Khảo sát năng lực quản lý điểm đến ở Việt Nam

Muốn tăng tỷ lệ du khách quay trở lại, tăng chi tiêu của khách…, ngành du lịch phải cải thiện các điểm đến để khách hài lòng hơn.

Trong những năm gần đây, du lịch Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ. Năm 2019, Việt Nam đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa ước đạt 85 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 755 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP quốc gia đạt 9,2%. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia …, tỷ lệ du khách quay lại các điểm đến, chi tiêu bình quân một ngày của du khách tại Việt Nam chưa cao.

Những ấn tượng tốt đẹp của khách quốc tế về Việt Nam là phong cảnh đẹp và hấp dẫn, người dân thân thiện, chất lượng phục vụ tốt, giá hàng hóa rẻ… Nhưng khách quốc tế vẫn còn ấn tượng chưa đẹp về du lịch Việt Nam như sự an toàn khi tham gia giao thông chưa cao, bị gian lận khi mua hàng hóa và dịch vụ, bị người bán hàng rong chèo kéo ép mua hàng, ô nhiễm môi trường…

Cải thiện công tác quản lý điểm đến du lịch sẽ giúp ngành du lịch tăng trưởng mạnh mẽ trở lại sau Covid-19, góp phần sớm đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã đặt ra cho ngành du lịch. Ảnh: Pelikh Alexey/Shutterstock.

Cải thiện công tác quản lý điểm đến du lịch sẽ giúp ngành du lịch tăng trưởng mạnh mẽ trở lại sau Covid-19, góp phần sớm đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ảnh: Pelikh Alexey/Shutterstock.

Muốn tăng tỷ lệ du khách quay lại các điểm đến, kích thích chi tiêu của khách du lịch, ngành du lịch cần phải cải thiện các điểm đến. Trong đó, công tác quản lý điểm đến đóng vai trò vô cùng quan trọng, nhằm phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm về kinh tế – văn hóa – xã hội và bảo vệ môi trường.

Để hiểu chính xác hơn những điều hài lòng và chưa hài lòng của du khách, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) phối hợp cùng Báo điện tử VnExpress thực hiện khảo sát về công tác quản lý tại các điểm đến du lịch của Việt Nam. Qua khảo sát này TAB mong muốn nhận phản hồi, những góp ý, đề xuất để cải thiện chất lượng của điểm du lịch.

TAB sẽ dựa trên kết quả phân tích khảo sát để tư vấn cho Chính phủ, Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch, các địa phương nhằm tổ chức lại công tác quản lý điểm đến… Từ đó, mỗi điểm đến của Việt Nam có thể đem lại sự hài lòng tối đa cho khách du lịch, để họ quay lại nhiều hơn, du lịch dài ngày hơn, chi tiêu cao hơn, qua đó du lịch của các địa phương sẽ phát triển bền vững hơn.

Mời quý độc giả tham gia khảo sát tại đây. Lưu ý, thời hạn khảo sát đến hết ngày 02/8/2020.

Hội đồng Tư vấn Du lịch

Nguồn