Quảng Ninh muốn khai thác ‘núi than thải’ làm vật liệu san lấp

[ad_1]

Những quả núi đất đá thải ra từ hoạt động khai thác than lộ thiên ở Quảng Ninh có thể được sử dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng các dự án hạ tầng, đô thị.

Hàng năm loạt mỏ than trên địa bàn Quảng Ninh đổ ra các bãi thải khoảng 150 triệu m3 đất đá, chiếm dụng hàng nghìn ha đất ở TP Hạ Long, Cẩm Phả…

“Để khai thác được một tấn than cần phải bóc đi lượng đất đá xung quanh vỉa than chưa sử dụng tại thời điểm đó và lưu trữ ở khu vực gần mỏ thường gọi là bãi thải”, một cán bộ trong ngành môi trường nói và cho hay hoạt động khai thác than tại Quảng Ninh đã có từ thời Pháp thuộc, theo thời gian, khối lượng đất đá tại các bãi thải là rất lớn, có những bãi chứa vài chục triệu m3 đất đá.

Đất đá từ bãi thải mỏ than lộ thiên. Ảnh: Minh Cương

Đất đá từ bãi thải mỏ than lộ thiên. Ảnh: Minh Cương

Nhiều núi than thải nằm cạnh khu dân cư gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, trôi lấp đất đá vào đường sá, cầu cống, khu dân cư xung quanh, nhất là mùa mưa bão. Đơn cử, trận mưa bão năm 2015 tại Quảng Ninh đã xảy ra tình trạng sạt lở bãi thải mỏ than Cọc Sáu, trôi đất đá lấp nhà cửa, đất đai của người dân sống ở khu vực xung quanh.

Trong khi những núi than thải nằm phơi mưa nắng, hiện nay nhu cầu sử dụng đất đá để san lấp mặt bằng các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh hàng năm rất lớn, bình quân khoảng 130 triệu m3 mỗi năm.

Vì vậy, theo ông Cao Tường Huy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, tỉnh đã xây dựng phương án sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng các dự án, công trình trên địa bàn (giai đoạn 2021-2025).

Chủ trương này có từ đầu năm 2021 song chưa thể triển khai do gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: Các bãi thải đất đá mỏ than chủ yếu tập trung tại TP Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, thị xã Đông Triều và thường cách xa các dự án, công trình xây dựng có nhu cầu vật liệu san lấp mặt bằng. Tuyến vận chuyển có thể cắt qua khu dân cư, đô thị nên phải có giải pháp vận chuyển phù hợp để đảm bảo giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Lãnh đạo Quảng Ninh cũng cho hay giá thành của đất, đá thải được Tập đoàn Công nghiệp than – Khoáng sản Việt Nam xây dựng rất cao, nên các nhà đầu tư hay nhà thầu không thể mua được.

“Tỉnh đang chỉ đạo phải hạ thấp giá thành xuống và dùng các công nghệ hiện đại như băng tải, băng chuyền để bốc xúc xuống tàu vận chuyện bằng đường thủy, hạn chế vận chuyển bằng ôtô”, ông Cao Tường Huy nói.

Những núi thải than nằm cạnh khu dân cư ở TP Cẩm Phả. Ảnh: Minh Cương

Những núi thải than nằm cạnh khu dân cư ở TP Cẩm Phả. Ảnh: Minh Cương

Một vấn đề khác là quá trình khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng sẽ làm thay đổi nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường của các dự án khai thác than đã được phê duyệt.

Do đó, cơ quan quản lý cần có cơ chế để tạo điều kiện thuận lợi cho ngành than trong việc phê duyệt điều chỉnh các báo cáo liên quan nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng.

Ngoài ra, đất đá tại các bãi thải của mỏ than đang hoạt động là khoáng sản đi kèm, để sử dụng san lấp mặt bằng các dự án phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. “Tỉnh Quảng Ninh đang đề nghị Bộ ủy quyền cho tỉnh cấp phép. Nếu Bộ cấp phép phải xuống kiểm tra nên mất nhiều thời gian, để tỉnh làm việc này sẽ nhanh hơn”, ông Cao Tường Huy nói.

Ở góc độ đơn vị khai thác than, ông Nguyễn Văn Sinh, Phó giám đốc Công ty cổ phần than Cao Sơn, cho biết mỗi năm công ty đổ ra bãi thải từ 35 đến 37 triệu m3 đất, đá; ảnh hưởng đến xã Dương Huy và phường Mông Dương, TP Cẩm Phả.

“Nếu đất, đá từ bãi thải được sử dụng để san lấp mặt bằng các công trình thì quá tốt cho các công ty có mỏ lộ thiên. Khi đất đá được chuyển đi, chúng tôi tiếp tục có không gian đổ thải”, ông Sinh nói.

Một núi bãi thải than ở TP Cẩm Phả. Ảnh: Minh Cương

Một núi bãi thải than ở TP Cẩm Phả. Ảnh: Minh Cương

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Địa chất và Khoáng sản, cho hay thành phần có trong đất đá thải các mỏ than vùng Quảng Ninh chủ yếu là khoáng vật, khoáng chất sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường. Do đó, đề nghị của UBND Quảng Ninh sử dụng nguồn đất đá thải mỏ để làm vật liệu san lấp là hợp lý.

“Phương án của tỉnh Quảng Ninh sẽ góp phần sử dụng hiệu quả khoáng sản trong quá trình khai thác các mỏ than; giảm áp lực tác động tới môi trường, giảm diện tích đất phải sử dụng làm bãi thải ngoài, nhất là các mỏ than lộ thiên”, ông Thanh nói.

Theo ông, đề xuất trên cũng phù hợp với xu thế của nền “kinh tế tuần hoàn”, giảm phát thải vào môi trường từ khai thác than; tạo việc làm, tăng thu ngân địa phương, tháo gỡ khó khăn về nhu cầu vật liệu san lấp…

Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng đất đá thải các mỏ than và vận chuyển ra khỏi mỏ để làm vật liệu san lấp sẽ có những tác động tiêu cực, như: Tăng lượng bụi vào không khí do gia tăng khối lượng vận chuyển bằng ôtô; việc sử dụng đất đá thải mỏ than làm vật liệu san lấp có những yếu tố nhạy cảm về ô nhiễm môi trường nước, đặc biệt là các vùng biển có liên quan trực tiếp với dự án san lấp (dự án lấn biển, đường bao biển)…

Ông Lại Hồng Thanh cũng cho hay, phương án của tỉnh Quảng Ninh đề xuất sử dụng, vận chuyển đất đá thải mỏ của tất cả các mỏ than trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích các bãi thải hơn 3.000 ha, vận chuyển hàng trăm triệu m3 đất đá mỗi năm.

Để giải quyết đề nghị của Quảng Ninh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi lấy ý kiến một số bộ như Tư pháp, Công Thương, Tài chính.

“Trên cơ sở ý kiến các Bộ, ngành Tài nguyên đang rà soát, đánh giá tổng thể tác động, nghiên cứu cơ sở pháp lý khi ủy quyền cho UBND tỉnh Quảng Ninh”, ông Thanh nói.

Minh Cương