Liên hoan phim Việt Nam ‘vượt khó’ thời dịch

[ad_1]

Thừa Thiên – HuếBan tổ chức Liên hoan phim Việt Nam thực hiện lễ bế mạc trang trọng trong bối cảnh dịch bệnh.

Liên hoan phim Việt Nam lần 22 khép lại tối 20/11, sau bốn ngày với các hoạt động trực tiếp và trực tuyến. Lễ bế mạc là điểm sáng của sự kiện, sau ba ngày trầm lắng vì tinh giản các hoạt động, bảo đảm an toàn thời dịch. Chương trình thảm đỏ góp phần “hâm nóng” bầu không khí trước giờ trao giải với các gương mặt nghệ sĩ từ êkíp phim, nhiều người đẹp như Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, Lương Thuỳ Linh, Á hậu Kiều Loan…

Nhà hát Sông Hương – nơi diễn ra sự kiện, đón ít khách mời. Để đảm bảo công tác phòng dịch, khách mời trước lúc vào nhà hát đều phải quét mã QR. Các khách tham dự đều đã được tiêm vaccine trước ngày 3/11 và test nhanh Covid-19 trước 72h. Nghệ sĩ, đoàn làm phim và đại biểu được bố trí ngồi giãn cách.

Theo đạo diễn Hoàng Nhật Nam, buổi trao giải được xây dựng theo tiêu chí tiết kiệm, đơn giản, ấm cúng. Trong hai tiếng, ban tổ chức vinh danh nhiều hạng mục quan trọng, hầu hết đẹp lòng khán giả. Tuy nhiên, điểm trừ của lễ bế mạc là nhiều phim chiến thắng được công bố chóng vánh, trong khi phần giới thiệu đề cử lại dài. Các phần phát biểu trực tiếp từ người thắng giải đều cắt bỏ tối đa phòng dịch.

Trúc Anh (giữa, nữ chính phim Mắt biếc) bên đạo diễn chương trình bế mạc - anh Trịnh Hoài Nam (phải). Ảnh: Võ Thạnh

Trúc Anh (giữa, nữ chính phim “Mắt biếc”) bên đạo diễn chương trình bế mạc – anh Trịnh Hoài Nam (phải). Ảnh: Võ Thạnh

Ở hạng mục phim truyện điện ảnh, các giải Bông Sen Vàng – Mắt biếc (đạo diễn Victor Vũ), Bông Sen Bạc – Bố già (Trấn Thành viết kịch bản, đạo diễn, đóng chính) đều nằm trong dự đoán của giới chuyên môn. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng Mắt biếc tổng hòa hai yếu tố: chất lượng nghệ thuật và thương mại, xứng đáng giải cao nhất. Phim chinh phục người xem bởi câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng, gợi hồi ức tuổi thơ. Bối cảnh Huế thơ mộng, các bài nhạc phim ý nghĩa cũng góp phần tạo thành công cho phim. Tác phẩm đánh dấu lần thứ ba đạo diễn Victor Vũ đoạt Bông Sen Vàng, sau Scandal: Bí mật thảm đỏ (2013) và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015).

Trúc Anh phát biểu nhận giải

Trúc Anh chia sẻ cảm xúc khi phim thắng giải. Video: Võ Thạnh

Ông Nguyễn Vinh Sơn – Chủ tịch Ban giám khảo hạng mục Phim truyện điện ảnh – nói năm nay, những người chấm điểm không phải “so bó đũa chọn cột cờ” để trao giải. Diễn viên Trương Ngọc Ánh – thành viên ban giám khảo – nhận xét ngành điện ảnh bị ảnh hưởng nặng nề vì hai năm dịch bệnh, khiến nhiều phim không thể sản xuất, ra rạp. Tuy nhiên, ban tổ chức đã chọn ra các tác phẩm có chất lượng đồng đều dự sự kiện.

