Dòng ngoại tệ kỷ lục vào Việt Nam đến từ đâu?
Mai Khanh
(TBKTSG) – Số ngoại tệ cao kỷ lục mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua được trong năm nay (tính đến thời điểm hiện tại) đến từ đâu và liệu xu hướng này có duy trì trong năm tới?
Phí chuyển tiền cao ảnh hưởng tới tăng trưởng kiều hối trong trung hạn
Nhiều khả năng NHNN sẽ tiếp tục mua thêm được ngoại tệ trong năm 2020 để tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Rất khó để dự báo con số cụ thể là bao nhiêu, nhưng nếu như Mỹ và Trung Quốc tìm được một thỏa thuận thương mại thì việc Việt Nam có thêm 10-15 tỉ đô la Mỹ trong năm 2020 cũng không phải quá bất ngờ. |
Hơn 16 tỉ đô la Mỹ
Hiện tại chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là kết thúc năm tài chính 2019. Theo số liệu có được từ một số ngân hàng thương mại (NHTM) thì từ đầu năm 2019 đến nay, NHNN đã mua được hơn 16 tỉ đô la Mỹ. Nhờ vậy mà dự trữ ngoại hối quốc gia tăng lên con số gần 75 tỉ đô la Mỹ tính đến thời điểm hiện tại.
Số ngoại tệ NHNN mua được trong năm nay cao hơn rất nhiều so với 11 tỉ đô la Mỹ mà NHNN mua được trong năm 2017 và khoảng 6 tỉ đô la Mỹ trong năm 2018. Đây cũng được xem là con số kỷ lục kể từ năm 2007 đến nay và là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam duy trì trạng thái dương của cán cân tổng thể (BOP – balance of payment).
Nhiều khả năng NHNN sẽ tiếp tục mua thêm được ngoại tệ trong năm 2020 để tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Rất khó để dự báo con số cụ thể là bao nhiêu, nhưng nếu như Mỹ và Trung Quốc tìm được một thỏa thuận thương mại thì việc Việt Nam có thêm 10-15 tỉ đô la Mỹ trong năm 2020 cũng không phải quá bất ngờ. |
Với những diễn biến hiện nay thì nhiều khả năng NHNN sẽ mua được thêm ngoại tệ từ hệ thống ngân hàng. Chính vì vậy, trong ngày 29-11 vừa qua, NHNN đã bất ngờ hạ tỷ giá mua vào (bidding rate) từ hệ thống ngân hàng, từ mức 23.200 xuống 23.175 đồng/đô la Mỹ. Ngay lập tức tỷ giá giao dịch trên thị trường cũng giảm xuống mức tương ứng.
Đa dạng nguồn, thặng dư thương mại giữ vai trò quan trọng
Về cơ cấu của cán cân tổng thể của Việt Nam, hiện tại NHNN mới chỉ công bố số liệu đến hết quí 2-2019. Do đó nó chưa cho chúng ta thấy được toàn bộ diễn biến về dòng vốn từ nước ngoài trong nửa sau của năm 2019.
Tuy nhiên, số liệu thực tế đã chỉ ra rằng con số 16 tỉ đô la Mỹ nói trên đến từ nhiều khu vực khác nhau. Đó là thặng dư cán cân thương mại hàng hóa, kiều hối, hoạt động đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) và đầu tư gián tiếp từ nước ngoài (FII). Trong đó, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữ một vai trò rất quan trọng khi duy trì mức thặng dư lên tới hơn 9 tỉ đô la Mỹ trong 11 tháng đầu năm 2019.
Sự đa dạng về các luồng ngoại tệ phần nào cho chúng ta thấy sự bền vững của cán cân tổng thể. Diễn biến này khác hẳn năm 2007, khi Việt Nam mới gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Khi đó, dự trữ ngoại hối cũng tăng tới khoảng 20 tỉ đô la Mỹ nhưng chủ yếu đến từ FII (các nhà đầu tư quốc tế đẩy mạnh đầu tư vào thị trường chứng khoán cũng như bất động sản của Việt Nam).
