Giao dịch giảm, giá nhà vẫn tăng | Tài chính – Kinh doanh

Mặc dù vậy, những tháng cuối năm 2019, giá nhà đất tại 2 TP lớn là Hà Nội và TP.HCM lại tăng. Thực tế cũng cho thấy, giá bất động sản đang tăng vô lý khi các chủ đầu tư, giới đầu cơ đang “tích cực” đẩy giá.

Đầu cơ thổi giá


Đang có một thực tế là nhiều chủ đầu tư, giới đầu nậu lợi dụng tình trạng khan hàng để đục nước béo cò, thổi giá, đẩy giá kiếm lợi. Cách làm này sẽ khiến thị trường phát triển không bền vững vì những doanh nghiệp

làm ăn chụp giật như vậy sẽ bị tẩy chay

Cụ thể, trong năm 2019, bất động sản (BĐS) có khoảng 83.136 giao dịch, giảm 26,1% so với năm 2018. Nhưng giá căn hộ chung cư tại Hà Nội vào quý 4/2019 tăng khoảng 0,54% so với cùng kỳ; giá nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2018. Tại TP.HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 3,52% so với cùng kỳ, giá nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 9% so với cùng kỳ. Có thể nhận thấy một “luật bất thành văn” là cứ dự án sau mở bán bao giờ giá cũng tăng hơn các dự án trước, bất kể bối cảnh thị trường thế nào.

Điển hình như tại dự án của Tập đoàn GS E&C (Hàn Quốc) trên đường Nguyễn Hữu Thọ (xã Phước Kiển, H.Nhà Bè, TP.HCM) thời gian qua rao bán rầm rộ khoảng 359 căn nhà phố thương mại, biệt thự và shophouse. Giá bán nhà phố từ 8 – 10 tỉ đồng/căn 119 m2, shophouse từ 11 – 15 tỉ đồng/căn, biệt thự đơn lập từ 20 – 30 tỉ đồng/căn, biệt thự song lập từ 11 – 13 tỉ đồng/căn. Tính bình quân mỗi mét vuông nhà đất khoảng 80 triệu đồng, rất cao so với mặt bằng giá chung của khu vực xã Phước Kiển hiện khoảng 40 triệu đồng/m2. Mặc dù vậy, để có suất mua được BĐS tại dự án này, khách hàng phải mua lại với mức chênh lệch khoảng 700 triệu đồng/sản phẩm, thậm chí những vị trí đẹp chênh lệch lên đến cả tỉ đồng.

Theo các nhân viên kinh doanh tại dự án, trong số các khách hàng mua nhà đất tại đây, khoảng 60% là mua đi bán lại. Chính lực lượng đầu cơ này đã bắt tay nhau tạo sự khan hiếm, tạo sóng giả để đẩy giá nhà đất tăng cao, bán chênh lệch kiếm lời bởi thực tế tại dự án này vẫn còn là bãi đất hoang cỏ mọc um tùm. Đặc biệt, pháp lý của dự án này đến nay vẫn chưa hoàn thiện, còn đang phải chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vì triển khai 13 năm qua vẫn chưa xong.

Anh Thương, nhân viên môi giới của Công ty Savills, cho biết khi mua BĐS tại dự án này, khách hàng chỉ cần đặt giữ chỗ trước 200 – 500 triệu đồng tùy sản phẩm. Dự kiến tháng 4/2020, chủ đầu tư sẽ ký hợp đồng đặt cọc và khách hàng sẽ đóng 10% và đóng 40% còn lại đến khi nhận nhà. 50% còn lại đóng tiếp sau khi đã nhận nhà. Do khách hàng không chịu áp lực về dòng tiền, trong khi lượng sản phẩm tung ra thời gian qua ít nên những người mua được sản phẩm này đã găm hàng làm giá để bán chênh lệch.

Tương tự, mới đây chủ đầu tư dự án SSC ở đường Tô Hiến Thành (Q.10, TP.HCM) đã mở bán hơn 500 hộ với mức giá khoảng 120 triệu đồng/m2, trong khi trước đó ngay sát bên dự án Kingdom 101 bán khoảng 65 triệu đồng/m2. Nhiều người đánh giá, dự án Kingdom 101 đẹp hơn nhiều cả về vị trí, tiện ích.

