‘Việt Nam sẽ có đại học sinh viên quốc tế mơ ước’


Từ nhỏ bà Trần Thị Mỹ Diệu đã đặt mục tiêu phải học giỏi, du học và trở thành Tiến sĩ. Từ những buổi đến phòng thí nghiệm Sinh học cùng cha
tại quê nhà Nha Trang (Khánh Hòa), bà yêu thích các môn khoa học tự nhiên và ước mong được đứng trên bục giảng. Tốt nghiệp khoa Hóa, Đại học Bách
khoa TP.HCM với tấm bằng giỏi song giấc mơ trở thành giảng viên dang dở vì trường không tuyển nhân sự nữ và chưa có hộ khẩu thành phố.

Trong lúc đang thất vọng, cô sinh viên sinh năm 1971 Trần Thị Mỹ Diệu đến với Đại học Văn Lang, làm việc tại phòng thí nghiệm của Trung tâm
Nghiên cứu ứng dụng và Quản lý môi trường, sau đó chuyển sang Khoa Công nghệ và Quản lý môi trường (nay là Khoa Công nghệ). Dù chưa có bất kì
kinh nghiệm nào, nhưng đồng nghiệp luôn khuyến khích cô học tập để nhận học bổng học Thạc sĩ tại Thái Lan, học Tiến sĩ tại Hà Lan. Trở về, giảng
viên Trần Thị Mỹ Diệu được bổ nhiệm làm Phó Trưởng Khoa năm 2003 rồi Trưởng Khoa năm 2010.

Trải qua nhiều vị trí làm việc rồi trở thành Hiệu trưởng Đại học Văn Lang, PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu yêu quý môi trường năng động, không ngừng
đổi mới trong giảng dạy, nghiên cứu tại đây. “Môi trường tư thục tạo động lực thay đổi cần thiết cho người dạy và người học”, PGS. TS. Trần Thị
Mỹ Diệu khẳng định.

Khi PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu giữ chức vụ Hiệu trưởng năm 2016, Đại học Văn Lang mới có 18 ngành đào tạo đại học và 1 ngành đào tạo thạc sĩ
với quy mô hơn 12.000 người học, tuy trường có uy tín thương hiệu nhưng chưa tạo dấu ấn đột phá ấn tượng. Trong 5 năm gần đây, ngôi trường này nỗ
lực bứt phá và xây dựng hình ảnh năng động. Lần đầu tiên sau 25 năm, trường thay đổi căn bản nguyên tắc vận hành và quản lý, dựa trên KPI để đảm
bảo các mục tiêu chiến lược. Đại học Văn Lang lần đầu trong lịch sử tham gia thực hiện dự án cộng đồng trao tặng 2000 máy thở MV20 cho Chính phủ
Việt Nam khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trường này cũng kêu gọi thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo để cùng tạo ra các sản phẩm sáng
tạo – khởi nghiệp cho quốc gia. Tháng 12, Trung tâm Đổi mới sáng tạo sẽ đi vào hoạt động…

PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu cho biết: “Thích ứng và hành động là từ khóa lãnh đạo Đại học Văn Lang đề ra. Tôi nghĩ rằng ai làm nhiều thì sẽ mắc
sai lầm nhiều. Chúng tôi không bao giờ vì một lỗi lầm nào đó của người lao động mà phủ nhận toàn bộ công sức, quá trình làm việc của họ. Tôi điều
hành công việc bằng sự quan sát tổng thể, bằng quy trình quản lý. Tất cả phải cùng nhìn thấy, cùng hiểu và cùng hành động cho những mục tiêu
chung”.

Bốn năm làm Hiệu trưởng Đại học Văn Lang, PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu đau đáu về chất lượng đào tạo sinh viên. Bà thường xuyên tìm hiểu tiêu
chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và quốc tế để điều chỉnh chuẩn đầu ra. Theo bà, khái niệm chất lượng của đại học không chỉ là thầy
giỏi, trường top, mà sinh viên ra trường cần có năng lực ngoại ngữ, kỹ năng mềm, môi trường thực tập, tiệm cận chuẩn công dân toàn cầu.

