Alibaba đối mặt làn sóng tẩy chay

[ad_1]

Alibaba đang gặp phải làn sóng tẩy chay lớn từ cộng đồng mạng Trung Quốc sau bê bối liên quan đến nữ nhân viên bị xâm phạm tình dục.

“Nữ nhân viên Alibaba bị xâm hại” đang là từ khoá được tìm kiếm nhiều nhất trên Weibo, mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc. Chủ đề thu hút 630 triệu lượt đọc và gần 500 nghìn lượt thảo luận. Những bài viết liên quan đến nữ nhân viên này và cách Alibaba xử lý bê bối cũng liên tục nằm trong danh sách thịnh hành trên các mạng xã hội.

Sự việc bắt đầu khi một nữ nhân viên Alibaba bị đồng nghiệp xâm phạm tình dục trong chuyến đi đến Tế Nam, Sơn Đông. Sau đó cô báo cáo lên cấp trên nhưng không nhận được phản hồi. Ngày 7/8, người phụ nữ này đến quán cà phê của công ty, cầm biểu ngữ để tố cáo. Dù bị bảo vệ ở đó ngăn lại, video do đồng nghiệp của cô quay đã lập tức lan truyền khắp mạng xã hội.

Nữ nhân viên Alibaba đến quán cà phê của công ty để biểu tình sau 10 ngày báo cáo việc mình bị xâm phạm lên các cấp quản lý nhưng không được giải quyết. Ảnh: Sina.

Nữ nhân viên Alibaba đến quán cà phê của công ty để biểu tình sau 10 ngày báo cáo việc mình bị xâm hại lên các cấp quản lý nhưng không được giải quyết. Ảnh: Sina.

Theo Sina, mấu chốt của vấn đề nằm ở cách xử lý của Alibaba. 10 ngày kể từ khi nữ nhân viên gửi phản ánh đến nhiều cấp quản lý, sự việc vẫn không được giải quyết thỏa đáng. Đến khi câu chuyện gây xôn xao trên Internet, Xiaoyaozi, Giám đốc điều hành của Alibaba, mới lên tiếng xác nhận thông tin và tuyên bố sẽ hợp tác với cảnh sát để điều tra.

Dù lãnh đạo cấp cao của Alibaba nói ông bị “sốc, tức giận và xấu hổ”, nhiều người vẫn tẩy chay công ty. Không ít người đặt câu hỏi tại sao một công ty Internet lớn như vậy phải mất đến 10 ngày mới tìm cách giải quyết một vấn đề nội bộ. “Mối nguy hại không chỉ nằm ở những tác động từ bên ngoài mà sự sụp đổ còn đến từ bên trong tổ chức”, Sina bình luận.

Nhiều trang tin công nghệ lớn của Trung Quốc cũng dẫn lại bê bối vào năm 2016, một nam nhân viên của Alibaba bị buộc thôi việc sau khi “tranh bánh trung thu của sếp”. Hai năm sau đó, công ty tiếp tục bị lên án về những trò chơi phản cảm liên quan đến tình dục. Những bức ảnh chụp màn hình năm đó khiến cộng đồng mạng phẫn nộ vì nhân viên nữ thiếu được tôn trọng trong các hoạt động.

Alibaba thời kỳ hậu Jack Ma liên tục đối mặt khủng hoảng từ cơ quan quản lý lẫn văn hoá doanh nghiệp. Trên lĩnh vực kinh doanh, họ đã mất dần vị thế của công ty tiên phong. Sự trỗi dậy của JD, Meituan, Pinduoduo và ByteDance khiến công ty của Jack Ma không còn hấp dẫn. Chính quyền Bắc Kinh cũng liên tục mở các cuộc điều tra nhắm vào Alibaba và các hoạt động kinh doanh liên quan. Tháng 4 năm nay, Trung Quốc phạt công ty của Jack Ma 18,2 tỷ nhân dân tệ (2,8 tỷ USD) sau cuộc điều tra chống độc quyền.

Trong bối cảnh bên ngoài có nhiều biến động, những khủng hoảng tiềm ẩn bên trong có thể đẩy Alibaba đến bờ vực suy tàn. Bê bối tình dục lần này mà minh chứng cho sự khủng hoảng nội bộ công ty. Những cuộc thảo luận về sự tồn vong của Alibaba vẫn là chủ đề nóng được bàn luận khắp mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người thậm chí kêu gọi Jack Ma quay lại dẫn dắt tổ chức nếu không, việc lụi tàn của đế chế chỉ là chuyện sớm muộn.

Khương Nha

[ad_2]