Lãi suất đi vay để mua nhà hiện nay tương đối hấp dẫn. Nhiều ngân hàng tung ra các gói cho vay hấp dẫn với kỳ hạn 9 năm đổ xuống chỉ từ 7-9%/năm…
TS. Cấn Văn Lực – Ảnh: Việt Tuấn
Tại hội thảo “Bất động sản Việt Nam 2020 – 2021: Sẵn sàng chu kỳ mới”, do BizLIVE tổ chức cuối tuần qua, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cập nhật một số thông tin liên quan đến hoạt động cho vay ở lĩnh vực bất động sản hiện nay.
Cụ thể, liên quan đến lãi suất và vay vốn đầu tư, tiêu dùng bất động sản, là người đang trực tiếp trong ban điều hành ngân hàng lớn, TS. Cấn Văn Lực cho biết, lãi suất hiện nay đã và đang giảm.
Lãi suất cho vay mới đã giảm từ 0,5 – 2%/năm so với đầu năm. Gần đây, một số ngân hàng thương mại như SHB, PVcomBank… cũng vừa có tiếp chương trình giảm lãi suất cho vay khách hàng cá nhân, trong đó có vay tiêu dùng mua bất động sản.
Về cơ chế chính sách, Ngân hàng Nhà nước đã có thông tư chính thức về việc lùi thời điểm “siết” giới hạn dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thêm một năm. Đây được xem là một trong những điều chỉnh chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tín dụng trung, dài hạn – đặc điểm chung của nhu cầu vốn những người vay mua nhà.
Tại hội thảo, TS. Cấn Văn Lực cập nhật thêm: “Lãi suất đi vay để mua nhà hiện nay tương đối hấp dẫn. Nhiều ngân hàng tung ra các gói cho vay hấp dẫn với kỳ hạn 9 năm đổ xuống với lãi suất chỉ từ 7-9%/năm. Đây là mức lãi suất khá hấp dẫn”.
Tuy nhiên, tín dụng đầu ra vẫn đang rất thấp. Theo số liệu của NHNN, tính đến hết 7 tháng, tín dụng toàn hệ thống mới tăng khoảng 3,5%, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước. Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang rất yếu.
Mặc dù vậy, ông Lực cũng cho biết, tín dụng bất động sản hết quý II vẫn tăng khoảng 1,5%, tín dụng bất động sản bao gồm cả cho vay nhà ở tương đương 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm 19,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Nếu chỉ tính tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản thì chỉ khoảng 600 nghìn tỷ đồng.
Tín dụng bất động sản và lãi suất là một phần đòn bẩy tài chính trong mua tiêu dùng và đầu tư bất động sản. Theo TS. Lực, có thể chấp nhận đòn bẩy tài chính nhưng không nên quá cao, khoản vay chỉ nên chiếm 30-35% giá trị khoản đầu tư là hợp lý.
“Thời điểm hiện nay có tiền mặt là vua, nhưng cũng là thời điểm xuống tiền cho bất động sản tương đối hấp dẫn”, ông Lực nhìn nhận.
Cũng theo TS. Lực, tất cả các câu chuyện đầu tư luôn có nguyên tắc là phù hợp với khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư. Và ông nêu 4 nguyên tắc cân tuân thủ.
Nguyên tắc 1 là đầu tư nhìn theo hướng trung và dài hạn; lướt sóng hay đầu cơ ở thời điểm này là rất khó. Nguyên tắc 2 là không đầu tư theo phong trào. Nguyên tắc 3 là không dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều. Và nguyên tắc cuối cùng là cần đa dạng hóa kênh đầu tư.
Về phân khúc đầu tư, chuyên gia cho rằng, hiện có một số phân khúc được quan tâm là “Second home” và bất động sản nhà ở.
“Hiện tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam là 39% cuối năm ngoái, Chính phủ đặt mục tiêu tăng tỷ lệ này lên 50-52% vào năm 2030 nên nhu cầu nhà ở ở Việt Nam còn rất lớn”, TS. Lực nói.
Trong khi đó, bất động sản du lịch cũng là một kênh đáng lưu ý nếu nhà đầu tư quyết định đầu tư lâu dài.