“Đến giờ, Đại học Văn Lang tự tin năng lực của sinh viên chính là chất lượng đào tạo. Sinh viên làm được nhiều ngành nghề sau khi ra trường,
ứng dụng linh hoạt chuyên môn được đào tạo và có mức lương xứng đáng. Để được như vậy, tôi có trách nhiệm điều hành bộ máy trường vận hành để
tương thích và hỗ trợ tất cả các mục tiêu đó, đồng thời bồi dưỡng sinh viên những giá trị nhân văn trong tâm hồn, lối sống…”, PGS. TS. Trần Thị
Mỹ Diệu cho biết.

Tại Đại học Văn Lang, muốn sinh viên phát triển tối đa năng lực, nhà trường đã điều kiện học tập tốt nhất bằng cách cải thiện cơ sở vật chất,
đội ngũ giảng viên, tang cơ hội thực hành, thực tế… Theo PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu, chiến lược phát triển của đại học tư thục không nên dựa
trên nền tảng học phí, mà phải hướng tới những giá trị thật sự gắn bó với triết lý giáo dục. Đại học có thể tạo ra môi trường tích cực để bồi đắp
phẩm cách của người học, thông qua hình mẫu từ giảng viên, đời sống học đường, văn hóa của trường… Giảng viên phải là những người giỏi nghề, có
tâm và lối sống tích cực. Thầy và trò cũng phải cùng sống trong một khí quyển văn hóa tích cực.

Nhớ lại khoảng thời gian du học tại Viện Khoa học Công nghệ châu Á tại Thái Lan, PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu thấy rõ sự khác biệt giữa môi
trường học tập trong và ngoài nước. Được tiếp cận với những môi trường học tập chất lượng, bà ước mong Văn Lang trở thành một ngôi trường mà sinh
viên thế giới ước ao được vào học.

Năm 2020 vừa qua, Đại học Văn Lang công bố triết lý giáo dục, tầm nhìn và mục tiêu chiến lược mới, trong đó có mục tiêu: trở thành một trong
những đại học trẻ được ngưỡng mộ nhất châu Á đến năm 2030. Ước mơ của PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu từ nhiều năm trước đã được cụ thể hóa trong những
văn bản chiến lược của trường Văn Lang hôm nay.

PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu đã cho xây dựng khu phức hợp giáo dục tại số 69/68 Đặng Thùy Trâm, quận Bình Thạnh để thực hiện chiến lược của mình.
Khu phức hợp xây dựng theo tư duy mới campus đại học không còn là các phòng học nối tiếp nhau mà trở thành không gian văn hóa để việc học trở
thành trải nghiệm.

Hiệu trưởng Đại học Văn Lang mang một giấc mộng to lớn, nhưng nếu không ước mơ thì cũng không bao giờ thành quả. “Đứng trong campus của Đại
học Văn Lang, tôi thấy ước mơ này trở nên gần hơn, vì có thể cảm nhận được sự chuyển động trong lòng trường đại học. Sâu hơn phía bên trong những
tòa nhà đẹp lộng lẫy, sâu hơn những hành lang và phòng học, là nơi sinh viên đang say sưa tập thể thao, văn nghệ, hay làm dự án… Nếu quá trình
xã hội hóa giáo dục từ những năm 1995 đã tạo ra hàng loạt đại học tư thục đáp ứng nhu cầu xã hội, thì bối cảnh quốc tế hóa và công nghiệp 4.0 hôm
nay có lẽ sẽ tiếp tục là động lực để đại học tư thục Việt Nam chuyển mình và bứt phá”, PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu chia sẻ.

Nha Trang
Thiết kế: Tấn Nguyễn; Ảnh: Đại học Văng Lang

Nguồn