Đoàn hơn 10 người, gồm những nhà đầu tư và tổng giám đốc của một loạt doanh nghiệp lớn từ 3 quốc gia Đức, Thụy Sĩ và Israel. Ba mảng đầu tư chính mà đoàn nhắm đến là công nghệ số, sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) ngành y tế và hạ tầng du lịch. “Các nhà đầu tư nước ngoài thật sự bị thu hút bởi môi trường khởi nghiệp năng động trong lĩnh vực kỹ thuật số tại Việt Nam. Trong khi đó, thành công tuyệt vời của Chính phủ Việt Nam trong việc kiểm soát dịch Covid-19 cũng như năng lực sản xuất thiết bị y tế cá nhân có chất lượng, cung ứng cho thị trường thế giới và trao tặng cho nhiều quốc gia trong bối cảnh khủng hoảng, đã đưa Việt Nam vào danh sách địa điểm sản xuất PPE lý tưởng. Ngoài ra, tiềm năng du lịch của Việt Nam là rất lớn”, ông Rösler lý giải với Thanh Niên về sự lựa chọn của các nhà đầu tư.
Tiến sĩ y khoa Philipp Rösler rời chính trường Đức cuối năm 2013 và chuyển sang sống tại Thụy Sĩ, làm việc cho Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) trong 4 năm. Hồi tháng 7.2020, ông lập Công ty tư vấn Concessor AG với mục tiêu kết nối kinh doanh giữa vùng nói tiếng Đức với khu vực Đông Nam Á, chủ yếu là Việt Nam.
Chia sẻ trước khi rời Zurich (Thụy Sĩ) đi Việt Nam, ông Rösler cho biết đã có hai nhà đầu tư quyết định “xuống tiền”, gồm 100 triệu USD lập quỹ đầu tư mạo hiểm dành riêng cho các start-up ngành công nghệ số của Việt Nam và 210 triệu USD xây khách sạn. Một số dự định đầu tư khác sẽ được quyết định tại các cuộc làm việc trong những ngày tới.
Theo dự kiến, đoàn của ông Rösler sẽ gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, làm việc với các bộ Y tế, Kế hoạch – Đầu tư, Công thương, Thông tin – Truyền thông, Tài nguyên – Môi trường, và tham dự một số hoạt động khác như Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (TechFest 2020) với sự trình làng của 260 start-up ngành kỹ thuật số. Sau Hà Nội, đoàn sẽ vào TP.HCM, mừng kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Đức tại Ngôi nhà Đức (Deutsches Haus), trước khi rời Việt Nam ngày 29.11.