Thủ tướng Phạm Minh Chính chấn chỉnh công tác chống Covid-19 tại Kiên Giang, Tiền Giang

[ad_1]

Hai tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang cần thực hiện hiệu quả các giải pháp chống dịch, cố gắng kiểm soát càng sớm càng tốt, chậm nhất là 30/9, Thủ tướng yêu cầu.

Ngày 13/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra trực tuyến về công tác phòng chống dịch với tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang. Cuộc họp được kết nối trực tuyến tới 26 huyện, thành phố, thị xã và 317 xã, phường, thị trấn thuộc hai tỉnh.

Lãnh đạo Chính phủ nêu hàng loạt câu hỏi với lãnh đạo hai tỉnh và một số phường tại TP Rạch Giá (Kiên Giang) và Mỹ Tho (Tiền Giang), như: Số ca mắc trong cộng đồng tuần qua so với tuần trước, ngày hôm sau so với hôm trước thế nào, tăng hay giảm? Thứ hai, chu kỳ xét nghiệm là bao nhiêu ngày, điều này rất quan trọng vì tốc độ xét nghiệm chậm hơn tốc độ lây lan thì không ngăn chặn được dịch? Thứ ba, tại những nơi giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội đã triển khai trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn theo các Công điện của Thủ tướng hay chưa?

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình thừa nhận còn những hạn chế trong phòng chống dịch, nhất là thực hiện giãn cách xã hội chưa nghiêm túc, “chặt ngoài nhưng lỏng trong”. Tỉnh đã phát hiện, chấn chỉnh, có biện pháp khắc phục. Ngoài ra, Kiên Giang đã triển khai các tổ y tế, nhưng chưa lập trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn; việc trả kết quả xét nghiệm PCR có lúc chậm.

Thủ tướng nhắc nhở lãnh đạo các địa phương phải nắm chắc các số liệu để chỉ huy phòng chống dịch hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc

Với Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh, Thủ tướng hỏi kỹ về số ca tử vong trên địa bàn. Ông Vĩnh nêu một số lý do khiến nhiều ca tử vong, như số bệnh nhân chuyển nặng chiếm tỷ lệ lớn, trong khi số lượng máy thở hạn chế, đặc biệt là khi chưa hoàn thiện được bệnh viện dã chiến và Trung tâm Hồi sức Covid-19 (ICU). Những ngày gần đây, sau khi các bệnh viện dã chiến và ICU hoạt động, công tác sàng lọc tại tầng một và tầng hai tốt hơn, trang thiết bị và đội ngũ y tế đầy đủ hơn, số ca tử vong đã giảm.

Thủ tướng hỏi thêm, Tiền Giang có 37 xã, phường, thị trấn nguy cơ cao và rất cao, đã triển khai trạm y tế lưu động tại các địa bàn này chưa?

Nghe Chủ tịch Tiền Giang cho biết tỉnh đã có hai xã triển khai điều trị F0 tại nhà, Thủ tướng nhấn mạnh, “điều trị tại nhà và lập trạm y tế lưu động là hai việc khác nhau”.

“Người dân phải được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở thì mới có thể phân loại, điều trị ca bệnh sớm, giảm số ca tăng nặng, giảm tử vong. Nếu xã, phường, thị trấn nào cũng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên thì chắc chắn hệ thống y tế sẽ quá tải”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ bày tỏ chưa hài lòng vì trong quá trình thực hiện, một số lãnh đạo địa phương, nhất là ở cơ sở vẫn chưa nắm chắc tình hình, không đưa ra được mục tiêu, giải pháp cụ thể; nhận thức chưa đầy đủ để thực hiện xã, phường, thị trấn là pháo đài, người dân là chiến sỹ trong phòng, chống dịch… Đây là nguyên nhân khiến giãn cách kéo dài mà không đạt mục tiêu.

Thủ tướng đánh giá, qua gần 2 tháng thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, hai tỉnh Kiên Giang và Tiền Giang đã có rất nhiều cố gắng, nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp, kết quả chưa được như mong muốn và dự báo có thể phức tạp hơn.

Hai tỉnh và từng huyện, xã phải đặt mục tiêu cụ thể, rõ ràng về thời gian kết thúc giãn cách; các tiêu chí cần đạt để kiểm soát dịch bệnh. “Phải kiểm soát dịch bệnh càng sớm càng tốt, cố gắng chậm nhất là ngày 30/9”, Thủ tướng yêu cầu.

Mỗi địa phương có chiến lược xét nghiệm phù hợp với tình hình. Xét nghiệm thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của virus, nhanh chóng phát hiện, phong tỏa nguồn lây, phân loại, chăm sóc, điều trị F0 phù hợp, hiệu quả, tập trung ca nặng, có bệnh nền, phụ nữ có thai, người cao tuổi… Những nơi giãn cách và tăng cường giãn cách phải xây dựng ngay trạm y tế lưu động để người dân tiếp cận y tế nhanh nhất.

Theo Bộ Y tế, trong đợt bùng phát dịch bệnh thứ tư (tháng 4/2021 đến nay), Kiên Giang ghi nhận tổng số 3.034 ca nhiễm Covid-19; 25 ca tử vong. Riêng 7 ngày qua, tỉnh ghi nhận 1.217 ca nhiễm, trong đó 776 tại cộng đồng. Số ca nhiễm tuần vừa qua tăng 559 ca so với tuần trước đó.

Tiền Giang đến nay ghi nhận tổng số 12.205 ca nhiễm Covid-19; 299 ca tử vong; từ 29/6, trung bình có 190 ca mỗi ngày. Trong 7 ngày qua, tỉnh ghi nhận 1.139 ca nhiễm Covid-19, trong đó 138 ca tại cộng đồng.

Viết Tuân