Chỉ 7 doanh nghiệp được hỗ trợ giãm lãi suất cho vay

TP HCMChỉ 14% doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú được tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất cho vay để khách phục thiệt hại do Covid-19 gây ra.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM cho biết, sau các buổi làm việc giữa đơn vị này với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, chỉ có 7/50 doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú được hỗ trợ giảm lãi suất cho vay để khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo cơ quan này, lần bùng phát dịch thứ hai khiến các doanh nghiệp du lịch thêm lao đao. Doanh nghiệp du lịch rất cần vốn để khắc phục khó khăn và duy trì hoạt động trở lại sau dịch. Tuy nhiên, phần lớn vẫn chưa tiếp cận được các gói vay ưu đãi lãi suất đúng mức.

Tới thời điểm hiện nay, khoảng 90 - 95% công ty du lịch tại TP HCM phải dừng hoạt động. Hàng ngàn nhân sự trong ngành du lịch nghỉ không lương. Nhiều công ty du lịch phải chuyển đổi sang lĩnh vực kinh doanh mới. Trong ảnh: Nhân viên công ty Du lịch Việt đang tư vấn khẩu trang cho khách. Ảnh: Nguyễn Nam

Tới thời điểm hiện nay, khoảng 90 – 95% công ty du lịch tại TP HCM phải dừng hoạt động. Hàng nghìn nhân sự trong ngành du lịch nghỉ không lương. Nhiều công ty phải chuyển đổi sang lĩnh vực kinh doanh mới. Trong ảnh, nhân viên Công ty Du lịch Việt đang tư vấn khẩu trang cho khách. Ảnh: Nguyễn Nam

“Các công ty lữ hành đang rất cần nguồn tiền để giải quyết khó khăn nhưng lại không thể tiếp cận được các gói vay ưu đãi. Ngay cả chấp nhận vay với lãi suất cao nhưng vẫn không được phép vay vì du lịch vẫn là ngành nằm trong nhóm rủi ro cao và doanh nghiệp lữ hành thường không có tài sản thế chấp”, bà Hoa nói.

Nhiều doanh nghiệp du lịch cũng cho biết, họ khó tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ của Chính phủ vì ngân hàng cho rằng, doanh nghiệp du lịch không có khả năng trả nợ do khách đi du lịch chưa nhiều nhưng vẫn phải trả các chi phí cho việc duy trì hoạt động như tiền thuê mặt bằng, lương nhân viên, điện, nước…

Cuối tháng 7, sau khi dịch bệnh bùng phát trở lại tại Đà Nẵng làm du khách hủy tour hàng loạt, khoảng 90 – 95% các doanh nghiệp lữ hành phải tạm ngưng hoạt động. Theo báo cáo tài chính của Vietravel, lũy kế nửa đầu năm, đơn vị này ghi nhận doanh thu 996 tỷ đồng, giảm hơn 72% so với cùng kỳ. Tính đến hết quý II/2020, công ty ghi nhận mức lỗ ròng hơn 76 tỷ đồng.

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Vietravel, cho biết để tồn tại qua giai đoạn khó khăn chưa từng có này, doanh nghiệp du lịch đang “khát vốn”. Du lịch rất cần được tiếp sức, đặc biệt là về tài chính để duy trì và tái khởi động khi dịch bệnh được kiểm soát. Việc giảm lãi, giãn nợ vừa qua của các ngân hàng chưa đủ sức giúp doanh nghiệp vực dậy khó khăn.

Hiệp hội du lịch của các địa phương cũng cho biết, lần bùng phát dịch này khiến ngành du lịch bị kiệt quệ. Vì thế, Hiệp hội cũng mong Tổng cục Du lịch kiến nghị với ngân hàng cho doanh nghiệp vay lãi suất 0% để dùng tiền trả lương nhân viên. Các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động nên kéo dài đến hết năm nay mới có thể giúp du lịch tồn tại.

Nguyễn Nam

Nguồn