Trợ lý ảo tiếng Việt có thể nhận diện cảm xúc

Trợ lý ảo Cyberbot của Viettel có khả năng phân tích, nhận diện cảm xúc của người được tương tác.

Cyberbot có thể triển khai dưới dạng trợ lý ảo tương tác bằng giọng nói (Callbot), hoặc tương tác bằng tin nhắn (Chatbot). Tương tự nhiều nền tảng trợ lý ảo hiện nay, Cyberbot ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hiểu được nội dung trong quá trình giao tiếp, đồng thời tự học để cải tiến từ các tình huống thực tế.

Theo đơn vị phát triển, trợ lý ảo này ứng dụng cùng lúc nhiều công nghệ về giọng nói và ngôn ngữ, chẳng hạn, công nghệ nhận dạng giọng nói ASR, công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên NPL và công nghệ tổng hợp giọng nói TTS.

Nhờ công nghệ NPL, trợ lý ảo có thể nhận diện các loại từ, thực thể, trong câu, đồng thời phân tích sắc thái của câu nói là tích cực hay tiêu cực. Cyberbot có thể nhận diện giọng nói miền Bắc/Trung/Nam với độ chính xác khoảng 95% và trả lời lại theo 12 giọng đọc khác nhau. Độ tự nhiên trong giọng nói của Cyberbot được đánh giá điểm MOS 4.4, tương đương khoảng 95% giọng nói người thật.

Trong các cuộc giao tiếp, hệ thống đồng thời xử lý việc nhận dạng lời nói, phỏng đoán ý định của đối phương, xử lý thông tin và trả lời lại. Thử nghiệm của Cyberbot trên một hệ thống Trung tâm dịch vụ khách hàng, trong thời gian 3 tháng, trợ lý ảo này cho khả năng nhận diện và đi đúng kịch bản khoảng 90%, đồng thời giúp tối ưu nhân lực chăm sóc khách hàng 40%.

Trước nguy cơ trợ lý ảo có thể bị lợi dụng để thực hiện các cuộc gọi spam, ông Phạm Quang Vinh, đại diện đơn vị phát triển cho biết “sẽ đánh giá đối tác trước khi triển khai”, đồng thời đặt ra những giới hạn về số lượng cuộc gọi, lựa chọn những nghiệp vụ phù hợp cho trợ lý ảo, để ngăn chặn tình trạng này.

Ông Phạm Quang Vinh, đại diện đơn vị phát triển Cyberbot.

Ông Phạm Quang Vinh, đại diện đơn vị phát triển Cyberbot.

Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, đánh giá cao khả năng của trợ lý ảo và “tiếc vì không được triển khai sớm”. “Nếu dùng trợ lý ảo này để gọi điện điều tra dịch tễ trong các vùng dịch Covid-19 như ở Hải Dương thời gian qua, chắc chắn sẽ tiết kiệm được rất nhiều nhân lực và chi phí”, ông nói. Ngoài ra, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa cũng gợi ý đơn vị phát triển mở rộng thêm các ứng dụng của trợ lý ảo, chẳng hạn tích hợp vào các thiết bị gia đình, các thiết bị giúp trò chuyện với người cao tuổi.

Ngoài Viettel, một số doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam cũng phát triển các trợ lý ảo tiếng Việt. Hồi tháng 11 năm ngoái, FPT.AI cũng giới thiệu một trợ lý ảo tổng đài, có khả năng nhận dạng tiếng Việt, từ đó xử lý các cuộc gọi thay cho con người.

Việc ra mắt Viettel Cyberbot nằm trong chuỗi sự kiện giới nền tảng số “Make in Vietnam” do Bộ TT&TT tổ chức. Đến nay đã có khoảng 30 nền tảng được giới thiệu trong chương trình này.

Lưu Quý

Nguồn