Nhóm làm biển quảng cáo của chàng trai câm

[ad_1]

Quảng NgãiKhông thể nghe, nói, Lương Lê Thăng, 34 tuổi, cùng nhóm bạn trao đổi ý tưởng thiết kế, quảng cáo với khách hàng qua giấy và tin nhắn.

Đầu tháng 12, Quảng Ngãi mưa tầm tã. Từ xưởng thi công biển hiệu, pano trong con hẻm bên quốc lộ 24B, xã Tịnh Ấn Tây, TP Quảng Ngãi, Thăng cùng cha là ông Lương Xuân và hai thanh niên khác khiêng biển quảng cáo lên xe tải. Ôtô vượt 80 km trong tiết trời xám xịt, chỉ có tài xế và ông Xuân ngồi ở cabin trước. Nhóm thanh niên mặc áo mưa, chạy xe máy theo sau.

Lương Lê Thăng khoan tường để lắp biển quảng cáo một cửa hàng OCOP. Ảnh: Phạm Linh

Lương Lê Thăng khoan tường để lắp biển quảng cáo một cửa hàng OCOP. Ảnh: Phạm Linh

Tới cửa hàng ở thị xã Đức Phổ, ông Xuân làm việc với chủ cửa hàng, nói con trai và 2 thanh niên đi cùng đều bị khiếm thính khiến một số người hơi bất ngờ. Vừa lúc Thăng cùng nhóm bạn tới. Mọi người khiêng thang, máy khoan, biển quảng cáo xuống. Không khí thi công lúc đầu hơi căng thẳng bởi nhóm vừa đi quãng đường dài. Để lắp biển ở độ cao 4 m, Thăng cùng nhóm bạn chia việc. Người ở dưới đỡ giàn giáo, người ở trên cầm máy khoan lỗ, bắt ốc vít…

32 năm trước, Thăng khi đó 2 tuổi, lên cơn sốt nặng. Nhiều năm sau đó, mẹ cậu – bà Kim Lan, bồng con đi khắp nơi từ Bắc chí Nam để chữa trị, nhưng không có kết quả. Thăng không thể nghe, nói dù trước đó đã “bập bẹ gọi ba má”.

Thấy con thích học chữ, tỉnh chưa có trường dạy trẻ khuyết tật, bà Lan xin cho con trai vào trường tiểu học ở địa phương. Việc bắt nhịp của Thăng trễ hơn bạn cùng lớp, bà Lan vừa làm mẹ vừa là cô giáo dạy kèm. Bởi không ai hiểu con bằng mẹ, ngôn ngữ của tình máu mủ dần giúp Thăng hiểu và viết được chữ, “nói chuyện” với cha mẹ qua những mảnh giấy. Miệt mài 5 năm, cuối cùng Thăng cũng “tốt nghiệp cấp một”.

Chương trình học mỗi ngày một khó, lên cấp hai, bà Lan gửi con vào làng Hy vọng – trường dành cho trẻ khuyết tật ở TP Đà Nẵng, cách nhà hơn 120 km. Ngoài dạy chữ, trường còn hướng trẻ vào các môn năng khiếu, nghệ thuật… Tại đây Thăng phát hiện mình có năng khiếu vẽ, ngày càng đam mê. Cậu từng đạt giải nhất cuộc thi vẽ tranh dành cho trẻ em do Đà Nẵng tổ chức năm 2003.

Từ vẽ tranh, Thăng định hướng học thiết kế đồ họa. Sau khi tốt nghiệp ở trường Hy vọng, cậu học nhiều lớp thiết kế bằng phần mềm photoshop và corel. Năm 2008, Thăng về quê. Với khả năng thiết kế, anh xin việc công ty quảng cáo. Thời gian này, anh thành lập nhóm thanh niên câm điếc Quảng Ngãi với 12 thành viên ban đầu. Nhiều người chưa học ngôn ngữ kí hiệu được Thăng dạy để giao tiếp.

