Ngư dân cứu cá voi gần 2 tấn

[ad_1]

Hà TĩnhNgư dân xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, đưa con cá voi nặng gần 2 tấn bị sóng đánh dạt bờ trở lại biển thành công, trưa 18/11.

Cá voi lưng màu đen, bụng trắng, dài khoảng 8 m, đường kính hơn 1m, dạt vào bờ biển thôn Hải Phong 1 lúc 10h30.

Thấy cá kiệt sức nằm thoi thóp trên bãi cát, hơn 40 người gồm dân địa phương, chính quyền, bộ đội biên phòng đã hợp sức đẩy cá đi hàng chục mét từ trong bờ ra ngoài biển. Họ tát nước biển lên thân giúp con vật hồi sức.

Cá voi dạt bờ biển xã Kỳ Lợi, lúc 10h30 ngày 18/11. Ảnh: Trà My

Cá voi dạt bờ biển xã Kỳ Lợi, lúc 10h30 ngày 18/11. Ảnh: Trà My

“Cá khi được đẩy ra ngoài khơi bị sóng đánh dạt trở lại bờ nhiều lần, nhưng chúng tôi tiếp tục được đưa trở ra. Hơn 12h, con vật có dấu hiệu hồi phục và bơi đi. Nhiều người túc trực tại bờ biển đề phòng cá dạt vào để ứng cứu, đến chiều nay không thấy”, ông Chu Văn Quang, Phó chủ tịch xã Kỳ Lợi, nói.

Đây là lần thứ hai vùng biển xã Kỳ Lợi ghi nhận cá voi dạt bờ, lần đầu tiên xảy ra hàng chục năm trước.

Ngư dân cứu cá voi gần 2 tấn

Người dân hợp sức đưa cá voi từ bờ biển ra ngoài khơi. Video: Trà My

Tại Quảng Nam, sáng cùng ngày người dân xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, phát hiện xác cá voi gần 2 m, nặng khoảng 2 tạ dạt vào bờ. Cá voi đã chết nhiều ngày trước, da bong tróc, cơ thể nhiều vết thương bầm tím. Người dân đã chôn cất cá ở bãi cát gần bờ biển.

Cá voi tên gọi khoa học là Cetacea, gồm khoảng 90 loài, hầu hết sinh sống ở đại dương lớn. Tại Việt Nam, vùng biển miền Trung thỉnh thoảng phát hiện cá voi dạt vào bờ. Loài này thường hay giúp đỡ ngư dân trên biển. Khi cá dạt bờ, ngư dân sẽ giải cứu, nếu đã chết thì chôn cất chu đáo.

Miền Trung từ ngày 8/11 đến nay liên tục mưa to do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao. Tại các vùng bãi ngang, biển động, sóng lớn.

Đức Hùng – Đắc Thành