Deepfake giả giọng giám đốc, đánh cắp 35 triệu USD

[ad_1]

Một nhóm lừa đảo dùng công nghệ “deep voice” để giả là lãnh đạo doanh nghiệp, lừa một ngân hàng ở UAE chuyển 35 triệu USD vào tài khoản riêng.

Một quản lý ngân hàng ở Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) nhận được cuộc gọi từ một người có giọng nói quen thuộc, là giám đốc một công ty mà ông thường trò chuyện. Người này cho biết công ty chuẩn bị mua lại một doanh nghiệp, cần ngân hàng duyệt chuyển khoản 35 triệu USD, và luật sư có tên Martin Zelner đã được thuê để điều phối quy trình trên. Quản lý ngân hàng sẽ nhận được email xác nhận địa chỉ nhận tiền.

Người quản lý tin rằng mọi thứ đều hợp lệ và khởi đầu quy trình chuyển khoản. Ông hoàn toàn không biết mình đã trở thành nạn nhân của một âm mưu lừa đảo công phu, trong đó các nghi phạm dùng công nghệ “deep voice”, một dạng của deepfake, để giả giọng nói của giám đốc công ty kia.

Một người đàn ông nghe điện thoại. Ảnh: AFP.

Ảnh: AFP

Theo hồ sơ tòa án mà Forbes có được hôm 14/10, sự cố diễn ra vào năm 2020 và giới chức UAE đang đề nghị các nhà điều tra Mỹ truy vết 400.000 USD bị đánh cắp đã được chuyển tới các tài khoản nằm tại ngân hàng Centennial ở nước này.

UAE cho rằng nhóm lừa đảo có ít nhất 17 thành viên và đã chuyển tiền tới nhiều tài khoản ngân hàng trên khắp thế giới. Danh tính nạn nhân không được tiết lộ trong tài liệu.

Đây là vụ lừa đảo bằng deepfake giả giọng nói thứ hai được công khai, và thành công gấp nhiều lần so với phi vụ đầu tiên. Năm 2019, một nhóm tội phạm cũng giả giọng CEO một công ty năng lượng ở Anh để đánh cắp 243.000 USD.

Sự việc tại UAE cho thấy mối đe dọa từ các vụ lừa đảo công nghệ cao trong bối cảnh làm việc từ xa đã trở thành xu hướng, trong khi AI ngày càng phát triển và được sử dụng nhiều để tạo ra hình ảnh và giọng nói giả mạo.

“Chúng ta đang chứng kiến kẻ xấu sử dụng trình độ và nguồn lực từ công nghệ mới nhất để đánh lừa người không biết tới deepfake. Thao túng giọng nói dễ dàng hơn nhiều so với tạo video giả dạng và sẽ ngày càng phổ biến, khiến nhiều doanh nghiệp bị đe dọa nếu không được cảnh báo về nguy cơ và chuẩn bị những biện pháp xác thực tốt hơn”, Jake Moore, chuyên gia an ninh mạng tại công ty ESET, nhận xét.

Sao chép giọng nói là công nghệ vốn chỉ xuất hiện trong phim ảnh, nhưng giờ đã thành hiện thực và chứng kiến cuộc đua giữa nhiều bên. Hàng loạt startup công nghệ đang phát triển những hệ thống AI tổng hợp giọng nói phức tạp, trong khi một số công ty cũng tuyên bố có khả năng phát hiện giọng nói giả và ngăn chặn lừa đảo.

Điệp Anh (theo Forbes)

[ad_2]