Vòng đào tạo bootcamp là một trong những hoạt động quan trọng của Startup Việt từng năm nhằm trang bị kỹ năng, thông tin thị trường cho nhà quản lý công ty khởi nghiệp. Năm ngoái, các startup tham gia Startup Việt 2019 đánh giá cao vì những nội dung đào tạo hữu ích từ nhiều chuyên gia về cách thức tăng trưởng và kỹ năng tiến ra thị trường khu vực.
Năm nay, ban tổ chức chương trình vẫn duy trì và đầu tư thiết kế nội dung cho hoạt động này nhưng chuyển đổi hình thức sang online do ảnh hưởng của Covid-19. Theo đó, Startup Việt 2020 quay các video hướng dẫn đào tạo và gửi đến top 50 đội dự thi vào ngày 2/10. Từ những kiến thức, kinh nghiệm của các video này, startup tự xây dựng, hoàn thiện bài thuyết trình gọi vốn để trình bày trước hội đồng giám khảo vào ngày 5-6/10 tại Hà Nội và TP HCM.
Nội dung đào tạo đầu tiên xoay quanh phiên thảo luận với chủ đề “Các chiến lược gọi vốn và những vấn đề pháp lý cần lưu ý khi gọi vốn”. Ảnh: Startup Việt 2020. |
Nội dung đào tạo do ban tổ chức Startup Việt 2020 phối hợp đối tác chuyên môn ThinkZone – một hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp cùng xây dựng. Nội dung huấn luyện gồm bốn phần nhằm trang bị kỹ năng quan trọng để gọi vốn, thuyết phục nhà đầu tư. Phần một là phiên thảo luận mang chủ đề “Các chiến lược gọi vốn và những vấn đề pháp lý cần lưu ý khi gọi vốn”. Tham gia phiên thảo luận là các chuyên gia luật, nhà sáng lập startup nhiều kinh nghiệm, gồm ông Lê Văn Dương – Luật sư thành viên Indochine Counsel, bà Nguyễn Hoàng Minh Thủy – Giám đốc tài chính của Beta Corporation và bà Chu Dương Hải Anh – Đồng sáng lập của SpaceShare. Tại phiên thảo luận này, các chuyên gia chia sẻ quan điểm về thời điểm thích hợp để gọi vốn, cách phân phối thời gian cho hoạt động này và các vấn đề pháp lý cần chuẩn bị khi huy động vốn.
“Kiểm chứng sản phẩm – thị trường và các cơ hội thị trường” là nội dung đào tạo thứ hai của vòng bootcamp. Nội dung này do bà Catalina Catana – Giám đốc Chương trình ThinkZone Accelerator xây dựng và trình bày nhằm hướng dẫn startup cách thức thuyết phục nhà đầu tư về sự phù hợp của mô hình sản phẩm với một tệp khách hàng nhất định. Trong phần trình bày này, bà Catalina Catana chỉ ra các lỗi thường gặp của các startup khi thuyết phục nhà đầu tư về mô hình sản phẩm của mình.
Bà Catalina Catana – Giám đốc Chương trình ThinkZone Accelerator chia sẻ về cách thức kiểm chứng sản phẩm – thị trường. Ảnh: Startup Việt 2020. |
Nội dung đào tạo thứ ba đề cập đến “10 slide quan trọng nhất trong bài thuyết trình gọi vốn” do ông Hoàng Đức Minh – Cố vấn cao cấp của ThinkZone Ventures chia sẻ. Theo đó, ông Đức Minh sẽ gợi ý 10 slide cần có khi startup thuyết trình gọi vốn và cách trình bày các slide này xúc tích, hiệu quả.
Ông Hoàng Đức Minh, Cố vấn cao cấp của ThinkZone Ventures chia sẻ về những nội dung quan trọng cần trình bày trong bài thuyết trình. Ảnh: Startup Việt 2020. |
Cuối cùng, để hoàn thành bài thuyết trình, Startup Việt 2020 chia sẻ với top 20 về hình thức của một bài thuyết trình qua “Cách thiết kế một pitch – deck” do ông Nguyễn Thành Phương – Giám đốc Sáng tạo Raconteu hướng dẫn. Thông qua phân tích bài trình bày cụ thể của Uber, ông Thành Phương rút ra các quy tắc hữu ích khi thiết kế bài thuyết trình.
Nội dung đào tạo “Cách thiết kế một pitch – deck” do ông Nguyễn Thành Phương – Giám đốc Sáng tạo Raconteu hướng dẫn. Ảnh: Startup Việt 2020. |
Phản hồi về thông tin đào tạo trực tuyến, đại diện một số startup đánh giá cao hình thức này và kỳ vọng các nội dung của bootcamp cung cấp nhiều thông tin hữu ích để startup tự tin thuyết trình và gặp gỡ nhà đầu tư tại các vòng thi tiếp theo của Startup Việt 2020.
“Việc tổ chức hoạt động huấn luyện trực tuyến sẽ giúp startup chủ động hơn trong việc tiếp nhận thông tin và tiết kiệm thời gian di chuyển, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số. Các startup cũng có thể lưu trữ video hướng dẫn để sử dụng lâu dài, không chỉ trong cuộc thi”, ông Hoài Lương, nhà sáng lập startup Move – Người vận chuyển tận tâm nhận xét.
Theo ban tổ chức chương trình, việc tổ chức huấn luyện online phù hợp với chủ đề cuộc thi “The New Normal – Thời đại bình thường mới” và là một phép thử về tính hiệu quả của việc chuyển đổi số. Năm nay, với chủ đề mới, Startup Việt 2020 mong muốn đồng hành, hỗ trợ thiết thực cho cộng đồng khởi nghiệp Việt trong việc tái khởi động tìm ra hướng đi mới sau cơn khủng hoảng toàn cầu do Covid-19.
Top 50 startup Việt sẽ vận dụng các kiến thức đã học từ vòng bootcamp để hoàn thiện bài trình bày và thuyết trình trước hội đồng chuyên môn tại Hà Nội và TP HCM vào ngày 5-6/10. Dựa vào phần thuyết trình này, ban giám khảo sẽ chọn ra 15 startup xuất sắc nhất tham gia Summit Startup Việt 2020 dự kiến diễn ra vào tháng 12.
Tại vòng sơ loại, Startup Việt 2020 nhận 400 hồ sơ dự thi ở nhiều lĩnh vực như công nghệ, thương mại điện tử, công nghệ giáo dục…
Thanh Thảo
Lộ trình chi tiết vòng Bootcamp và vòng Pitching chọn Top 15:
– 1/10: BTC gửi đường link công chiếu Video đào tạo đến top 50 và gửi thông tin về thời gian, địa điểm Pitching cụ thể cho từng startup.
– 2/10: BTC công chiếu video training trên đường link đã gửi.
– 4/10: Top 50 Startup hoàn thiện bài thuyết trình (pitch deck) dưới dạng Powerpoint và gửi về BTC trước 12h.
– 5-6/10/2020: Startup tham gia ghi hình phần thuyết trình tại văn phòng Tòa soạn báo VnExpress tại TP HCM và Hà Nội để chọn ra top 15 startup vào vòng tiếp theo.