

Bộ sách Chân trời sáng tạo trong ngày ra mắt tại TP HCM cuối tháng 10. Ảnh: Báo Sài Gòn Giải Phóng.

Từ bốn năm nay, mỗi tháng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trả cho lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM 2,5-6 triệu đồng một người vì “hỗ trợ biên soạn sách giáo khoa”. 11 người nhận thù lao gồm ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM (trưởng ban), ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc (phó trưởng ban) và các phó chánh văn phòng, trưởng phòng giáo dục các cấp đóng vai trò ủy viên. 

Đến năm 2018, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tiếp tục có quyết định thành lập Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa miền Nam (nay mang tên Chân trời sáng tạo) với mức thù lao như trên. Ngoài ra, 15 người thuộc nhóm tư vấn hỗ trợ nhận mức thù lao 2,5 triệu đồng một người. 

Trả lời hôm 6/12, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho biết Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chi thù lao hỗ trợ công tác chuyên môn, tổ chức đội ngũ tác giả, chuyên gia tư vấn… trong quá trình biên soạn bộ sách giáo khoa. Đây không phải là thù lao để làm công tác phát hành sách. Năm bộ sách giáo khoa được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đều bình đẳng trong quá trình lựa chọn ở các trường tiểu học của TP HCM.

Lãnh đạo UBND TP HCM đã yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo giải trình sự việc.

>>Nhà xuất bản Giáo dục chi tiền cho lãnh đạo Sở GD&ĐT TP HCM
>>Sở GD&ĐT TP HCM phải giải trình việc nhận tiền của nhà xuất bản

Nguồn