Cuộc hội đàm thắp ‘lạc quan thận trọng’ cho quan hệ Nga – Mỹ

[ad_1]

Thượng đỉnh Biden – Putin không hóa giải được bất đồng trong vấn đề Ukraine, nhưng tạo nền tảng để Mỹ – Nga thiết lập cơ chế đối thoại.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin ngày 7/12 có cuộc hội đàm trực tuyến kéo dài hai tiếng mà điểm nhấn quan trọng nhất là căng thẳng đang nổi lên gần đây liên quan đến vấn đề Ukraine.

“Cuộc thảo luận giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Putin diễn ra trực tiếp và thẳng thắn. Có rất nhiều điều trao đổi, nhưng không có hành vi chê bai lẫn nhau. Tổng thống Biden đã nói rõ ràng về lập trường của Mỹ trong tất cả những vấn đề này”, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói trong cuộc họp báo sau hội nghị.

Trong khi đó, Điện Kremlin cho hay Putin và Biden đều đưa ra những lời đe dọa liên quan đến việc Nga tập trung lực lượng quân sự gần biên giới Ukraine. Putin cáo buộc các lực lượng của NATO thực hiện “những nỗ lực nguy hiểm” nhằm củng cố sức mạnh cho Ukraine dọc biên giới Nga.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng hồi tháng một. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng hồi tháng một. Ảnh: AFP.

Putin tiếp tục yêu cầu Biden đưa ra “những đảm bảo mang tính ràng buộc pháp lý, đáng tin cậy” nhằm ngăn chặn NATO mở rộng lãnh thổ về phía Nga hoặc bố trí tên lửa ở các nước giáp biên giới với Nga.

Mỹ Ukraine trước đó cáo buộc Nga tập trung khoảng 100.000 quân và khí tài gần biên giới phía tây, cho rằng nước này “đang lên kế hoạch tiến đánh Ukraine”. Tuy nhiên, Nga phủ nhận thông tin về kế hoạch tấn công, đồng thời cáo buộc phương Tây có hành động khiêu khích, đặc biệt với các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đen.

Hai lãnh đạo dường như không thể tìm thấy tiếng nói chung trong vấn đề then chốt này, khi Biden tái khẳng định Ukraine có quyền tự quyết trong các thỏa thuận an ninh của mình. Đây là lúc những lời đe dọa trừng phạt được Mỹ tung ra, dù theo Sullivan, Biden khẳng định các cuộc đàm phán chiến lược rộng lớn hơn giữa các đồng minh NATO và Nga có thể diễn ra nếu “mối đe dọa tấn công nhắm vào Ukraine” giảm bớt.

Theo thông cáo từ Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã nêu rõ rằng Mỹ và các đồng minh sẽ “đáp trả bằng những đòn kinh tế mạnh mẽ và biện pháp khác trong trường hợp tình hình quân sự leo thang” ở Ukraine, đồng thời “kêu gọi giảm căng thẳng và quay về con đường ngoại giao”.

Sullivan đã đưa ra một số biện pháp đối phó mà Mỹ và các đồng minh của họ sẽ thực hiện trong trường hợp Nga tấn công Ukraine, bao gồm cả tăng cường lực lượng quân sự cho sườn phía đông của NATO.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trước đó cũng tuyên bố chính quyền Biden có thể trừng phạt Nga “bằng những biện pháp kinh tế có ảnh hưởng lớn mà chúng tôi đã kiềm chế thực hiện trong quá khứ”.

Edward Fishman, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng Washington “có khá nhiều cách để gia tăng áp lực kinh tế lên Moskva, nếu chính quyền Biden muốn”.

“Các biện pháp trừng phạt hiện nay với Nga vẫn rất nhẹ. Nếu cường độ trừng phạt lên Iran là 10/10 thì đối với Nga chỉ khoảng hai hoặc ba”, Fishman nói. “Chưa có công ty nhà nước lớn nào của Nga bị cấm vận hoàn toàn”.

Mỹ hồi tháng 4 ban hành lệnh cấm các tổ chức tài chính nước này mua trái phiếu trong những đợt phát hành mới của chính phủ Nga, nhưng biện pháp này không tạo ra tác động đáng kể. Tuy nhiên, Washington có thể đi xa hơn nữa, áp trừng phạt lên thị trường trái phiếu thứ cấp Nga, nơi trái phiếu được giao dịch giữa các nhà đầu tư sau khi phát hành trên thị trường sơ cấp.

Theo Reuters, các quan chức Mỹ hôm 7/12 đã nói với các thành viên quốc hội rằng họ đã thỏa thuận với Đức về việc đóng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) nối Nga và Bắc Âu, nếu Nga tiến hành một cuộc tấn công vào Ukraine.

Đường ống Nord Stream 2 đã hoàn thành, nhưng nó vẫn chưa được cơ quan quản lý năng lượng Đức phê duyệt đưa vào sử dụng. Liên minh chính phủ mới của tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bày tỏ hoài nghi về dự án này. Để tăng sức ép với Nga, Mỹ có thể thuyết phục Đức hủy bỏ hoàn toàn dự án, điều mà Moskva không bao giờ mong muốn.

“Ngoài ra, chính quyền Biden có thể áp đặt biện pháp trừng phạt toàn diện lên các ngân hàng lớn, công ty năng lượng, quốc phòng Nga hay ban hành những lệnh cấm sâu rộng đối với hoạt động đầu tư cũng như cung cấp dịch vụ cho các dự án dầu khí thông thường của Nga”, Fishman cho hay. Hai mục tiêu tiềm năng nhất là ngân hàng VTB và ngân hàng Gazprombank.

