Người ‘biến’ gỗ thành tranh nghệ thuật | Văn hóa

Ông Tài kể gia đình không có truyền thống hội họa, bản thân ông cũng chưa từng được đào tạo qua trường lớp, thứ duy nhất mà ông có chính là niềm đam mê hội họa. Một lần đi tham quan Đà Lạt, gặp một họa sĩ già cặm cụi ngồi vẽ tranh nghệ thuật, niềm đam mê ấy trổi dậy trong ông.


Người 'biến' gỗ thành tranh nghệ thuật - ảnh 1

Ông Tài đang tỉ mỉ chế tác một bức tranh nghệ thuật bằng gỗ

Sau chuyến tham quan trở về, ông Tài bắt đầu mày mò cách chế tạo bút lửa, nghiên cứu bộ đồ nghề với dây đồng, nguồn điện dẫn… rồi bắt đầu vẽ. Thời gian đầu là những nét vẽ trên giấy, dần dần, với sự sáng tạo không ngừng, ông “bén duyên” với lửa rồi dùng lửa để vẽ tranh. “Ban đầu, do chưa quen nên khi thao tác bằng bút lửa thường xảy ra tai nạn, bị phỏng tay. Rồi làm lỗi không biết bao nhiêu phiến gỗ mới dần quen tay và tạo ra sản phẩm hoàn thiện”, ông Tài chia sẻ.

Thông thường, khi nói đến tranh, nhiều người thường nghĩ ngay tới màu sắc rực rỡ, bắt mắt hoặc những gam màu sáng. Thế nhưng, với tranh bút lửa, ông Tài cho biết chỉ phối hợp giữa các họa tiết với 3 tông màu chủ đạo là: đen, nâu và màu gỗ. Loại tranh nghệ thuật này đòi hỏi họa sĩ phải khéo tay, điêu luyện và thể hiện được cái hồn của bức tranh. Từng đường nét đốt trên gỗ phải khéo léo nhấn nhá nét đậm, nhạt và phải kết hợp cho hài hòa thì bức tranh mới có hồn.


Người 'biến' gỗ thành tranh nghệ thuật - ảnh 2

Theo ông Tài, làm tranh nghệ thuật này đòi hỏi họa sĩ phải khéo tay, điêu luyện

Theo ông Tài, nguyên liệu để làm tranh phải là loại gỗ cây lồng mứt rừng ở tỉnh Bình Thuận, có tuổi đời ít nhất 5 năm. Sở dĩ chọn loại gỗ này vì sớ gỗ rất mịn, khả năng chống mối mọt tốt, độ bền cao. Tác phẩm tạo ra không cần xử lý, bảo quản gì nhiều, nhưng lại vừa có độ bền, đẹp và có thể lưu giữ vài chục năm.


Người 'biến' gỗ thành tranh nghệ thuật - ảnh 3


Người 'biến' gỗ thành tranh nghệ thuật - ảnh 4

Chủ đề được ông Tài lựa chọn thường mang dấu ấn đặc biệt về đất và người An Giang

Công đoạn chế tác tranh cũng rất phúc tạp. Phiến gỗ được xẻ theo tỷ lệ phù hợp, sau đó phơi nắng 1 tuần rồi chà nhẵn bóng bề mặt, cuối cùng sử dụng bút lửa để vẽ. Trung bình, mỗi bức tranh mất 2 ngày để hoàn thành. Trong đó, khó nhất là tranh chân dung, ngoài kỹ thuật “truyền hồn” qua đôi mắt, từng chi tiết nhỏ phải được chăm chút từng nét.


Người 'biến' gỗ thành tranh nghệ thuật - ảnh 5

Khó nhất là tranh chân dung, ngoài kỹ thuật “truyền hồn” qua đôi mắt, từng chi tiết nhỏ được chăm chút từng nét

Từ những bức tranh đầu tiên vẽ cho thỏa niềm đam mê sáng tạo, sau gần 3 năm gắn bó với dòng tranh bút lửa, ông Tài đã sở hữu hơn 1.000 bức tranh nghệ thuật vô cùng sống động, đẹp mắt gồm tranh thư pháp, tranh chân dung, tranh phong cảnh…. Đặc biệt, những chủ đề được ông Tài lựa chọn thường mang dấu ấn đặc biệt về quê hương, mô tả vẻ đẹp của đất và người An Giang.




Nguồn