Điểm mù có thể khiến tàu ngầm Mỹ va chạm ở Biển Đông

[ad_1]

Tàu ngầm tối tân như USS Connecticut trang bị loạt cảm biến, nhưng vẫn có điểm mù, gây nguy cơ va chạm ở địa hình phức tạp tại Biển Đông.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công USS Connecticut va phải một vật thể dưới mặt nước vào chiều 2/10, khi hoạt động trên vùng biển quốc tế ở Biển Đông. Hải quân Mỹ cho biết tàu ngầm đã tự về căn cứ Guam hôm 9/10 và bị hư hỏng phần mũi, nhưng chưa công bố hình ảnh cũng như nguyên nhân khiến tàu ngầm gặp tai nạn.

Nhiều người tỏ ra bất ngờ khi một tàu ngầm lớp Seawolf, loại tàu ngầm tấn công đắt nhất thế giới với chi phí hơn 8,5 tỷ USD/chiếc và trang bị những cảm biến hiện đại nhất của Mỹ, lại va chạm với một vật thể lạ khi hoạt động dưới lòng biển.

USS Connecticut di chuyển trên Thái Bình Dương hồi năm 2009. Ảnh: US Navy.

USS Connecticut di chuyển trên Thái Bình Dương hồi năm 2009. Ảnh: US Navy.

Aaron Amick, cựu chuyên viên định vị thủy âm (sonar) với 20 năm kinh nghiệm trong lực lượng tàu ngầm Mỹ, cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến hệ thống cảm biến tối tân trên USS Connecticut không thể phát hiện chướng ngại vật trước sự cố va chạm.

“Định vị và điều khiển tàu ngầm di chuyển đòi hỏi hiểu biết sâu về địa hình khu vực xung quanh nó. Có hai phương pháp thường áp dụng để bảo đảm an toàn khi di chuyển dưới nước, đó là sử dụng hải đồ chi tiết và triển khai sonar chủ động tần số cao”, Amick nói.

Tín hiệu sonar chủ động được phát từ các cụm cảm biến ở mũi và dọc sườn tàu ngầm, giúp thủy thủ phát hiện vật thể xung quanh với độ nét cao. Những thứ như thủy lôi, núi đá và tàu ngầm đối phương sẽ dễ dàng bị phát hiện bởi phương pháp này.

Tuy nhiên, sonar chủ động khiến tàu ngầm dễ bị phát hiện từ khoảng cách gấp đôi tầm theo dõi của kíp tàu. “Sonar tần số cao với độ phân giải lớn phát hiện được vật thể trong bán kính 5 km, nhưng đánh động đối phương từ khoảng cách 10 km, hay thậm chí xa hơn. Điều này cho phép đối phương xác định vị trí tàu ngầm bằng cách bám theo tín hiệu sonar chủ động trong khi vẫn ẩn mình”, Amick nói.

Chuyên viên vận hành hệ thống sonar trên một tàu ngầm Mỹ. Ảnh: US Navy.

Chuyên viên vận hành hệ thống sonar trên một tàu ngầm Mỹ. Ảnh: US Navy.

Nhược điểm này khiến sonar chủ động hiếm khi được triển khai khi tàu ngầm làm nhiệm vụ. Các tàu luôn ưu tiên sử dụng hải đồ, kết hợp với phát tín hiệu sonar chủ động hướng xuống dưới để đối chiếu độ sâu. Phương pháp này hạn chế nguy cơ lộ diện so với liên tục phát sonar chủ động ra xung quanh, trong khi vẫn bảo đảm tàu không bị lạc hoặc sai lệch vị trí dưới lòng biển.

“Hải quân Mỹ sở hữu những hải đồ chính xác nhất thế giới dưới dạng kỹ thuật số có khả năng cập nhật thường xuyên và được hỗ trợ bởi hải đồ giấy. Tuy nhiên, trong thực tế không phải lúc nào chúng cũng phản ánh đúng khu vực xung quanh tàu ngầm. Hải đồ kỹ thuật số vẫn còn không ít điểm mù, nơi có thể ẩn giấu những ngọn núi có khả năng gây va chạm cho tàu ngầm”, Amick thừa nhận.

