Phát hành trái phiếu ra công chúng phải được xếp hạng tín nhiệm
Dũng Nguyễn
(TBKTSG Online) – Theo quy định mới đang được soạn thảo, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực nhất định muốn phát hành trái phiếu ra công chúng thì phải được xếp hạng tín nhiệm. Bộ tài chính cũng đặt kỳ vọng xây dựng lộ trình hai năm để hình thành “văn hóa” xếp hạng tín nhiệm của thị trường nói chung.
Tại cuộc hội thảo phát triển hoạt động xếp hạng tín nhiệm do Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Bộ tài chính phối hợp tổ chức ngày 16-11, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính, cho biết cơ quan này đang trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định cụ thể về trường hợp doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu ra công chúng phải xếp hạng tín nhiệm và lộ trình thực hiện.
Đây là Nghị định hướng dẫn cho Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, tức đầu năm sau. Trong Luật chứng khoán mới có nhắc đến (nhưng chưa rõ ràng) điều kiện để chào bán trái phiếu ra công chúng là: “có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với tổ chức phát hành trái phiếu theo quy định của Chính phủ về các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm và thời điểm áp dụng”.
Trước đó, Nghị định 88/2014 của Chính phủ đã quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm là điều kiện tiền đề cho việc hình thành thị trường xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam. Năm 2015, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 507 về quy hoạch dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Đại diện Bộ Tài chính đặt kỳ vọng các quy định này sẽ tạo “cầu” sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, từng bước hình thành “văn hóa xếp hạng tín nhiệm” đối với cả trái phiếu phát hành riêng lẻ và trái phiếu phát hành ra công chúng không thuộc trường hợp bắt buộc phải xếp hạng tín nhiệm.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính. Ảnh: V.D. |
Lộ trình xây dựng “văn hóa xếp hạng tín nhiệm”
Xếp hạng tín nhiệm là câu chuyện phổ biến ở nhiều thị trường khác. Tại khu vực khu vực ASEAN, các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia đều đã có doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm trong nước.
Đại diện S&P định nghĩa xếp hạng tín nhiệm là đưa ra đánh giá về mức độ uy tín trong tương lai của đơn vị phát hành về khả năng trả nợ đúng thời hạn và điều kiện. Do đó, xếp hạng tín nhiệm có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thêm góc nhìn cho nhà đầu tư, đồng thời còn giúp cho tăng lượng vốn đổ vào thị trường, giảm chi phí vốn cho nhà phát hành. Tuy nhiên, xếp hạng tín nhiệm cũng chỉ là một trong những thông tin đầu vào để đưa ra quyết định đầu tư. |
Theo ông Matthew Batrouney, Giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của S&P Global Rating, các quốc gia ở châu Á hiện nay ở giai đoạn phát triển trái phiếu khác nhau về cơ sở thị trường và cả pháp lý. Với thị trường Việt Nam, dù quy mô thị trường trái phiếu so với GDP cao hơn so với Philippines và Indonesia, nhưng vẫn thiếu một yếu tố cơ bản là các tổ chức xếp hạng tín nhiệm mạnh.
Tại thị trường Việt Nam, cho đến nay, Bộ Tài chính đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho hai doanh nghiệp, tuy nhiên hoạt động vẫn còn hạn chế.
“Hoạt động cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm vẫn còn rất hạn chế do pháp luật hiện hành chưa có quy định về bắt buộc sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm khi phát hành trái phiếu ra thị trường, nhà đầu tư cũng chưa có thói quen lựa chọn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm”, ông Dương đánh giá.
Ở góc độ là nhà tư vấn phát hành cho các doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán kỹ thương (TCBS), cho rằng để xây dựng “văn hóa xếp hạng” thì cần phải thực sự cho doanh nghiệp thấy được giá trị gia tăng trong câu chuyện xếp hạng tín nhiệm.
“Chúng ta cần có khoảng thời gian chuẩn bị cho thị trường, về khung pháp lý, người xếp hạng và cả doanh nghiệp, không phải là bắt doanh nghiệp làm ngay mà chưa thấy được giá trị ở đâu”, bà Hiền nhìn nhận về lộ trình xây dựng thói quen và nhu cầu sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm vốn phổ biến ở các thị trường trên thế giới.
Quan điểm của đại diện Bộ Tài chính cũng tỏ ra tương đồng khi cho biết thị trường cũng cần một khoảng thời gian để có thể hấp thụ. Theo ông Dương, dự thảo chứng khoán có hai năm để thị trường chuẩn bị và Bộ sẽ lựa chọn tổ chức nào có thể xếp hạng tín nhiệm tốt. Theo quy hoạch sẽ có tối đa năm tổ chức xếp hạng tín nhiệm, có thể bao gồm cả công ty nội và ngoại.
Theo báo cáo của ADB, ngoài những quy định bắt buộc về luật, để xây dựng văn hóa xếp hạng tín nhiệm thì cả phía cơ quan quản lý, các công ty xếp hạng tín nhiệm nội địa và các cổ đông cần quan tâm đến các yếu tố khác như cần có hình mẫu xếp hạng tín nhiệm của các công ty nhà nước hay điều kiện giáo dục thị trường. “Các nhà phát hành và nhà đầu tư hiểu được các lợi ích càng nhiều thì thị trường càng nhanh chóng chuyển đổi”, báo cáo nhận định.