Cổ phiếu nào của doanh nghiệp thủy sản nên quan tâm?
Lê Hoài Ân, CFA Merlin Capital
(TBKTSG) – Đầu năm 2019, một số chuyên gia kinh tế đều cho rằng ngành thủy sản của Việt Nam sẽ hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Tuy nhiên, những gì thực tế diễn ra trong năm 2019 đã khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ khi xuất khẩu thủy sản sụt giảm; kèm theo đó, các cổ phiếu thủy sản cũng trong xu hướng giảm giá. Điều đó cho thấy câu chuyện thương mại toàn cầu không hề đơn giản như những gì chúng ta nghĩ và cơ hội của nhóm ngành này sẽ như thế nào trong năm tới là câu hỏi rất nhiều nhà đầu tư đang quan tâm.
Việt Nam ngược chiều với Ấn Độ và Thái Lan
Một năm 2019 khép lại với tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản chỉ đạt 8,6 tỉ đô la Mỹ, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn rất nhiều so với mức mục tiêu 10 tỉ đô la. Sự sụt giảm này chủ yếu từ xu hướng giá các mặt hàng thủy sản giảm mạnh so với năm ngoái, kèm theo đó là tình trạng dư cung xảy ra khi nguồn cung từ các quốc gia cạnh tranh như Ấn Độ và Thái Lan tăng mạnh mẽ. Việc nguồn cung tăng mạnh đã khiến cho giá các loại thủy sản như cá tra và tôm đang ở vùng giá thấp nhất trong hai năm qua.
Các cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu ngành tôm (MPC, FMC, CMX), cá tra (VHC, ANV, IDI, ACL) và nhóm đa sản phẩm (HVG, ACL, SJ1). Giá cổ phiếu thủy sản đã giảm 4,3% so với mức tăng 8,3% của VN-Index trong năm 2019.
Thủy sản vốn là ngành hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu, tuy nhiên số liệu từ các doanh nghiệp thủy sản niêm yết cho thấy sự suy giảm trong hoạt động đầu tư mới trong năm 2019 (biểu đồ 1). Điều đó thể hiện xu hướng kém lạc quan của các doanh nghiệp trong ngành này.
Kết quả tăng trưởng giá cổ phiếu (biểu đồ 2) thể hiện xu hướng các doanh nghiệp thủy sản ở Thái Lan và Ấn Độ hoàn toàn trái ngược với các doanh nghiệp Việt Nam. Giá cổ phiếu các doanh nghiệp thủy sản Thái Lan và Ấn Độ đã đặc biệt tăng trưởng mạnh trong năm 2019.
Diễn biến chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc giúp cho các quốc gia khác có cơ hội thay thế Trung Quốc ở một số thị trường xuất khẩu, tuy nhiên không hẳn Việt Nam tận dụng được cơ hội này hoàn toàn. |
Quí 4 sẽ là thời gian các công ty phải nỗ lực để đạt mục tiêu đã đề ra, tuy nhiên theo đánh giá của người viết thì phần lớn các công ty khó có thể đạt được kế hoạch doanh thu. Báo cáo quí 4-2019 sẽ được các doanh nghiệp thủy sản công bố về thời gian sắp tới, tuy nhiên nhiều khả năng sẽ khó có đột biến về kết quả kinh doanh trong bối cảnh xu hướng chung toàn ngành đều không đạt chỉ tiêu đặt ra.
Đa dạng hóa thị trường đang là chìa khóa gia tăng sản lượng
Các công ty đang phải gia tăng sản lượng để bù đắp giảm giá đầu ra nên sẽ dễ dàng hơn nếu tăng ở các thị trường có ít tiêu chuẩn hoặc tiêu chuẩn thấp hơn so với các thị trường như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.
Phân tích các công ty trong ngành thì thấy rằng, có hai chiến lược rất rõ, một nhóm tập trung vào thị trường cao cấp (Khối A – gồm Mỹ, Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản) như Minh Phú, Vĩnh Hoàn, Sao Ta và CAMIMEX và nhóm còn lại tập trung vào thị trường ít hoặc tiêu chuẩn thấp hơn (Trung Quốc, Đông Nam Á,…) và đa dạng hóa thị trường (phân bổ nhiều nhóm thị trường) như thủy sản IDI, Nam Việt, Hùng Vương, Cửu Long An Giang.
Mỗi thị trường có một đặc điểm khá đặc thù về yêu cầu kỹ thuật cũng như tính cạnh tranh, dưới đây có những tóm tắt sơ bộ về các thị trường xuất khẩu này:
Thị trường Mỹ: không có dấu hiệu tăng trưởng lớn khi cá rô phi của Trung Quốc vẫn giữ được thị phần mặc dù bị áp thuế và gia tăng cạnh tranh từ nhiều quốc gia (về tôm có Ấn Độ, Indonesia, về cá tra có Iceland, Đài Loan). Đồng thời, các quy định về tiêu chuẩn an toàn đều gia tăng. Bên cạnh đó, rủi ro về áp thuế mỗi năm theo kỳ xem xét hành chính (POR) có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, liên quan đến cáo buộc cạnh tranh không lành mạnh ảnh hưởng tới toàn bộ công ty thuộc một quốc gia. Như với cá tra trong POR14, mức thuế suất toàn quốc là 2,39 đô la/ki lô gam (Vĩnh Hoàn vẫn đang có lợi thế rất lớn khi vẫn chịu mức thuế bằng 0 trong khi một số công ty khác có mức thuế ngày càng gia tăng, đặc biệt Hùng Vương chịu mức thuế lên đến 3,87 đô la/ki lô gam).
Thị trường châu Âu: là thị trường có nhiều tiêu chuẩn và mức thuế khá cao so với mặt bằng chung và là thị trường tiềm năng mà nhiều công ty tại Việt Nam nhắm tới (Việt Nam đang chiếm 24% thị phần thị trường tôm). Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang bị thẻ vàng thủy sản của châu Âu khi vẫn còn khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) .
Thị trường Trung Quốc: Việt Nam nằm trong tốp 5 quốc gia xuất khẩu tôm, cá tra vào thị trường 1,4 tỉ dân này và nhu cầu các sản phẩm thủy sản nhập từ Việt Nam đang gia tăng mạnh, như tôm có mức tăng trưởng 197%, cá tra là 55% trong vòng 10 tháng đầu năm 2019 và dự báo sẽ còn tăng trưởng tốt trong năm tới.
Tóm lại, diễn biến chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc giúp cho các quốc gia khác có cơ hội thay thế Trung Quốc ở một số thị trường xuất khẩu, tuy nhiên không hẳn Việt Nam tận dụng được cơ hội này hoàn toàn. Các quốc gia khác cũng sẽ tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh nền nông nghiệp của họ, do đó đây là giai đoạn đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải có những quyết định chiến lược quan trọng để có thể tạo những lợi thế cạnh tranh đặc biệt.
Trong bối cảnh đó, có nhiều nhóm công ty trong ngành thủy sản mà nhà đầu tư có thể quan tâm như: 1) các công ty tiếp tục nắm thị phần lớn trong xuất khẩu, 2) những công ty tiếp tục đầu tư hướng tới giảm thiểu chi phí đầu vào bằng cách tự chủ nguồn nguyên liệu và cuối cùng là 3) các công ty đa dạng thị trường và đẩy mạnh đầu tư.