Thành phố đủ năng lực tiêm vaccine quy mô lớn

[ad_1]

Hà Nội đủ năng lực để tiếp nhận, bảo quản và “thực hiện chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn trong thời gian ngắn ngay khi được Bộ Y tế phân bổ vaccine”.

Ngày 21/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết mục tiêu trước mắt của thành phố là xây dựng phương án sẵn sàng triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, bảo đảm năng lực 200.000 mũi tiêm mỗi ngày.

Theo đó, thành phố cần ít nhất 1.000 dây chuyền tiêm. Để dự phòng trong trường hợp có dây chuyền tiêm chủng không hoạt động được, Hà Nội phải chuẩn bị 1.200 dây chuyền. Hiện tại, thành phố bố trí được 704 dây chuyền tiêm, nên cần bổ sung thêm 496 dây chuyền tiêm mới.

“Ngành Y tế Hà Nội khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, vật tư y tế, con người để thiết lập đủ số dây chuyền tiêm còn lại”, ông Chu Ngọc Anh nói và yêu cầu 1.200 dây chuyền phải thật đồng bộ, đạt tiêu chuẩn.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh tại buổi làm việc về công tác phòng, chống dịch Covid 19 tại công ty Sei (KCN Thăng Long, Đông Anh) ngày 15/7. Ảnh: Ngọc Thành.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh tại buổi làm việc về công tác phòng, chống dịch Covid 19 tại công ty Sei (KCN Thăng Long, Đông Anh) ngày 15/7. Ảnh: Ngọc Thành.

Ngoài ra, ông Chu Ngọc Anh giao Sở Y tế Hà Nội rà soát ngay điều kiện tiếp nhận, bảo quản vaccine phòng Covid-19 với số lượng lớn (từ một triệu liều trở lên).

Hiện tại, khả năng tiếp nhận tối đa của thành phố trong cùng một thời điểm khoảng 1,3 triệu liều vaccine theo quy cách đóng gói của Astra Zeneca. Do đó Sở Y tế thành phố phải tính toán năng lực tiếp nhận tương ứng với các chủng loại vaccine khác nhau; bao gồm cả những vaccine đòi hỏi điều kiện bảo quản phức tạp như Pfizer (bảo quản nhiệt độ -740C). Thành phố sẽ huy động 100 tổ cấp cứu cơ động để thực hiện nhiệm vụ tiêm vaccine.

Chủ tịch Hà Nội đề nghị minh bạch mọi thông tin về chiến dịch tiêm chủng; nêu rõ quan điểm mọi người đều bình đẳng về quyền lợi; vận động tất cả những ai đủ điều kiện về sức khoẻ và độ tuổi đi tiêm khi thành phố được phân bổ đủ lượng vaccine. “Trong trường hợp lượng vaccine phân phối có hạn, thành phố sẽ tiến hành tiêm chủng theo thứ tự ưu tiên đã được Trung ương hướng dẫn”, ông nói.

Nhấn mạnh yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra tình trạng mất trật tự, không bảo đảm an toàn phòng dịch tại các điểm tiêm chủng, ông Chu Ngọc Anh yêu cầu các cơ quan phân bố lượng người đến tiêm vaccine theo khung giờ, theo ngày một cách phù hợp; đồng thời duy trì trật tự, an ninh trong quá trình tổ chức tiêm phòng.

Theo Giám đốc Sở y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, người dân có thể đăng ký tiêm chủng vaccine Covid-19 theo hai cách. Một là, đăng ký bản giấy tại xã, phường, thị trấn, sau đó cán bộ sẽ nhập các dữ liệu lên “Sổ sức khỏe điện tử”. Hai là, đăng ký online (trực tuyến) trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 hoặc tải ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” cho điện thoại dùng hệ điều hành Android và iOS. Sau khi xác thực thông tin trên phần mềm, người dân sẽ thấy thông tin về hướng dẫn đăng ký tiêm vaccine.

Nhà chức trách sẽ căn cứ vào phiếu đăng ký đó để sàng lọc, phân loại, xem ai tiêm ở đâu, có người tiêm ở các điểm thông thường, có người phải tiêm ở bệnh viện (dựa theo tình hình sức khỏe).

Nhân viên y tế tại Hà Nội tiêm vaccine AstraZeneca, ngày 8/3. Ảnh:Giang Huy.

Nhân viên y tế tại Hà Nội tiêm vaccine AstraZeneca, ngày 8/3. Ảnh: Giang Huy.

Theo quy định, vaccine phòng Covid-19 chỉ tiêm cho người 18-65 tuổi. Tuy nhiên, bà Hà nói người trên 65 tuổi vẫn nên đăng ký tiêm chủng. Những trường hợp này khi đăng ký cần điền thông tin cụ thể vào cột (trên 65 tuổi) trong phiếu.

Căn cứ vào tình hình sức khỏe của những người trên 65 tuổi, ngành y tế sẽ quyết định việc họ được tiêm hay không. Nếu người trên 65 tuổi sau khi được khám lâm sàng mà sức khỏe hoàn toàn bình thường thì có thể chỉ định tiêm ở bệnh viện.

Cơ quan chức năng sẽ gọi điện, nhắn tin mời từng người đến tiêm chủng. “Chẳng hạn trong một buổi sáng tiêm cho khoảng 100 người thì từng đó người sẽ được gọi. Sau đó, người dân đến tiêm theo thứ tự, đúng khung giờ, không thể nhận được tin nhắn buổi sáng nhưng đến chiều mới ra tiêm”, bà Hà cho biết.

Hà Nội có gần 5,1 triệu người cần tiêm chủng (trên tổng số trên 8,2 triệu người). Từ đầu tháng 7, thành phố bắt đầu phát phiếu đăng ký, trong đó khảo sát độ tuổi, bệnh lý nền của người dân. Dựa trên dữ liệu người dân cung cấp, loại vaccine được phân bổ, cán bộ y tế sẽ mời mọi người đi tiêm.

Chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 lớn nhất trong lịch sử của Hà Nội dự kiến kéo dài hơn 9 tháng, từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022.

Thống kê của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid 19 thành phố Hà Nội, tính đến ngày 20/7, đã tiêm được trên 210.000 mũi cho trên 200.000 người, chủ yếu là lực lượng tuyến đầu, công nhân và nhóm ưu tiên khác.

Võ Hải

[ad_2]