“Giờ tôi cũng không hiểu tâm lý khách hàng như thế nào nữa. Dự án SSC chưa xây dựng, pháp lý cũng chưa xong mà giá tăng gấp đôi so với giá của dự án Kingdom 101 đã gần giao nhà. Cùng vị trí, cùng diện tích nhưng một căn hộ ở 2 dự án này chênh lệch tới 500 – 600 triệu đồng, một con số quá lớn”, lãnh đạo một công ty BĐS phân tích.

Dẹp loạn đầu nậu, cò


Theo thẩm quyền, nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng sẽ có văn bản đôn đốc các địa phương tập trung đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thị trường BĐS nói chung, hoạt động môi giới BĐS nói riêng để đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch. Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng sẽ tiếp tục rà soát các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động môi giới BĐS để có các đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý thị trường nói chung và quản lý hoạt động môi giới nói riêng được tốt hơn.

Một lãnh đạo Bộ Xây dựng

Chuyên gia BĐS Tùng Quang cho biết ở Đà Nẵng giờ một quán cà phê có hơn 10 môi giới phát tờ rơi một dự án và tư vấn cho khách hàng với nội dung dự án đang cháy hàng, đã có nhiều người cọc mua để làm giá, nếu không mua sớm sẽ hết.

“Chiêu” tạo khan hiếm giả thô sơ này vẫn được áp dụng và vẫn rất nhiều người sập bẫy, chôn vốn hoặc bị mua đắt đỏ, thậm chí lừa đảo khi dự án chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý. Tại TP.HCM cũng vậy, lực lượng các nhà đầu cơ, môi giới đông đảo đang bắt tay với các chủ đầu tư cùng nhau đẩy giá. “Tình hình chung giờ ở đâu cũng vậy. Dự án mới đầy đủ pháp lý cho năm 2020 không có nhiều nên khan hàng. Lợi dụng tâm lý này, những chủ đầu tư có dự án pháp lý đầy đủ bung hàng là tăng giá”, ông Tùng Quang phân tích.

Theo chuyên gia BĐS Dominic Vũ, sở dĩ có tình trạng giao dịch giảm nhưng giá BĐS vẫn tăng, thậm chí nhiều dự án còn bán chênh lệch tiền tỉ bởi đa số các khách hàng đều là nhà đầu tư lướt sóng, lợi dụng tâm lý khan hàng để kích, làm giá nhằm bán chênh lệch kiếm lời.

“Những nhà đầu tư này thường vào dự án ngay từ đầu, đặt cọc 4 – 5% rồi tìm người sang tay kiếm lời. Nếu không có lời thì họ cũng nhận lại tiền đặt chỗ và đi kiếm dự án khác tạo sóng để lướt”, ông này phân tích.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, nhận xét giá cả phụ thuộc vào 4 yếu tố là quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu và tâm lý xã hội. Hiện nay cung ít cầu nhiều, lại thêm các tin đồn tạo khan hiếm giả khiến các chủ đầu tư, người có hàng tận dụng đẩy giá lên.

“Đang có một thực tế là nhiều chủ đầu tư, giới đầu nậu lợi dụng tình trạng khan hàng để đục nước béo cò, thổi giá, đẩy giá kiếm lợi. Cách làm này sẽ khiến thị trường phát triển không bền vững vì những doanh nghiệp làm ăn chụp giật như vậy sẽ bị tẩy chay. Trong những trường hợp này, nhà nước phải tham gia bằng cách giải quyết các thủ tục hành chính để tăng nguồn cung. Khi cung nhiều lên, giá BĐS tự động giảm xuống”, ông Châu cho biết và nói thêm, hiện nay chỉ riêng TP.HCM đã có 124 dự án bị vướng, chưa đóng được tiền sử dụng đất để triển khai. Nếu những dự án này được khơi thông, chắc chắn nguồn cung sẽ tăng lên, từ đó giá sẽ giảm và không còn đất sống cho những doanh nghiệp làm ăn bất chính và những nhà đầu cơ.

Bộ Xây dựng cũng thừa nhận trong thời gian qua, tại một số địa phương đã xuất hiện hiện tượng “cò đất” thao túng thị trường, thổi giá làm ảnh hưởng đến uy tín của các nhà môi giới chuyên nghiệp, làm lũng đoạn thị trường. Trong khi đó, các cơ quan chức năng của địa phương cũng chưa có các giải pháp kịp thời để quản lý chặt chẽ các hoạt động môi giới.

Để khắc phục vấn đề nêu trên, hiện nay Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là đối với đối tượng cò đất, đầu nậu.



Nguồn