“Nữ chính xuất sắc” trao cho Lê Khanh (Gái già lắm chiêu 5), “Nam chính xuất sắc” thuộc về Tuấn Trần (Bố già). Cả hai đều chinh phục người xem bởi khả năng diễn xuất thần, biến hóa trong dự án họ tham gia.

Giải phim tài liệu, khoa học tôn vinh những tác phẩm bám sát đời sống xã hội và lay động hoặc có sức ảnh hưởng lớn tới người xem, như Ranh giới (Bông Sen Vàng phim tài liệu) – về cuộc chiến chống Covid-19 khốc liệt tại Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM), Điểm mù giao thông (Bông Sen Vàng phim khoa học). Phim hoạt hình gây chú ý với số lượng tác phẩm tham gia nhiều nhất trong bốn thể loại.

Nghệ sĩ Lê Khanh (trái) nhận giải Nữ diễn viên xuất sắc với vai Lý Lệ Hà phim Gái già lắm chiêu 5. Ảnh: Võ Thạnh

Nghệ sĩ Lê Khanh (trái) nhận giải “Nữ diễn viên xuất sắc” với vai Lý Lệ Hà phim “Gái già lắm chiêu 5”. Ảnh: Võ Thạnh

Các sự kiện bên lề của liên hoan phim chưa tạo tiếng vang do gặp khó khăn vì dịch. Ở địa phương đăng cai là Thừa Thiên Huế, các ca nhiễm cộng đồng tăng nhanh đúng thời điểm tổ chức sự kiện, khiến người dân e ngại đi xem phim dù chiếu miễn phí. Nhiều rạp như Cinestar (đường Hai Bà Trưng, phường Vĩnh Ninh), Đông Ba (đường Trần Hưng Đạo) có sức chứa vài trăm người nhưng chỉ lác đác đón vài chục khán giả. Không có chương trình thảm đỏ, lễ khai mạc diễn ra chóng vánh một tiếng với một số tiết mục văn nghệ, phát biểu của đại diện ban tổ chức.

Người dân vào rạp được đo thân nhiệt, quét mã QR. Ảnh:Võ Thạnh

Người dân vào rạp được đo thân nhiệt, quét mã QR. Ảnh:Võ Thạnh

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Thừa Thiên Huế cho biết nhiều chương trình phải hủy bỏ, rút ngắn thời gian. Một số hoạt động như trình diễn áo dài cộng đồng ở bia Quốc Học, đường đi bộ, cầu bán nguyệt bên sông Hương phải hủy. Trong thời gian diễn ra liên hoan phim (18-20/11), hai cuộc triển lãm ảnh và tranh được tổ chức tại khuôn viên Nhà hát sông Hương và Bảo tàng Điềm Phùng Thị.

Rất ít khán giả đến theo dõi các bộ phim trình chiếu. Ảnh:Võ Thạnh

Rất ít khán giả đến theo dõi các bộ phim trình chiếu. Ảnh:Võ Thạnh

Ngoài lễ khai mạc, bế mạc ở Huế, ban tổ chức chiếu phim online trên ứng dụng trực tuyến của Đài truyền hình Việt Nam, chưa có số liệu người xem cụ thể. Tuy nhiên, chủ đề liên hoan phim ít được bàn luận trên mạng xã hội. Ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Điện ảnh Việt Nam – cho biết lường trước các khó khăn khi tổ chức chương trình thời dịch. Mục tiêu hàng đầu là đảm bảo an toàn cho êkíp, các nghệ sĩ, khách mời, đồng thời quảng bá nét đẹp của Huế – địa phương đăng cai.

Liên hoan phim Việt Nam do Cục Điện ảnh cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hai năm một lần. Sự kiện nhằm biểu dương các tác phẩm mang đậm bản sắc dân tộc, giàu tính nhân văn, có dấu ấn sáng tạo, vinh danh nghệ sĩ điện ảnh có thành quả nghệ thuật nổi bật. Sự kiện sẽ diễn ra ở Lâm Đồng trong lần tổ chức tiếp theo.

Hà Thu – Võ Thạnh

[ad_2]