Địa phương ‘đau đầu’ với bài toán thừa – thiếu giáo viên

[ad_1]

Tỉnh Nghệ An thiếu khoảng 8.000 giáo viên, Kon Tum thiếu gần 1.700 dù đã giảm số lượng trường, lớp.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 ngày 28/8, các địa phương chia sẻ nỗi lo liên quan đến bài toán thừa – thiếu giáo viên. Tỉnh Nghệ An có hơn 1.500 cơ sở đào tạo với hơn 870.000 học sinh các cấp, giáo viên là hơn 45.000. Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết với quy mô như vậy, Nghệ An thiếu khoảng 8.000 giáo viên, chủ yếu là mầm non và tiểu học.

“Vấn đề này không phải chỉ của Nghệ An mà của nhiều địa phương khác. Vì vậy, tỉnh kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ xem xét, bố trí đảm bảo biên chế để thực hiện hoạt động dạy học”, ông Trung nói.

Bà Y Ngọc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cho biết sau khi sắp xếp, sáp nhập, toàn tỉnh đã giảm được 57 trong tổng số 408 trường; 143 trên 918 điểm trường lẻ đã được xóa bỏ, qua đó giảm được bộ máy, biên chế giáo viên. Tuy nhiên do chia cắt địa hình, nhiều nơi cách xa trung tâm xã, cá biệt có thôn cách 95 km, tỉnh vẫn phải giữ lại nhiều điểm trường mầm non và tiểu học.

Cùng với đó là việc chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới khiến tỉnh vẫn thiếu gần 1.700 giáo viên cho năm học mới. Trong đó, cấp mầm non thiếu gần 700, tiểu học hơn 560, THCS hơn 360 và THPT gần 80. Một số môn học thiếu nhiều giáo viên là Tin học, Tiếng Anh.

Một số tỉnh, thành khác như Quảng Bình, Gia Lai cũng thiếu 1.000-3.000 giáo viên. Tính trên cả nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo thống kê thiếu hơn 94.700 giáo viên các cấp.

Giáo viên coi thi tốt nghiệp THPT hôm 7/7 tại Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Giáo viên coi thi tốt nghiệp THPT hôm 7/7 tại Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Nhiều lần ngắt lời khi địa phương nêu số giáo viên đang thiếu, Thủ tướng Phạm Minh Chính thắc mắc: “Cơ cấu, đánh giá về số lượng giáo viên liệu có chuẩn không”? Ông đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập các đoàn kiểm tra, đánh giá lại việc này càng sớm càng tốt để cùng địa phương có phương án giải quyết.

Lấy ví dụ khi đến thăm một xã đảo, Thủ tướng thấy có 2-3 điểm trường cách trường chính chỉ 4 km, trong đó có điểm chỉ có 7 học sinh nhưng tới 9 giáo viên. Thủ tướng đặt câu hỏi có thể thay thế phương án chi trả 1,2 tỷ đồng tiền lương mỗi năm cho giáo viên bằng cách chỉ dùng 200 triệu để thuê xe đưa đón các cháu đến điểm trường chính và lo cho các cháu bữa ăn trưa không? Rõ ràng, việc học sinh được học ở điểm trường chính vừa tiết kiệm, vừa giúp nâng cao chất lượng giáo dục, giúp các em được tiếp cận giáo dục bình đẳng hơn.

Từ ví dụ trên, Thủ tướng cho rằng cần nghiên cứu cơ cấu lại mạng lưới trường lớp, giáo viên. Nếu có thể, các địa phương phải sáp nhập, xóa bỏ điểm lẻ, củng cố hệ thống trường dân tộc nội trú ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để giảm lãng phí về cơ sở vật chất, đội ngũ, giúp học sinh không bị thiệt thòi.

“Cứ thống kê số giáo viên thiếu mà chưa rà soát thực tế rồi đề xuất thì rất khó”, Thủ tướng nói, nhấn mạnh phải đánh giá thực chất thì Chính phủ mới có thể đáp ứng.

Thủ tướng cũng gợi ý các địa phương trong điều kiện có thể cân nhắc giải pháp chuyển đổi vị trí việc làm của giáo viên trong tình huống thừa ở cấp học này, thiếu ở cấp học khác. Trước khi điều chuyển, thầy cô cần được bồi dưỡng nghiệp vụ 3-6 tháng. Việc bố trí giáo viên trên tinh thần “có học sinh thì phải có giáo viên” nhưng bố trí phải hợp lý, khoa học chứ không phải một học sinh mà mấy thầy cô.

Thủ tướng Phạm Minh Chính (giữa) chủ trì hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 sáng 28/8. Ảnh: MOET

Thủ tướng Phạm Minh Chính (giữa) chủ trì hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 sáng 28/8. Ảnh: MOET

Đồng tình với chỉ đạo của Thủ tướng, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho hay hàng năm, quy mô học sinh của tỉnh tăng 8.000-10.000. Do không thể tăng biên chế, tỉnh phải thực hiện nhiều biện pháp. Chẳng hạn từ năm 2014 đến nay, Quảng Ninh đã giảm 28 trường học, 262 điểm trường, 649 lớp học và giảm hơn 1.700 giáo viên. Học sinh vùng cách điểm trường chính 5-6 km được đưa về trung tâm xã học bán trú theo tuần để giảm điểm trường.

Hiện, tỉnh Quảng Ninh vẫn thiếu khoảng 3.400 giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới trong năm học 2021-2022, nhưng cũng thừa cục bộ gần 1.400. “Chúng tôi đã và đang rà soát, điều động giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, điều chuyển ở cấp THPT thừa về dạy THCS, đồng thời cử giáo viên đi học bồi dưỡng theo chương trình mới như Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục địa phương”, bà Hạnh nói.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh cũng đã tham mưu UBND tỉnh đặt hàng các trường đại học, cao đẳng và bố trí tuyển dụng giáo viên.

Dương Tâm