Lớp học trong nhà rông

[ad_1]

Kon TumTrước bối cảnh dịch bệnh phức tạp, ngành giáo dục huyện Đăk Glei đã chia nhỏ học sinh theo từng nhóm và mượn nhà rông làm nơi giảng dạy.

Sáng 7/9, 9 học sinh lớp 6 trường Tiểu học và THCS xã Đăk Nhoong có mặt trước căn nhà rông làng Đăk Ung, để chuẩn bị cho tiết học Lịch sử. Trước khi vào lớp, tất cả học sinh được giáo viên đo thanh nhiệt, hướng dẫn sát khuẩn và ngồi giãn cách trên chiếc ghế nhựa.

Các em ngồi quay lưng vào nhau, sách vở đặt trên mặt nứa gồ ghề để ghi chép. Hai em không có ghế, phải ngồi bệt giữa sàn hoặc quỳ gối trên sàn để chép bài. Tấm bảng đen nhỏ đóng vội trên vách, chỉ đủ ghi tiêu đề bài giảng.

Buổi học thứ 2 trong nhà rông của các em học sinh trường Tiểu học và THCS xã Đăk Nhoong, sáng 7/9. Ảnh: Ngọc Oanh

Buổi học thứ hai trong nhà rông của các em học sinh trường Tiểu học và THCS xã Đăk Nhoong, sáng 7/9. Ảnh: Ngọc Oanh

Trường Tiểu học và THCS Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei có 388 học sinh, 24 giáo viên, với hai điểm trường chính và hai điểm lẻ. Những học sinh trong các làng phải đến các điểm trường để học tập trung. Tuy nhiên, năm nay vì dịch bệnh không thể tập trung đông người, nhà trường buộc phải mượn nhà rông và mở lại các phòng học năm xưa đóng cửa vì thiếu học sinh.

Giáo viên được phân công đến 21 điểm để giảng dạy, buổi sáng từ 7h30 đến 11h, chiều từ 13h đến 16h30. Mỗi buổi học sinh học một môn, thời gian trong một giờ.

Sáng sớm, cô Nguyễn Thị Hạnh, giáo viên dạy Lịch sử dậy từ sớm, chuẩn bị cơm nước, chạy gần 25 km xe máy từ trung tâm huyện vào làng. Trước mặt cô, lớp học “dã chiến” là căn nhà rông cộng đồng, dùng làm nơi tụ họp, trao đổi, thảo luận của dân trong các buôn làng. Cô Hạnh cho biết, đây là lần đầu tiên các em phải ngồi học trong điều kiện hết sức khó khăn, bàn ghế không có, các em phải ngồi khom lưng để chép bài.

Cô Nguyễn Thị Hạnh trước giờ lên lớp. Ảnh: Ngọc Oanh

Cô Nguyễn Thị Hạnh trước giờ lên lớp. Ảnh: Ngọc Oanh

Khi tiết học kết thúc, nhóm học sinh khối 6 được ra về, nhường lại nhà rông cho học sinh lớp 7. Trong một buổi, cô Hạnh dạy môn Sử cho bốn lớp từ khối 6 đến khối 9. Đến trưa, cô ăn vội bát cơm mang theo, rồi quay về điểm trường chính tiếp tục giảng dạy cho học trò tại Đăk Nhoong.

Bình thường mỗi tuần cô Hạnh dạy 19 tiết, nhưng nay tăng lên 32 tiết. “Tuy mệt mỏi, ngày chạy khoảng 50 km, nhưng phải cố gắng bổ sung kiến thức cho các em bớt thiệt thòi hơn học sinh vùng miền khác”, nữ giáo viên cho hay.

Ông Lê Hải Lâm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Huyện Đăk Glei cho biết, vì điều kiện học sinh trên địa bàn còn nhiều khó khăn, ở những vùng sâu điều kiện đường truyền kém nên khó triển khai việc học trực tuyến. Để đảm bảo kiến thức cũng như an toàn cho các em, tuần đầu tiên ngành giáo dục cho triển khai việc dạy học trực tiếp nhưng phân chia từng nhóm nhỏ, mỗi lớp dưới 10 học sinh. Riêng bậc mầm non giáo viên đến hướng dẫn cho học sinh tại nhà.

Trước đó, đầu năm học 2021-2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum đã có hướng dẫn các cơ sở giáo dục căn cứ vào tình hình dịch bệnh, điều kiện của địa phương, triển khai, áp dụng các phương án tổ chức dạy học phù hợp.

Không đủ phòng, nhà trường mượn nhà rông làng Đăk Ung để dạy học. Ảnh: Ngọc Oanh

Không đủ phòng, nhà trường mượn nhà rông làng Đăk Ung để dạy học. Ảnh: Ngọc Oanh

Theo đó, việc dạy học trực tiếp áp dụng đối với các trường Phổ thông dân tộc nội trú, bán trú THCS (nếu đảm bảo các điều kiện tổ chức ăn, ở… cho học sinh trong suốt thời gian học tập tại trường).

Dạy học trực tuyến áp dụng đối với các học sinh đã đảm bảo các điều kiện, không bắt ép học sinh phải mua thiết bị để học tập; khuyến khích các em cùng lớp học trực tuyến ở gần nhà nhau học theo nhóm nhỏ (2, 3 học sinh), chỉ cần sử dụng một phương tiện học trực tuyến. Đối với học sinh không thể học trực tuyến và trực tiếp, các trường áp dụng dạy theo hình thức học tập có hướng dẫn.

Năm học 2021-2022, Kon Tum có trên 164.300 học sinh từ mầm non đến THPT, trong đó, học sinh dân tộc thiểu số hơn 92.000 em.

Trần Hoá

[ad_2]