Khơi thông nguồn lực để phát triển bứt phá

Động lực tăng trưởng dựa vào công nghệ, đổi mới sáng tạo và tận dụng tối đa cơ hội từ cách mạng công nghệ 4.0… sẽ giúp Việt Nam tránh “bẫy thu nhập trung bình”.

Quan điểm này được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong bài viết “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nhằm khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững”.

Toàn văn bài viết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng cho rằng, bất cứ quốc gia – dân tộc nào muốn trở nên thịnh vượng đều phải huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phục vụ cho phát triển. Với Việt Nam, những thành tựu phát triển kinh tế xã hội trong hơn ba thập niên qua đáng ghi nhận, nhưng theo ông, “không được chủ quan, tự mãn với thành tích đạt được, phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ chế”.

“Tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt nhằm khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực; tạo sức bật mới để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ toàn nhiệm kỳ và tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong thập niên tới”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bốn định hướng lớn được Thủ tướng xem là động lực giúp kinh tế đất nước bứt phá hơn trong giai đoạn tới. Một trong số đó đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế trên cơ sở nắm bắt, tận dụng tối đa cơ hội mở ra từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP

Theo thời gian, tài nguyên hóa thạch dần trở nên cạn kiệt, lao động giá rẻ mất đi lợi thế, những nước không chuyển đổi thành công sang mô hình tăng trưởng dựa trên tri thức và khoa học – công nghệ thường rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.

Những quốc gia chủ động chuyển sang mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa trên nguồn nhân lực chất lượng cao, kỹ năng quản lý tốt, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu khoa học – công nghệ hiện đại, thì tạo được sự bứt phá trong phát triển, vươn lên trở thành nước công nghiệp mới. Do đó, việc xác định đúng đắn mô hình tăng trưởng và lựa chọn hướng ưu tiên chính xác trong khai thác, huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả gắn với giải pháp phù hợp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để tạo động lực mới cho phát triển, đẩy nhanh quá trình xây dựng quốc gia thịnh vượng.

“Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra những yêu cầu mới đối với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng ở nước ta, mở ra cơ hội cho Việt Nam có thể bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới, bảo đảm không lỡ nhịp trong phát triển”, Thủ tướng nhận định.

Để tránh rơi vào nguy cơ “bẫy thu nhập trung bình”, duy trì và thúc đẩy đà tăng trưởng, Việt Nam phải nắm bắt, tận dụng tốt các cơ hội đang mở ra từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, lấy động lực tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo thay thế dần cho các nguồn lực đầu vào truyền thống ngày càng khan hiếm hoặc mất đi lợi thế.

Song song đó, hoàn thiện thể chế, pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ; có chính sách ưu đãi phát triển các ngành, nghề kinh doanh mới thể hiện tinh thần nắm bắt, tiến kịp và vượt trước một số lĩnh vực của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, khắc phục các “lỗ hổng” để bảo vệ sản xuất và thị trường trong nước, chống chuyển giá, bảo đảm an ninh tài chính, phòng ngừa với các rủi ro khủng hoảng tài chính của đầu tư gián tiếp…

Ngoài đổi mới tư duy dựa vào nền tảng công nghệ số, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc tới nguồn nhân lực chất lượng cao như là yếu tố cối lõi quyết định khả năng huy động, khai thác nguồn lực phát triển. 

Theo đó, đổi mới mô hình tăng trưởng trước hết phải tạo được bước đột phá trong chất lượng nguồn nhân lực, bao gồm cả nhân lực lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và lao động có kỹ năng.

Vì thế, cần đổi mới nội dung, phương thức giáo dục và đào tạo phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0, từ các bậc học nền tảng, đào tạo nghề đến giáo dục đại học. Đặc biệt coi trọng đào tạo lại và nâng cao kỹ năng của đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động tương thích, đủ năng lực vận hành chính quyền điện tử và tham gia nền sản xuất thông minh, kinh doanh dựa trên công nghệ hiện đại. Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao, không phân biệt người Việt Nam ở trong nước hay định cư ở nước ngoài, kể cả thu hút chuyên gia quốc tế đến làm việc tại Việt Nam.

“Lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha ta và kinh nghiệm thế giới đã chỉ ra rằng, nguồn lực con người chỉ phát huy đầy đủ khi tác động trúng lợi ích và khơi dậy được hoài bão, khát vọng dân tộc, tạo thành động lực thường trực để mỗi cá nhân nỗ lực phấn đấu vì sự thịnh vượng, phồn vinh của đất nước”, Thủ tướng chia sẻ. 

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức phải chú trọng giáo dục khát vọng dân tộc, thúc đẩy liêm chính, nêu cao sứ mạng phục vụ người dân và doanh nghiệp. 

Nhắc tới cuộc chiến thương mại giữa các quốc gia đang khiến nhiều doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư đến nơi an toàn hơn, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố nền tảng để tận dụng, nắm bắt cơ hội, chủ động thu hút nguồn lực bên ngoài phù hợp với mục tiêu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Năm 2020 là năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đồng thời là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021, vì thế “cần tận dụng cơ hội này để nâng cao hơn nữa vị thế đất nước, tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Trước thời cơ và vận hội mới, Thủ tướng nhìn nhận, phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, nhất là đẩy mạnh cải cách hành chính để khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, bảo đảm cả nguồn lực vật chất và tinh thần, nguồn lực trong nước và quốc tế được kết nối, vận hành thông suốt, phát huy cao độ, cùng tạo nên động lực mới đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Nguồn