Theo giới chuyên gia, “cây gậy” lớn nhất trong “kho vũ khí” của chính quyền Biden là phương án loại Nga khỏi hệ thống thanh toán điện tử toàn cầu Swift được các ngân hàng trên toàn thế giới sử dụng.

Đây là một trong những biện pháp mạnh tay nhất từng được Mỹ áp đặt với Iran và có thể khiến Nga bị cô lập trên thị trường tài chính quốc tế. Aslund mô tả đây là đòn tấn công đóng vai trò như “vũ khí cuối cùng” mà Mỹ có thể tung ra với Nga.

Nghị viện châu Âu hồi mùa xuân đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc kêu gọi thực hiện một động thái như vậy nếu Nga tấn công Ukraine và Mỹ đang thảo luận điều này với các đối tác thuộc Liên minh châu Âu (EU), theo hai quan chức Mỹ giấu tên am hiểu vấn đề.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc điện đàm trực tuyến với người đồng cấp Mỹ Biden ngày 7/12. Ảnh: AP.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc điện đàm trực tuyến với người đồng cấp Mỹ Biden ngày 7/12. Ảnh: AP.

Để những biện pháp trừng phạt như trên phát huy tác dụng, Mỹ cần các đồng minh cùng thực hiện. Những đòn trừng phạt trước đây Mỹ nhằm vào Nga chủ yếu là đơn phương và thường ít khi thành công.

“Trong một nền kinh tế ngày càng toàn cầu hóa, các biện pháp trừng phạt đơn phương phải đối mặt với những trở ngại rất lớn, ngay cả khi chúng đến từ nền kinh tế hàng đầu thế giới”, bình luận viên Misha Ketchell từ trang Conversation đánh giá.

Các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ đa phần chỉ phát huy tác dụng khi nó nhắm vào những quốc gia có mối quan hệ thương mại sâu rộng với nước này và Nga rõ ràng không nằm trong số đó.

Những năm gần đây, Nga không ngừng tăng cường quan hệ thương mại và hợp tác năng lượng với Trung Quốc. Chiến lược này sẽ càng khiến Moskva chịu ít áp lực kinh tế từ Washington hơn.

Dù các đồng minh châu Âu của Mỹ tin gia tăng trừng phạt sẽ là phương cách tốt để kìm hãm Nga, liệu tất cả họ có đồng ý sát cánh cùng Mỹ hay không lại là câu chuyện khác, giới quan sát nhận định.

Nga là đối tác thương mại lớn thứ năm của EU, trong khi EU là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Những mối quan hệ thương mại sâu rộng giữa Nga với các thành viên EU cũng giúp họ phần nào giảm thiểu tác động từ các lệnh trừng phạt nếu chúng không có sự hỗ trợ và hợp tác của châu Âu.

Nga cũng cung cấp cho châu Âu phần lớn khí đốt tự nhiên, qua đó giúp họ đảm bảo khả năng tiếp cận thương mại và nguồn thu, bất chấp các biện pháp gây áp lực từ Mỹ, theo Ketchell.

Mặt khác, cũng có những mối quan ngại rằng Nga sẽ trả đũa mạnh tay trước bất kỳ động thái gây sức ép nào từ Mỹ và đồng minh bằng cách dùng dầu khí làm “quân bài thay đổi cuộc chơi”.

“Chúng tôi lo sợ rằng Nga sẽ đáp trả bằng cách ngừng chuyển khí đốt tới châu Âu”, một quan chức cấp cao Mỹ nói với CNN.

Nga dường như cũng không quá lo lắng trước những lời đe dọa trừng phạt của Mỹ. Theo cố vấn Điện Kremlin Yuri Ushakov, tại cuộc hội đàm, Tổng thống Biden có đề cập đến các biện pháp trừng phạt, song theo cách “dễ chấp nhận hơn, tương xứng với cấp tổng thống”. Mặt khác, Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh với người đồng cấp Mỹ rằng các biện pháp trừng phạt sẽ không mang đến bất kỳ tác động tích cực nào cho cả Washington lẫn Moskva.

Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Liên bang Nga Vladimir Dzhabarov cho rằng dù không đạt được đột phá, cuộc hội đàm vẫn mang đến hy vọng thúc đẩy mối quan hệ song phương.

“Các cuộc đàm phán luôn đi kèm với hy vọng về những bước phát triển mang tính xây dựng và thiết lập cơ chế đối thoại”, ông nói. “Chúng tôi hy vọng Tổng thống Biden sẽ trấn an các đồng minh của mình, nói với họ rằng mọi thứ đều ổn”.

“Tôi tin rằng lãnh đạo của hai cường quốc gặp mặt luôn tốt hơn là không gặp. Cho dù cuộc đàm phán diễn ra theo cách nào, mỗi bên có lẽ đều đã vạch ra lằn ranh đỏ và nêu lên những mối quan ngại của mình”, Dzhabarov cho biết.

Leonid Slutsky, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia Nga, hôm 8/12 viết trên Telegram rằng hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa hai lãnh đạo đã thắp lên hy vọng rằng những căng thẳng trong tháng qua sẽ hạ nhiệt và tâm lý chống Nga trong giới truyền thông, chính trị phương Tây sẽ giảm bớt.

“Sau cú sẩy chân của Mỹ ở Afghanistan, Biden rõ ràng muốn tăng tỷ lệ ủng hộ của mình bằng cách ngăn chặn một cuộc chiến mới mà phía Nga rõ ràng không có ý định phát động”, Slutsky viết. “Về tổng thể, kết quả hội nghị thượng đỉnh cho chúng ta lý do để lạc quan thận trọng, dù không ai có thể trông chờ vào phép màu”.

Vũ Hoàng (Theo CNN, Guardian, Conversation, TASS)

[ad_2]