Nếu tàu ngầm làm nhiệm vụ ở khu vực nghi có tàu đối phương, họ sẽ không kích hoạt sonar chủ động để đối chiếu với hải đồ, buộc thủy thủ đoàn áp dụng biện pháp dẫn đường truyền thống để xác định vị trí.

Phương pháp này dựa vào vị trí xuất phát ban đầu, tốc độ di chuyển và hướng di chuyển để dự đoán vị trí tàu ngầm, nhưng độ chính xác không cao vì dễ bị ảnh hưởng bởi tác động ngoại cảnh như dòng hải lưu dưới lòng biển. Các sai lệch có thể tích lũy theo thời gian, khiến tàu ngầm lệch khỏi vị trí dự đoán tới hàng trăm mét hoặc nhiều hơn. Có một số cách để hiệu chỉnh vị trí, nhưng không diễn ra thường xuyên do nguy cơ làm lộ tung tích tàu ngầm.

Amick nhận định Biển Đông là khu vực gây rất nhiều khó khăn cho tàu ngầm, bởi hoạt động địa chất diễn ra thường xuyên khiến địa hình đáy biển liên tục thay đổi. Một số khu vực có đáy rất sâu, nhưng sát đó là vùng biển nông với cấu trúc địa hình gần như dựng đứng và vươn tới gần mặt biển.

“Đây đều là hiểm họa với quá trình di chuyển và dẫn tới va chạm nếu không được phát hiện kịp thời. Đo độ sâu đáy biển bên dưới tàu ngầm là không đủ để kíp lái phát hiện những cấu trúc địa hình thẳng đứng ngay phía trước và cơ động vòng tránh”, cựu quân nhân Mỹ nói.

Địa hình đáy Biển Đông. Ảnh: NASA.

Địa hình đáy Biển Đông. Ảnh: NASA.

Tàu ngầm nước ngoài cũng là mối đe dọa với hoạt động của tàu ngầm Mỹ trong khu vực. “Va chạm giữa các tàu ngầm tại Biển Đông là mối lo ngại hiện hữu. Có nhiều quốc gia đang vận hành tàu ngầm tại khu vực này, trong đó Trung Quốc sở hữu căn cứ tàu ngầm lớn nhất châu Á ở đảo Hải Nam. Luôn có lượng lớn tàu ngầm hiện diện tại đây”, Amick nói.

Nguy cơ xảy ra sự cố sẽ được hạn chế khi các quốc gia điều phối hoạt động với nhau, nhưng điều này không phải lúc nào cũng có thể diễn ra, nhất là trong bối cảnh Mỹ và đồng minh đang ở thế cạnh tranh với Trung Quốc.

Các chuyên gia nhận định Biển Đông là một trong những tuyến hàng hải và ngư trường nhộn nhịp nhất thế giới, do đó tiếng ồn từ tàu thuyền trên mặt nước cũng có thể gây nhiễu tín hiệu thủy âm, khiến thủy thủ trong tàu ngầm không nhận biết được những vật thể gây nguy hiểm dưới lòng biển.

“Tỷ lệ va chạm ở Biển Đông cao hơn các khu vực khác, bởi đây là nơi có nhiều hoạt động hàng hải và làm hệ thống sonar thụ động kém hiệu quả. Tàu ngầm thường ẩn mình trong những vùng biển ồn ào để che giấu bản thân. Điều đó nghĩa là hai tàu ngầm có thể di chuyển rất gần nhau mà không phát hiện ra đối phương, nhất là khi tiếng ồn môi trường đủ lớn để lấn át âm thanh do chúng phát ra”, Amick nói thêm.

Vũ Anh (Theo Drive)

[ad_2]