Trung Quốc siết chặt kinh doanh khóa học trực tuyến

[ad_1]

Bị chặn đường tồn tại vì chính sách truy quét các trung tâm dạy thêm, một số công ty giáo dục Trung Quốc nghĩ ngay đến việc mở bán khóa học trực tuyến.

Tài khoản Douyin “Meihao de shi ying zi shuxue” (Những ấn tượng đẹp trong lớp toán) đạt hơn 2,2 triệu lượt theo dõi, sau khi áp dụng hình thức mua bán các khóa học trực tuyến. Điều tra thông tin doanh nghiệp cho thấy đây thực chất là công ty một thành viên được thành lập bởi Mao Junfeng, người chuyên kinh doanh các khóa học trực tuyến dành cho học sinh tiểu học đến trung học cơ sở trên WeChat.

Mao Junfeng từng là giáo viên tại một trường trung học công lập ở Bắc Kinh. Sau đó, Mao bắt đầu kinh doanh riêng. Công ty của Mao được thành lập vào tháng 7/2019, lĩnh vực kinh doanh ban đầu bao gồm giáo dục, văn hóa, tư vấn thể thao… không giảng dạy các môn học. Sau khi chính sách siết chặt hoạt động học thêm và dạy thêm được công bố, tài khoản WeChat chính thức của công ty đã thông báo mở bán các khóa học toán lớp 3 đến lớp 9 vào thứ bảy và có thể kết thúc sau 9h tối.

Một số khóa học trực tuyến của Mao Junfeng. Ảnh: Ziyuan Wang

Một số khóa học trực tuyến của Mao Junfeng. Ảnh: Ziyuan Wang

Kuaishou, hiện là nền tảng chia sẻ video ngắn có quy mô lớn thứ hai Trung Quốc chỉ sau Douyin, cũng tràn ngập các chương trình dạy học trực tuyến bằng hình thức livestream sau chính sách “giảm kép”. Một tài khoản cá nhân có 6,16 triệu lượt theo dõi trên Kuaishou vẫn thường bán các khóa học này trong chương trình phát sóng của mình, và đặt lượt người mua ở chế độ ẩn.

Đây được xem như “một cách kiếm tiền mới” nhưng nhanh chóng bị gọng kìm của chính sách “giảm kép” siết lại.

Mới đây, Kuaishou thông báo cấm xuất bản các khóa học dành cho học sinh mẫu giáo đến trung học phổ thông. Trên nền tảng Kuaishou hiện chỉ có thể tìm thấy các sản phẩm học tập như văn phòng phẩm, thiết bị hỗ trợ, tài liệu giảng dạy và các sản phẩm khác.

Xueer Si Peiyou, một công ty giáo dục chuyên kinh doanh khóa học các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh… hàng đầu tại Trung Quốc, thông báo trên WeChat: Theo chính sách “giảm kép” của quốc gia, dịch vụ giảng dạy các môn học bắt buộc trong nhà trường của Xueer Si Peiyou sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2021. Công ty sau đó sẽ kinh doanh các khóa học liên quan đến trí tuệ khoa học, nhân văn và thẩm mỹ.

Taobao, trang thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc, do Alibaba chủ quản, thông báo hưởng ứng chính sách “giảm kép”. Taobao cũng sẽ tiến hành quản lý và tiêu chuẩn hóa các sản phẩm giáo dục trong phạm vi cho phép. Thông báo nêu rõ, các doanh nghiệp phải tự kiểm tra kịp thời, không mua bán khóa học trực tuyến vi phạm quy định.

Jingdong, một trong những công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, kiểm soát chặt chẽ các quảng cáo liên quan đến việc mua bán khóa học trực tuyến.

Ngày 19/11, Douyin, phiên bản Trung Quốc của TikTok, thông báo sẽ áp dụng lệnh cấm phát sóng đối với các chương trình dạy học những môn bắt buộc trong nhà trường từ cấp mẫu giáo đến trung học (bao gồm trung học phổ thông) như: Văn, Toán, Ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Nga), Vật lý, Hóa học, Sinh học, Chính trị học, Lịch sử, Địa lý và các môn khoa học có liên quan khác.

Đối với các môn học tự chọn, Douyin cũng quy định chỉ được phép xuất bản trong chuyên mục “giáo dục đào tạo – sở thích của học sinh”. Đồng thời, những khóa học môn tự chọn này cũng không được phép quảng cáo dưới hình thức livestream hoặc video.

Trước đó, vào 9/11, nhà chức trách Trung Quốc ban hành “Thông báo về công tác quản lý và kiểm soát chương trình quảng cáo các khóa học ngoài nhà trường”.

Nội dung thông báo chỉ rõ, cần đảm bảo các phương tiện truyền thông chính thống, các nền tảng trực tuyến, nơi công cộng, khu dân cư, không gian trực tuyến và ngoại tuyến khác không xuất bản, phát sóng các chương trình quảng cáo khóa học ngoài nhà trường. Các nền tảng thương mại điện tử và các công ty Internet khác nếu sản xuất, xuất bản, phát tán quảng cáo có liên quan đến nội dung trên phải kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp vi phạm bị xử phạt bằng hình thức cảnh cáo, nộp phạt doanh thu hoặc tạm ngừng tài khoản.

Trung Quốc bắt đầu giới thiệu chính sách “giảm kép” vào cuối tháng 7 và chính thức luật hóa vào tháng 10 nhằm giảm “áp lực kép” về bài tập về nhà và dạy thêm ngoài giờ ở các môn học chính. Từ tháng 1/2022, tất cả hoạt động dạy thêm đều là bất hợp pháp. Theo đó, hàng nghìn công ty, trung tâm gia sư trên khắp nước này phải đóng cửa, hàng chục nghìn giáo viên dạy thêm thất nghiệp hoặc phải chuyển nghề.

Phương Uyên (Theo Sohu, Sina)

[ad_2]