Biến chủng mới nguy hiểm như thế nào

[ad_1]

B.1.1.529 chứa nhiều đột biến từng tồn tại trong các biến chủng như Alpha, Delta, Mu, giúp virus lây lan nhanh chóng hơn, nguy cơ làm giảm hiệu quả của vaccine.

Các nhà khoa học ngày 25/11 cảnh báo về siêu biến chủng B.1.1.529 mới xuất hiện có lượng đột biến lớn, khiến số ca nhiễm tại Nam Phi tăng 12 lần. Trong buổi họp báo trực tuyến, chuyên gia về virus Tulio de Oliveira cho biết: “Không may, chúng ta đã phát hiện biến chủng mới, đáng lo ngại ở Nam Phi”.

B.1.1.529 có ít nhất 32 đột biến ở protein gai – thành phần giúp virus bám vào tế bào cơ thể, làm dấy lên lo ngại về khả năng né tránh vaccine. Tom Peacock, chuyên gia tại Cục Bệnh truyền nhiễm Hoàng gia Anh, nhận định “đây là cụm đột biến với lượng protein gai thực sự khủng khiếp”.

Điểm khác biệt giữa B.1.1.529 và Delta

Đến nay, Delta vẫn là biến chủng chiếm ưu thế toàn cầu. Nó có khả năng lây lan vượt trội hơn so với các chủng virus nổi trội trước đây như Alpha hoặc Beta. Virus dễ lây lan bởi các protein gai bám vào tế bào người nhanh chóng, thành thạo hơn.

B.1.1.529 chứa hàng loạt đột biến như K417N, N501Y, N440K, G446S… Trong đó đột biến K417N từng xuất hiện ở biến thể Delta. Đột biến ảnh hưởng đến một vùng của protein S mà virus dùng để xâm nhập tế bào, được gọi là vùng liên kết thụ thể (phân tử protein). Khu vực này quyết định độ bám dính của virus với tế bào. K417N được cho là giúp nCoV tạo liên kết mạnh mẽ hơn giữa chính nó và vật chủ. Virus sẽ lây nhiễm dễ dàng hơn.

Đột biến N501Y cũng có trong biến thể Alpha, giúp virus gắn vào tế bào người. Điều này giải thích tại sao những biến thể mới nói chung có vẻ dễ lây lan hơn. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong nhiều đột biến ở cả hai biến thể khiến các nhà khoa học lo ngại virus ít nhạy cảm hơn với vaccine hoặc phương pháp điều trị.

Đột biến N440K giúp virus trở nên mạnh mẽ, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng sau nhiễm nCoV. Theo các báo cáo, độc lực của nó cao gấp 15 lần so với các biến thể ban đầu.Thông thường, người mắc Covid-19 đạt đến giai đoạn khó thở, thiếu oxy trong vòng một tuần. Nếu nhiễm virus chứa đột biến N440K, bệnh nhân có thể chuyển nghiêm trọng chỉ trong vòng ba đến 4 ngày.

Theo giáo sư Christina Pagel, Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng tại Đại học Hoàng gia London, B.1.1.529 “có những lợi thế đáng kể so với Delta”, tiềm tàng khả năng thoát miễn dịch và lây truyền cao.

Ông Peacock cho biết biến chủng chứa tới hai đột biến là P681H và N679K ở vị trí phân cắt furin (vị trí giúp virus thuận lợi xâm nhập vào tế bào). Đây là lần đầu tiên giới khoa học ghi nhận hai đột biến này trong một biến chủng.

P681H từng xuất hiện trong biến chủng Mu và Alpha, làm tăng khả năng lây truyền của virus. Tuy nhiên, hiện các nghiên cứu còn dang dở, chưa được giới hàn lâm bình xét chính thức. Vì vậy, không thể kết luận về vai trò của P681H với virus ở thời điểm này.

Người dân Nam Phi được tiêm vaccine Covid-19, tháng 2/2021. Ảnh: Reuters

Người dân Nam Phi được tiêm vaccine Covid-19, tháng 2/2021. Ảnh: Reuters

B.1.1.529 đã xuất hiện ở đâu?

Biến thể được phát hiện lần đầu ở Nam Phi, Viện Các bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NICD) xác nhận đến nay có 22 trường hợp dương tính. Số ca nhiễm được dự báo tăng lên sau khi có thêm kết quả xét nghiệm. B.1.1.529 cũng được tìm thấy ở Botswana và Hong Kong. Ca nhiễm ở Hong Kong là một du khách đến từ Nam Phi.

Giáo sư Adrian Puren, Quyền Giám đốc Điều hành NICD, cho biết: “Không có gì ngạc nhiên khi Nam Phi ghi nhận biến chủng mới. Dù dữ liệu hạn chế, các chuyên gia của chúng tôi đang làm việc không ngừng, sử dụng tất cả hệ thống giám sát hiện có để hiểu thêm về biến chủng và những tác động tiềm ẩn của nó”.

Các nhà khoa học tin rằng tới 90% ca mắc mới ở tỉnh Gauteng của Nam Phi là B.1.1.529. Số trường hợp được phát hiện ở North West và Limpopo cũng tăng lên nhanh chóng.

Theo Bộ trưởng Y tế Joe Phaahla, sự xuất hiện của biến chủng là lý do ca nhiễm trong nước “tăng theo cấp số nhân” những tuần gần đây. De Oliveira nhấn mạnh biến chủng chỉ được phát hiện ở Nam Phi, chưa chắc khởi nguồn từ khu vực này.

Theo ông, tin đáng mừng là xét nghiệm PCR vẫn xác định được biến chủng. Các nhà khoa học sẽ nhanh chóng theo dõi được sự lây lan của nó.

Ảnh hưởng của B.1.1.529 lên vaccine

Những thay đổi cơ bản có nguy cơ khiến B.1.1.529 né tránh được miễn dịch từ vaccine và người từng mắc Covid-19. Dựa trên các đột biến, giới khoa học cho rằng nó sẽ phản ứng với vaccine tương tự chủng Beta. Như vậy, hiệu quả của vaccine AstraZeneca có thể giảm xuống còn 40-50%, vaccine Pfizer chỉ còn duy trì độ bảo vệ 50-60% sau hai liều.

Đến nay, B.1.1.529 được coi là biến chủng tồi tệ nhất trong đại dịch vì lượng đột biến khổng lồ và tính ưu việt của các đột biến đó. Các nhà khoa học vô cùng lo lắng, coi biến chủng là yếu tố đáng lo ngại.

“Lo ngại lớn nhất của chúng tôi là protein gai của nó quá khác biệt so với virus từ Vũ Hán ban đầu và virus dùng để nghiên cứu vaccine”, Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) cho biết.

Các nhà khoa học cho rằng có thể đánh giá đầy đủ khả năng trốn tránh vaccine của B.1.1.529 trong khoảng hai đến 8 tuần tới, dựa trên tốc độ lây lan hiện tại. Các nhà khoa học Anh có thể giải trình tự gene khoảng 70.000 mẫu virus mỗi tuần, con số khổng lồ theo tiêu chuẩn quốc tế.

Thục Linh (Theo Euro News, Herald, Outlook India)

[ad_2]