Đi bộ xuyên rừng ở vườn quốc gia núi Chúa

[ad_1]

Cung đường leo núi Chúa thuộc Vườn quốc gia vừa được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đem lại nhiều trải nghiệm thú vị.

Hệ thống núi Chúa thuộc thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, trong đó cao nhất là đỉnh Cô Tuy (người địa phương gọi là đỉnh Chúa Anh, cao 1.039 m) và đỉnh núi Ông (hay còn gọi là đỉnh Chúa Em cao 978 m). Khí hậu núi Chúa khô hạn đặc trưng, có lượng mưa vào loại thấp nhất Việt Nam, là nơi được nhiều du khách lựa chọn trekking “thử thách giới hạn của bản thân”.

Mai Văn Vinh, tên thường gọi Mai Vinh, sinh năm 1994, quê ở Ninh Thuận, là một người mê xê dịch, thường tổ chức các tour cắm trại và cho thuê lều trại tại Ninh Thuận, trong đó có tour trekking núi Chúa 2 ngày 1 đêm. Tổng hành trình trekking núi Chúa là 25 km, thường đi cuối tuần. Thời gian gần đây tour này không thường xuyên do ảnh hưởng của Covid-19.

Hướng dẫn viên Mai Vinh chụp kỷ niệm hồi tháng 6/2021. Tour 2 ngày 1 đêm chinh phục núi Chúa có giá khoảng 1,6 triệu đồng tùy theo số người.

Hướng dẫn viên Mai Vinh chụp kỷ niệm hồi tháng 6/2021. Tour 2 ngày 1 đêm chinh phục núi Chúa có giá khoảng 1,6 triệu đồng tùy theo số người.

Ngày thứ nhất lịch trình, bạn xuất phát từ cổng vườn quốc gia lúc 9h, điểm dừng chân đầu tiên là hồ Am Dú, “hồ thiêng” của cộng đồng người Raglai và là hồ nước ngọt cung cấp nước cho các thôn trên địa bàn xã Vĩnh Hải. 12h mọi người trưa nghỉ ngơi, ăn trưa tại suối Bà Cơ, sau đó 13h đi tiếp đến 17h tới nơi hạ trại, bốn bề là rừng núi, bên dưới là dòng suối Ô Liêm để du khách sinh hoạt, tắm và ăn tối.

Cảnh quan núi Chúa khác biệt hơn những nơi khác. Dưới chân núi là bãi cát bỏng rát chân và phía xa là các bãi cỏ tranh mênh mông. Đi hết tầng cỏ, du khách đến với tầng gai là những cây bụi đầy gai nhọn, phát triển với các hình thù đa dạng như bonsai để thích nghi với sự khô hạn.

“Nắng nóng, mất sức là cảm nhận của du khách khi trải nghiệm trong ngày đầu tiên. Nhưng buổi tối nhiệt độ giảm. Trên núi ban đêm rất lạnh”, Vinh kể.

Ngày thứ hai, thức sớm đón bình minh giữa rừng, mọi người ăn sáng lúc 8h rồi leo lên các ngọn đồi, tiếp tục len lỏi qua các bụi cây gai, rừng cây chịu hạn và những con dốc dựng đứng trước khi đặt chân đến đỉnh núi Chúa. Phần thưởng xứng đáng là được check-in bên chóp núi Chúa cao 1.093 m và hòa mình vào núi rừng xung quanh.

Băng qua thảm cỏ ở núi Chúa.

Băng qua thảm cỏ ở núi Chúa.

Buổi chiều là hành trình xuống núi, gần cuối chặng đường, du khách được ngâm mình thỏa thích trong dòng suối Lồ Ồ mát lạnh, xua tan cảm giác mệt mỏi sau một hành trình dài. Đến thôn Cầu Gãy, gần sát vịnh Vĩnh Hy là đoạn kết thúc hành trình. Mai Vinh chia sẻ rằng những người tham gia tuyến này không chỉ đi qua những tầng cỏ tầng cây gai mà còn được khám phá những nét văn hóa độc đáo, phương thức canh tác lúa nước truyền thống của người Raglai.

Với du khách, hành lý trekking cần 2 bộ quần áo mỏng, nhẹ, dễ hút mồ hôi. Giày trekking, mũ nón và khăn choàng. Leo núi Chúa rất mất sức, do đó nên mang theo một chai nước chanh muối hoặc viên sủi C để bổ sung năng lượng. Hầu hết các vật dụng và thực phẩm được bộ phận dịch vụ vườn quốc gia lo chu đáo, du khách không cần lo lắng. Trên đường đi khách sẽ được thưởng thức các món như lá giang, thịt gà kho tiêu, canh mướp, thịt kho, thịt heo nướng hay cá khô nướng.

Đặc biệt, Vinh cũng lưu ý đối với du khách là dân văn phòng thì nên tập chạy bộ cho quen dần trước khi trekking và đừng mang theo quá nhiều đồ. Người có tiền sử bệnh tim, xương khớp thì không nên đi trekking đường dài.

VQG Núi Chúa có diện tích hơn 29.856 ha, vừa được Ủy ban Con người và sinh quyển thế giới (MAB) thuộc UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào cuối tháng 9/2021.

VQG này là nơi hội tụ cả ba không gian rừng, biển và bán sa mạc, gồm nhiều hệ sinh thái phong phú, đa dạng với hơn 1.500 loài thực vật, hơn 750 loài động vật rừng, trên 350 loài san hô và hàng trăm loài động vật biển. Vùng biển ở đây còn là nơi hiếm hoi trên đất liền có rùa biển lên đẻ trứng hằng năm đang được bảo vệ nghiêm ngặt.

Huỳnh Phương
Ảnh: Mai Văn Vinh

[ad_2]

Source link