Khôi, Quang, Thăng, Hòa...trong xưởng thi công biển quảng cáo. Ảnh: Phạm Linh

Khôi, Quang, Thăng, Hòa… trong xưởng thi công biển quảng cáo. Ảnh: Phạm Linh

Năm 25 tuổi, sau hơn 5 năm làm nghề, Thăng viết ra giấy cho cha mẹ mong ước “con muốn thành lập công ty riêng”. Dự định táo bạo của người con trai khiến vợ chồng ông Xuân bất ngờ. Họ đắn đo, nhưng rồi cũng quyết tâm ủng hộ, cho anh thêm một số vốn khởi nghiệp.

Đó không chỉ ước muốn, mà còn là kế hoạch Thăng chuẩn bị từ lâu, nhằm tạo việc làm cho mình và những người cùng hoàn cảnh. Ông Xuân từ “nhà đầu tư” trở thành “nhân viên chủ lực” của công ty, với vai trò giám sát và kiêm luôn “quan hệ công chúng”. “Trước đây tôi đâu có biết quảng cáo là gì nhưng vì con mà phải học thêm nghề mới”, ông Xuân nói.

Sau hơn 9 năm thành lập, công ty của Thăng đã thiết kế và thi công hạng mục biển quảng cáo cũng như sơn, vẽ tranh… cho hàng trăm cửa hàng, công ty, trường học. Nghị lực của nhóm khiến nhiều người cảm phục, ủng hộ nhưng quan trọng là chất lượng thiết kế, thi công không thua các công ty khác.

Đến nay, công ty có bốn người làm chính, đều bị khiếm thính. Ngoài Thăng và Hòa – vợ anh, còn hai người bạn là Nguyễn Anh Khôi và Anh Quang. Hòa, quê Quảng Nam, yêu Thăng khi cả hai cùng học chung ở làng Hy vọng rồi cưới nhau, đến nay có hai con nhỏ. Chị là thư ký cho công ty, giúp chồng trang trí biển hiệu.

Khôi quen Thăng năm 2008 khi nhóm thanh niên câm điếc được thành lập. Ban đầu, Khôi làm việc chậm, được Thăng giúp đỡ tiến bộ dần. “Làm cùng Thăng mấy năm mình có thu nhập, đã cưới vợ sinh con”, Khôi viết vào Google Docs. Hiện Khôi và Quang đảm nhiệm chính việc thi công của công ty.

Mỗi người một thế mạnh, nhưng quan trọng nhất là nhóm bảo bọc nhau. Vừa qua, nhà một người trong nhóm ở tại khu phong tỏa vì Covid-19, những người còn lại đi làm một ngày 300.000 đồng, để lại 50.000 đồng ủng hộ. Hòa viết ra giấy, bảo cả nhóm đều không nói được thì cãi nhau cũng không thành lời, chỉ làm điệu bộ giận một hồi rồi thôi.

Một cửa hàng OCOP do nhóm Thăng thi công. Ảnh: Phạm Linh

Một cửa hàng do nhóm Thăng thi công. Ảnh: Phạm Linh

Ông Kiều Văn Dũng, Trưởng phòng Thương mại, Sở Công thương Quảng Ngãi, cho biết tháng vừa qua nhóm Thăng thi công biển hiệu cho 3 cửa hàng thuộc chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm giúp thay đổi phương thức sản xuất, bán hàng của vùng nông thôn) của Bộ Công thương.

Theo quy định của Bộ, các biển hiệu phải có logo và bảng màu OCOP nhưng vẫn giữ logo riêng từng cửa hàng. Nhóm của Thăng vừa thiết kế, thi công biển hiệu cho các cửa hàng qua giới thiệu của Sở. Nhiều doanh nghiệp phản hồi chất lượng thiết kế và thi công công ty Thăng rất tốt.

Covid-19 khiến sản xuất, kinh doanh đình trệ, doanh số giảm. Ngoài công việc làm biển quảng cáo, vợ chồng Thăng có quán cà phê nhỏ tại nhà kiếm thêm, nhưng hàng ngày vẫn cố gắng xoay sở công ty để bảo đảm thu nhập nhân viên.

Phạm Linh