Thế khó của Côn Đảo khi mở rộng đường bay

Côn Đảo đón cơ hội chưa từng có với 3 đường bay thẳng mới của Bamboo Airways, song bài toán hạ tầng du lịch cũng như việc bảo tồn trong dài hạn là vấn đề đặt ra.

Thông tin Bamboo Airways mở 3 đường bay kết nối Hà Nội, Hải Phòng, Vinh (Nghệ An) đến Côn Đảo thu hút giới chuyên gia và cộng đồng yêu du lịch. Lần đầu tiên có đường bay thẳng kết nối Vinh, Hải Phòng với Côn Đảo, và lần đầu tiên hàng không Việt Nam khai thác tàu bay của Embraer, nhà sản xuất máy bay dân dụng lớn thứ ba thế giới sau Boeing và Airbus.

Chia sẻ toạ đàm “Bay thẳng tới Côn Đảo: Trải nghiệm thiên đường du lịch mới” tại FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa, ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết, với đặc thù hạ tầng tại Côn Đảo, hãng này phải nghiên cứu nhiều loại tàu bay trước khi triển khai đường bay mới.

“Trước đó, hãng khảo sát loại máy bay A319 của Airbus để tìm cách hạ cánh tại Côn Đảo. Nhưng sau khi làm việc với Airbus và Cục Hàng không, chúng tôi tính toán thêm thì kết luận là phải kéo dài đường bay của sân bay. Chúng tôi bị tắc lại”, ông Thắng nhớ lại. Từ kinh nghiệm bay quốc tế, ông Thắng cùng cộng sự nhận thấy sự phù hợp của dòng máy bay Embraer và triển khai sau khi có sự chấp thuận của Cục Hàng không.

Ông Võ Huy Cường – Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trước nhu cầu tới Côn Đảo ngày càng lớn, Cục Hàng không ủng hộ tất cả các hãng nghiên cứu và khai thác phù hợp với điều kiện thực tiễn tại cảng hàng không Côn Đảo. Vị này cũng chia sẻ, tàu bay của một số hãng trước đây từng bị loại do không đáp ứng được nhu cầu an toàn và duy trì hiệu quả kinh tế, đồng thời đánh giá cao quá trình nghiên cứu, tính toán tàu bay của Bamboo Airways.

Ông Võ Huy Cường tại sự kiện.

Ông Võ Huy Cường – Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam. Ảnh: Cao Tuấn.

Trả lời câu hỏi tại sao không kéo dài đường băng của sân bay Côn Đảo, theo ông Cường, là vì vấn để bảo tồn vẻ hoang sơ và ý nghĩa lịch sử của Côn Đảo cho nhiều thế hệ. “Để đi lại thuận lợi là tốt, nhưng sân bay cắt ngang một khoảng của đảo, nối liền hai vịnh. Về lâu dài, chúng ta không đảm bảo Côn Đảo còn là Côn Đảo khi kéo dài đường cất/hạ cánh”, ông nói.

Cũng theo đại diện Cục Hàng không, ngoài đáp ứng phương án di chuyển cho người dân và du khách, địa phương còn phải trăn trở về cơ sở hạ tầng du lịch, các cơ quan môi trường cần phải đánh giá tác động môi trường khi kéo dài đường băng.

Về vấn đề đầu tư đèn khai thác ban đêm, ông Cường cho biết, sân bay Côn Đảo nằm ngoài đảo, dù rất mong muốn trang bị đèn đêm nhưng gặp khó khăn, do điều kiện thời tiết, môi trường không cho phép khai thác.

Cùng quan tâm đến vấn đề bảo tồn tự nhiên của Côn Đảo, ông Đinh Ngọc Đức – Vụ trưởng Vụ thị trường du lịch, Tổng cục du lịch Việt Nam cũng khẳng định, Côn Đảo không nên đón khách bằng mọi giá.

Vị này trích dẫn, CNN năm 2017 đã bình chọn Côn Đảo là một trong 12 đảo yên bình nhất châu Á. “Chữ yên bình rất đặc biệt”, vị này nói. “Bởi đây là di tích lịch sử quốc gia quan trọng. Nếu không giữ gìn vài năm nữa thì sẽ không ai tìm đến. Côn Đảo không phải là điểm đến lớn nên tính đến sức chứa, đường bay… cần cơ quan quản lý nhà nước cần có quy hoạch cụ thể”.

“Tôi mong muốn phát triển Côn Đảo bền vững, thu hút nhiều khách đến nhưng không nên đón bằng mọi giá, cần một số lượng đảm bảo”, Vụ trưởng Vụ thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam nhấn mạnh.

Ông Đinh Ngọc Đức.

Ông Đinh Ngọc Đức – Vụ trưởng Vụ thị trường du lịch, Tổng cục du lịch Việt Nam. Ảnh: Cao Tuấn.

Chia sẻ về quan điểm của FLC và Bamboo Airways khi đầu tư vào Côn Đảo, ông Đặng Tất Thắng cho biết, hãng chủ trương phát triển du lịch phải đi liền với bảo vệ môi trường, thiên nhiên, cụ thể hóa bằng các hoạt động hướng tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững trong quá trình khai thác.

Đơn cử, hai tàu bay tới Côn Đảo được hãng hàng không Việt đặt tên là Con Dao National Park và Con Son Island, ký hoạ rùa biển với dòng chữ “Hãy cứu rùa biển” cho thấy thông điệp, cam kết rõ ràng về giữ gìn vẻ đẹp hoang sơ của tự nhiên.

Ngoài ra, với mỗi vé, Bamboo Airways trích từ 10.000 đến 20.000 đóng góp quỹ bảo tồn rùa biển Côn Đảo. Hãng cũng tổ chức các chuyến bay tới Côn Đảo cho cựu chiến binh, thân nhân các liệt sỹ đã ngã xuống tại Côn Đảo.

Phong Vân

Nguồn