Làm gì khi cơ trưởng bị hút khỏi cửa sổ máy bay?

AnhSự cố với cơ trưởng Timmothy Lancaster tại chuyến bay mang số hiệu 5390 của British Airways được coi là “phép màu trên bầu trời nước Anh”.

Đó là một ngày bình thường như bao ngày khác tại sân bay Birmingham vào năm 1990. Phi hành đoàn của hãng British Airways dậy sớm để chuẩn bị sẵn sàng cho hành trình đến Malaga, Tây Ban Nha.

Vào 8h20 (giờ địa phương), cơ phó 39 tuổi Alistair Atcheson điều hành cất cánh rồi giao lại cho cơ trưởng 42 tuổi Tim Lancaster khi máy bay tiếp tục hành trình. Cả hai phi công lúc đó đều thả dây nịt vai, Lancaster nới lỏng dây đai đùi của mình. 13 phút sau, máy bay đã ở độ cao 5.300 m, bay qua bầu trời thị trấn Didcot, hạt Oxfordshire. Phi hành đoàn đang chuẩn bị bữa ăn cho hành khách.

Dựng lại cảnh Lancaster bị hút khỏi máy bay và tiếp viên Odgen cố gắng giữ chặt cơ trưởng. Ảnh: NatGeo.

Dựng lại cảnh Lancaster bị hút khỏi máy bay và tiếp viên Odgen cố gắng giữ chặt cơ trưởng. Ảnh: NatGeo.

Tiếp viên Nigel Ogden bước vào buồng lái mời hai phi công uống trà. Khi anh đang bước ra ngoài, máy bay bất ngờ rung chuyển vì một vụ nổ. Ogden quay lại và thấy kính chắn gió phía trước của buồng lái biến mất, cơ trưởng bị hút ra ngoài. “Tất cả những gì tôi có thể thấy lúc đó là đôi chân của anh ấy. Tôi nhảy qua cột điều khiển, giữ chặt eo Tim. Áo sơ mi của anh ấy bung ra, để lộ phần lưng và cơ thể của anh ấy uốn cong lên trên, vắt vào đầu máy bay. Hai chân của anh ấy mắc kẹt về phía trước, làm mất kết nối với hệ thống lái tự động”, Ogden kể lại với phóng viên Julia Llewellyn Smith của tờ Sydney Morning Herald sau sự cố nhiều năm.

Tình hình lúc đó rất căng thẳng: Mọi thứ đang bị hút ra khỏi máy bay. Một bình oxy vừa rơi xuống cũng bị bay ra ngoài và suýt đụng trúng đầu tiếp viên Ogden. Điều may mắn là cơ phó Atcheson vẫn đeo dây an toàn. Nếu không, anh cũng bị hút ra ngoài giống cơ trưởng. Lancaster vẫn bị kẹt bên ngoài cửa sổ, đối mặt với sức gió mạnh 555 km/h và nhiệt độ ngoài trời âm 17 độ C.

Máy bay không được trang bị bình dưỡng khí cho hành khách trên khoang. Vì vậy, cơ phó bắt đầu hạ cánh khẩn cấp để nhanh chóng đạt được độ cao mà hành khách có thể tự thở. Atcheson cố gắng khởi động lại chế độ lái tự động, kiểm soát tình huống và thực hiện cuộc gọi khẩn cấp. Máy bay bắt đầu giảm độ cao nhanh chóng. Gió tràn vào buồng lái với vận tốc 630 km/h và nhiệt độ âm 17 độ C, khiến giấy tờ bay khắp nơi và Atcheson không thể nghe thấy hướng dẫn từ kiểm soát không lưu. “Chúng tôi khi đó đang lao xuống theo hình xoắn ốc với tốc độ 24 m/s mà không có chế độ lái tự động hay radio hướng dẫn”, Odgen nhớ lại.

Odgen cũng bắt đầu kiệt sức. Thời tiết lạnh đến mức anh cảm tưởng tay mình như bị đông cứng. Lúc đó tiếp viên trưởng John Heward và phi hành đoàn Simon Rogers chạy lại giúp sức Odgen.

“Tôi vẫn ôm chặt anh ấy nhưng tay tôi yếu dần. Tôi nghĩ rằng mình sẽ mất anh ấy. Nhưng cuối cùng, anh ấy vẫn bám chặt quanh cửa sổ. Mặt anh ấy chảy máu và điều kinh hoàng nhất là đôi mắt anh ấy mở to. Tôi sẽ không bao giờ quên cảnh tượng đó chừng nào tôi còn sống”. Một người lúc đó đã nói: “Chúng ta phải để anh ấy đi thôi”, nhưng Odgen từ chối. “Tôi không bao giờ làm điều đó. Tôi biết mình sẽ không thể đối mặt với vợ anh ấy, đưa cho họ một bao diêm và nói: đây là tất cả những gì còn sót lại của chồng chị”. Odgen cũng sợ rằng việc buông cơ trưởng có thể khiến cơ trưởng va vào động cơ và làm hỏng nó.

Cơ trưởng Lancaster (đứng) chụp cùng cơ phó Atchison (giữa). Ảnh: Home.

Cơ trưởng Lancaster (đứng) chụp cùng cơ phó Atcheson (giữa). Ảnh: Home

Sau đó, Odgen để Simon giữ Lancaster rồi lảo đảo quay lại cabin chính. Trong một giây, anh cảm thấy mình kiệt sức. Anh ngồi ôm đầu trên ghế cho đến khi Sue, một tiếp viên trong tổ bay tiến lại gần. Odgen ôm Sue, rồi nói thầm: “Tôi nghĩ cơ trưởng đã chết. Nhưng chúng ta vẫn phải làm việc”.

Cuối cùng, Atcheson có thể nghe thấy hướng dẫn từ kiểm soát không lưu và hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Southampton. Các tiếp viên đã cố gắng gỡ chân của Lancaster khỏi bộ điều khiển chuyến bay trong khi vẫn giữ chặt anh. Lúc 8h55 (giờ địa phương), sau 22 phút kinh hoàng, máy bay tiếp đất an toàn. 81 hành khách trên khoang không ai bị thương. Mọi người lần lượt bước xuống.

Như một phép màu, Lancaster sống sót trong tình trạng tê cóng, bầm tím, sốc, gãy tay phải, ngón cái bên trái và cổ tay phải. Odgen bị trật khớp vai, tê cóng mặt, một bên mắt bị hỏng. Ngoài ra, không ai có thương tích trầm trọng nào khác. Cơ trưởng quay lại làm việc chỉ chưa đầy 5 tháng sau. Anh nghỉ việc ở British Airways năm 2003 và làm việc cho EasyJet cho đến khi nghỉ hưu năm 2008.

Cơ phó Atcheson nghỉ việc ngay sau sự cố và đầu quân cho Jet2 cho đến khi thực hiện chuyến bay cuối cùng trên chiếc Boeing 737 từ Alicante, Tây Ban Nha đến Manchester, Anh vào 28/6/2015, cũng là sinh nhật tuổi lần thứ 65 của mình.

Tiếp viên Odgen nghỉ việc sau sự cố, và phục vụ cho Cứu thế quân, tổ chức phi chính phủ chuyên giúp đỡ người nghèo. Anh cùng cơ phó Atcheson được nhận bằng khen của Nữ hoàng sau đó. Năm 1992, Atcheson được trao giải thưởng Polaris cho hành động trên chuyến bay năm 1990 của mình.

Phép màu trên sông Hudson – sự cố hàng không để đời của cơ trưởng Mỹ

Anh Minh (Theo Birmingham)

Nguồn