Và khi cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra trong năm 2008-2009, nó đã khiến cho dòng vốn này đảo ngược và rút ra khỏi thị trường Việt Nam. Sự biến động nhanh trong một thời gian ngắn về dòng tiền đã khiến cho lạm phát của Việt Nam tăng lên mức hai con số vào năm 2008 và tiền đồng đã mất giá tới 9,4% chỉ trong một năm.
Liệu có còn tích cực trong năm 2020?
Như đã trình bày ở trên, sau khi NHNN hạ giá mua vào, ngay lập tức tỷ giá giao dịch trên thị trường đã giảm tương ứng 25 điểm và bằng đúng tỷ giá mua vào của NHNN. Điều đó cho thấy các ngân hàng vẫn đang kỳ vọng về việc có thêm dòng vốn ngoại đổ vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới. Đó có thể là dòng vốn FII đến từ các thương vụ bán vốn tại Ngân hàng Vietcombank hay Ngân hàng Quân đội…, và đặc biệt là đến từ hoạt động chuyển tiền kiều hối vào thời điểm cuối năm (remittance).
Tuy nhiên, con số lên tới 16 tỉ đô la Mỹ trong năm 2019 là rất lớn, tương đương với khoảng 350.000 tỉ đồng được bơm vào hệ thống ngân hàng. Đây chính là cơ sở để NHNN hạ trần lãi suất huy động kỳ hạn từ một tháng đến dưới sáu tháng từ mức 5,5% xuống chỉ còn 5%/năm (ngày 19-11-2019) và lãi suất trên thị trường mở (OMO) cũng đã giảm từ mức 4,5% xuống chỉ còn 4%/năm (vào tuần trước).
Liệu dòng vốn này có còn vào nhiều trong năm 2020 và các năm tới hay không? Đây là câu hỏi rất khó nhưng nó lại có ý nghĩa đặc biệt với thị trường tài chính của Việt Nam khi giúp các ngân hàng duy trì được trạng thái dư thừa thanh khoản.
Như đã chỉ ra thì dòng vốn đến từ hoạt động thương mại giữ vai trò quyết định cho việc duy trì trạng thái dương của cán cân vãng lãi (current account) và cán cân tổng thể (BOP). Bởi lẽ dòng ngoại tệ đến từ các khu vực khác như FDI, FII và kiều hối thường khá ổn định và tăng trưởng đều từ 5-10% trong suốt thời gian dài vừa qua.
Như chúng ta biết, hoạt động thương mại của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI. Tính đến giữa tháng 11-2019, trong khi các doanh nghiệp FDI xuất siêu tới gần 30 tỉ đô la Mỹ thì các doanh nghiệp trong nước lại nhập siêu tới gần 21 tỉ đô la Mỹ. Do vậy, hoạt động thương mại của Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI.
Để giữ cho khu vực này tăng trưởng ổn định, Việt Nam đã kiên trì duy trì môi trường đầu tư, môi trường vĩ mô và tài chính ổn định trong những năm gần đây. Do đó, hoạt động thương mại của Việt Nam trong năm 2020 và các năm tới sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến của môi trường bên ngoài như tăng trưởng kinh tế thế giới, chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ thương mại của các nước lớn.
Trong ba yếu tố này thì ngoại trừ triển vọng kém lạc quan của kinh tế toàn cầu, hai yếu tố còn lại đều hỗ trợ cho Việt Nam trong năm 2020. Bởi lẽ, Việt Nam đang duy trì được mối quan hệ thương mại và chính trị rất tốt với Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây đều là các thị trường đóng góp tỷ trọng rất lớn trong tổng kim ngạch thương mại toàn cầu.
Do vậy, nhiều khả năng NHNN sẽ tiếp tục mua thêm được ngoại tệ trong năm 2020 để tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Rất khó để dự báo con số cụ thể là bao nhiêu, nhưng nếu như Mỹ và Trung Quốc tìm được một thỏa thuận thương mại thì việc NHNN có thêm 10-15 tỉ đô la Mỹ trong năm 2020 cũng không phải quá bất ngờ.