Đại biểu Quốc hội: ‘Du lịch là cần câu để phát triển miền núi’

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng đề xuất, cần coi du lịch là ngành phù hợp nhất để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Chiều 12/6, ông Nguyễn Quốc Hưng – nguyên phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nêu đề xuất trên khi thảo luận tại hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030

Ông phân tích, các vùng miền núi thường hạn chế về nhân lực, vật lực để phát triển công nghiệp, nông nghiệp. Tuy nhiên, những nơi này lại có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch, nhất là loại hình văn hoá, sinh thái, nghỉ dưỡng, hang động. 

“Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp mang nội dung văn hóa, nhân văn sâu sắc, đóng góp chính vào nguồn lực kinh tế, tạo điều kiện cho ngành khác phát triển. Du lịch đem lại hiệu quả không chỉ cho kinh tế mà còn văn hóa, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng. Hơn nữa, ngành du lịch không cần nhiều vốn, khả năng xã hội hóa cao, dùng nhiều lao động phổ thông”, ông Hưng nói. 

Ông Nguyễn Quốc Hưng, nguyên Phó tổng cục trưởng Du lịch. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội 

Ông Nguyễn Quốc Hưng, nguyên Phó tổng cục trưởng Du lịch. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

Ông dẫn chứng, thời gian qua nhiều địa phương miền núi đã phát triển nhanh chóng nhờ đẩy mạnh phát triển du lịch như Bản Lác (Hòa Bình), Cát Cát (Lào Cai), Buôn Đôn (Đăk Lăk).

“Hẳn chúng ta ai cũng nhớ Mũi Né (Bình Thuận) chỉ là làng chài nghèo ven biển, nhờ du lịch đã bừng sáng trở thành đô thị sầm uất. Mấy năm trước, khi chúng tôi lên Mai Châu, gặp người dân đều nói làm du lịch vài ngày thì bằng làm nông nghiệp cả tháng”, ông Hưng nêu vấn đề. 

Vì vậy, đại biểu này đề xuất Quốc hội cần có chính sách đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đột phá ở các vùng miền núi. “Đồng bào các dân tộc miền núi cần con cá và cũng rất cần cái cần câu, du lịch chính là cần câu phù hợp nhất. Để du lịch phát triển bền vững, các địa phương cần phát huy giá trị các di tích, giao lưu văn hóa, dịch vụ. Tôi đề nghị đưa du lịch thành nội dung chính xuyên suốt của chương trình và có đề án phát triển du lịch riêng cho các vùng miền núi”, ông Hưng bày tỏ. 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Ủy ban Các vấn đề xã hội) cũng cho rằng, phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở những nơi trọng yếu của đất nước, vùng xa xôi, hẻo lánh, biên giới, hải đảo. Nếu không đảm bảo đời sống no ấm, bền vững cho người dân thì “không những chúng ta sẽ mất đi “phên dậu sống” đầu tiên mà còn mất đi những giá trị văn hóa không thể đong đếm”. 

“Việc xây nhà, trường học cho bà con rất quan trọng. Nhưng quan trọng nhất là ngôi nhà đó như thế nào, có phù hợp cho bà con sinh sống trong bối cảnh biến đổi khí hậu hay không? Trường học có đảm bảo dạy được chữ và tiếng nói dân tộc thiểu số, dạy nghề truyền thống của dân tộc đó trước khi thạo tiếng Kinh, thạo nghề phổ thông hay không? Những điều này chưa được nêu rõ trong dự thảo chương trình”, ông Phương nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Ngọc Thắng

Ông Nguyễn Ngọc Phương – Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Ngọc Thắng.

Ông cũng bày tỏ lo lắng khi mục tiêu của chương trình là xây những ngôi nhà đạt chuẩn “3 cứng” như nhà cấp 4 mái tôn, mái bằng, vách bêtông thay thế dần nhà rông, nhà sàn, nhà đất trên vùng núi. “Nếu vậy thì không biết những ngôi nhà truyền thống của các dân tộc thiểu số có tồn tại nữa hay không?”, ông băn khoăn. 

Đồng thời, đại biểu tỉnh Quảng Bình lo ngại, bởi chương trình chưa đề cập việc bắt buộc dạy trẻ dân tộc thiểu số tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình. “Liệu đã đúng hay chưa khi dạy trẻ dân tộc thiểu số học tiếng Kinh qua những câu chuyện cổ của người Kinh, do cô giáo người Kinh dạy?”, ông nói và cảnh báo, 40% ngôn ngữ trên thế giới đang có nguy cơ biến mất dưới tác động của toàn cầu hóa. 

“Nếu mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội miền núi không dựa trên nền tảng và quan điểm văn hóa thì quá trình này sẽ chỉ bảo tồn được nguồn gen người dân tộc thiểu số, nhưng không bảo tồn được nguồn cội văn hóa của cha ông họ. Người dân tộc thiểu số đang thưa vắng dần những bộ quần áo truyền thống với hoa văn, họa tiết thể hiện bản sắc từ ngàn đời”, ông Phương cảnh báo.

Nhắc lại câu chuyện về chàng trai người Mông, Khang A Tủa, từ cậu bé dân tộc nghèo đã đạt được học bổng đại học Fulbright và quay trở lại giúp trẻ em miền núi, ông Phương khẳng định, khi đồng bào dân tộc thiểu số vượt qua trở ngại về văn hóa, họ sẽ trở thành động lực chứ không phải là lực cản của kinh tế, xã hội. 

“Tôi tâm đắc câu nói của chàng trai ấy, rằng vùng cao chưa cần xây thêm trường nữa. Vì trường học ở vùng cao có lẽ đã tương đối đủ rồi. Chúng ta cần “xây” người dạy, và “xây” cách dạy nhiều hơn”, ông nhấn mạnh. 

Ngày 19/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Hoàng Thùy – Viết Tuân