Google, Facebook, YouTube… đóng thuế tại Việt Nam như thế nào?: Hụt hơi truy đuổi | Tài chính – Kinh doanh

Chưa xong ông cũ, lại tới ông mới

Không chỉ chuyện các ông lớn như Google, Facebook nhiều năm qua dù thu hàng ngàn tỉ đồng tại Việt Nam nhưng vẫn chưa đóng thuế hoặc chỉ đóng rất ít, ngày càng nhiều các nền tảng kinh doanh xuyên biên giới vẫn tiếp tục xuất hiện tại thị trường nội địa.
Chẳng hạn truyền hình trả tiền Netflix đã hoạt động tại Việt Nam gần 4 năm qua nhưng Tổng cục Thuế mới đang phối hợp với Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) để rà soát, thống kê doanh thu của Netflix phát sinh từ khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam (từ năm 2016 đến nay) để truy thu. Theo báo cáo của Bộ TT-TT, từ khi vào Việt Nam năm 2016, ước tính Netflix đã có khoảng 300.000 thuê bao, thu mỗi thuê bao ít nhất 120 USD/năm, tương đương doanh thu mỗi năm lên đến 30 triệu USD (khoảng 700 tỉ đồng).
Tương tự, hiện nhiều người dùng Việt Nam cũng đang xem phim trên ứng dụng iFlix (có trụ sở tại Malaysia) hay WeTV thuộc sở hữu của Tencent (Trung Quốc)… nhưng đóng thuế thế nào, chưa nghe nói đến. Nếu Netflix được nhiều người yêu thích với kho phim khổng lồ thì WeTV có thế mạnh với bản quyền hàng trăm ngàn bộ phim Trung Quốc vốn hấp dẫn khán giả Việt Nam và giá dịch vụ thấp. Tương tự, nếu như trước đây người dùng Việt Nam chỉ có thể nghe nhạc trực tuyến qua một số trang web trong nước thì nay đã có thêm nhiều ứng dụng khác để lựa chọn như Spotify, Apple Music, YouTube Music… Nổi bật là Spotify với nhiều điều khác biệt như trong một bài hát người dùng có thể chọn chế độ bài hát từ chất lượng bình thường đến chất lượng cao, cao nhất; hay có thể theo dõi bạn bè của mình hay những ca sĩ, nhóm nhạc mà bạn thích…
Thậm chí theo đánh giá của nhiều người, những nền tảng xuyên biên giới này đã và sẽ vượt mặt các ứng dụng trong nước, chiếm phần lớn thị trường giải trí tại Việt Nam với doanh thu hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm. Vì vậy nếu như không quản lý và thu thuế được từ các hoạt động đó thì không chỉ ngân sách nhà nước thất thu mà các doanh nghiệp (DN) trong nước cũng bị lép vế do không cạnh tranh được về tài chính, về nguồn lực vì phải tuân thủ nhiều quy định quản lý của nhà nước cũng như phải nộp đầy đủ các loại thuế, phí theo quy định lên đến hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm.

Khấu trừ tiền tại nguồn

Ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết cơ quan này đang phối hợp với ngân hàng để kiểm soát dòng tiền thanh toán có liên quan cho các hoạt động thương mại điện tử, nền tảng kinh doanh xuyên biên giới. Cụ thể ngân hàng chặn trừ tiền thuế khi các công ty nước ngoài chuyển trả cho cá nhân, DN trong nước.

Một số tập đoàn công nghệ cũng đồng ý sự phối hợp này. Điển hình, Apple đang đề nghị cho một tỷ lệ trừ thuế tại nguồn, nên cơ quan thuế cũng đang tính toán cho phù hợp (quy định hiện hành đang áp dụng từ 1,5 – 7,5% tùy theo loại hình dịch vụ hay hàng hóa, riêng trả tiền cho thuê nhà lên 10%). Nhưng riêng dòng tiền do các cá nhân, DN trong nước chi trả cho Google, Facebook, Netflix…, thì cơ quan thuế kiểm soát không nổi, vì đang được viện cớ là một hoạt động đã được kê khai trong nước rồi.

Vì vậy muốn khấu trừ, cơ quan thuế phải phân loại dòng tiền nào trả cho nước ngoài mà chưa kê khai thuế, phải mất thời gian lẫn nhân lực khá nhiều. Cơ quan thuế cũng đã làm việc với công ty đại diện cung cấp dịch vụ cho Google, Facebook… đứng ra nhận những khoản để thanh toán cho cá nhân, tổ chức trong nước. Thế nhưng, do chưa có tỷ lệ khấu trừ tiền thuế nên chưa thực hiện được.

Các dịch vụ xuyên biên giới đang ngày càng nhiều và biện pháp thu thuế hiệu quả là nắm người sử dụng dịch vụ trong nước chi trả cho công ty nước ngoài. Ví dụ xem 1 bộ phim ở Netflix trả 10 USD thì ngân hàng không chuyển trọn vẹn 10 USD mà lấy lại 7,5 cent (nếu tính thuế 7,5% – PV). Thuế nhà thầu không đánh vào người mua mà chủ yếu thu từ người bán. Hiện cơ quan chức năng đang đàm phán với phía nước ngoài về cách tính như vậy.

Ông Lê Duy Minh cho hay: “Các tập đoàn cũng đã đồng tình, tuy nhiên họ cũng chờ tỷ lệ khấu trừ thuế bao nhiêu trên nguyên tắc có thu nhập là thu thuế. Cơ quan thuế hiện nay cũng đang triển khai các quy định này, trong đó có xây dựng quy chế phối hợp với ngân hàng. Khi triển khai giải pháp này sẽ hiệu quả trong công tác thu thuế các nền tảng xuyên biên giới”.

Theo TS Châu Huy Quang, luật sư điều hành Hãng luật Rajah & Tann LCT, theo quy định, các công ty không có trụ sở tại Việt Nam như Google, Facebook hay Netflix kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam đều phải có nghĩa vụ nộp thuế nhà thầu. Tuy nhiên, việc thu sắc thuế này hiện chưa hiệu quả, có các lý do như nhóm khách hàng trực tiếp là cá nhân thông qua hình thức thanh toán trực tuyến và pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể để xác định và yêu cầu các nhóm đối tượng này nộp thuế thay nhà thầu nước ngoài. Trong khi đó hệ thống pháp luật của Việt Nam liên quan đến hoạt động thương mại điện tử còn có những nội dung chưa đồng bộ và hoàn thiện; Phương thức thanh toán, kiểm tra hoạt động thương mại điện tử khác xa so với thanh toán, kiểm tra theo phương thức truyền thống đòi hỏi cán bộ thuế cần phải có trình độ cao về tin học, ngoại ngữ để truy lần dấu vết giao dịch…


Thông qua các ngân hàng và nhà mạng viễn thông có thể ghi nhận các giao dịch được thực hiện đến tài khoản của các DN cung cấp dịch vụ qua biên giới này để nắm bắt số liệu và đối tượng sử dụng dịch vụ tại Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, cho phép các DN nước ngoài như Google, Facebook, Netflix… có thể nộp thuế cho các thu nhập phát sinh tại Việt Nam mà không cần hiện diện thương mại thông qua hình thức đăng ký trực tuyến giản đơn. Các DN đăng ký sẽ được cấp mã số thuế và tiến hành khai, nộp thuế theo quy định. Đây là cách hiện đang được Liên minh Châu Âu áp dụng.

Luật sư Châu Huy Quang




Nguồn