Trước thông tin doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc đầu tư đất vị trí trọng yếu ở Đà Nẵng, thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa đề nghị “tổng rà soát”.
Trả lời kiến nghị của cử tri mới đây, Bộ Quốc phòng thông tin, đến cuối năm 2019, 149 doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc đang hoạt động ở khu vực biên giới của 22 tỉnh, thành (trong số 44 tỉnh, thành có biên giới của Việt Nam). Riêng tại Đà Nẵng, từ năm 2011 đến 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển của thành phố này có 134 lô, một thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc.
Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa – Thường trực Ủy ban Quốc phòng & An ninh của Quốc hội, nêu quan điểm, “Việt Nam đang mở cửa đón nhận đầu tư từ các nước trên thế giới, bao gồm cả Trung Quốc. Tuy nhiên, với những khu vực trọng yếu, liên quan đến phòng thủ đất nước thì phải đặt yếu tố an ninh quốc phòng lên trên hết”.
Theo ông, lâu nay Bộ Quốc phòng đã bàn giao hàng nghìn ha đất (trừ những vị trí liên quan đến thế trận phòng thủ) cho các địa phương với mục đích phát triển kinh tế – xã hội. Tại Đà Nẵng, quân đội cũng đã nhường rất nhiều đất để thành phố xây dựng cơ sở hạ tầng dân sự. “Nhưng theo tôi, với các khu vực đặc biệt quan trọng như xung quanh sân bay Nước Mặn (Đà Nẵng), nơi quy hoạch khu vực phòng thủ quân sự, vùng biên giới biển thì nhà nước phải quản lý chặt chẽ”, ông Nghĩa nói.
Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội. Ảnh: Hoàng Thuỳ
|
Từ cách tiếp cận trên, ông Nghĩa cho rằng “rất cần một cuộc tổng rà soát của Bộ Quốc phòng và cơ quan chức năng liên quan về hoạt động của các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài ở khu vực biên giới, bao gồm việc đầu tư mua bán đất”.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, cũng cho rằng, Đà Nẵng có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh. “Người nước ngoài vào làm ăn, chúng ta hoan nghênh. Nhưng nếu họ có ý đồ, chọn vị trí đất có yếu tố quốc phòng gần sân bay, cảng biển… thì cần hết sức cảnh giác”, tướng Thước nói.
Trước việc TP Đà Nẵng khẳng định thực hiện đúng Luật Đất đai, không giao đất, cho thuê đất và cho phép nhận quyền sử dụng đất đối với các cá nhân là người nước ngoài, thiếu tướng Nghĩa phân tích “chúng ta cấm người nước ngoài mua đất tại Việt Nam, chỉ được mua nhà, nhưng nhà đầu tư Trung Quốc mua cổ phần doanh nghiệp trong nước không thể hiện bằng đất mà thể hiện bằng giá trị vốn, nên họ chỉ tuân thủ các quy định về mua bán phần vốn doanh nghiệp”.
“Tôi có nghe một số người Trung Quốc thành lập công ty, góp cổ phần hoặc nhờ người Việt đứng tên để đầu tư đất ở các vị trí trọng yếu ven biển”, ông Nghĩa nói nói.
Ông Bùi Văn Xuyền – Thường trực Ủy ban Pháp luật, cho hay thông tin người nước ngoài “núp bóng” doanh nghiệp, cá nhân trong nước để mua bán, sở hữu đất đai “đã rộ lên vài năm gần đây”.
Ông Xuyền nêu vấn đề, “nếu người Trung Quốc đưa tiền cho một người Việt đứng ra mua đất, pháp luật phải xác định quan hệ đó bản chất là gì?”. Về lý thuyết, hai cá nhân “hợp đồng miệng” với nhau mà không qua cơ quan pháp luật, hợp đồng đó là vô hiệu khi xảy ra tranh chấp. Nhưng, theo ông, lo ngại người Trung Quốc “núp bóng” người Việt để sở hữu đất đai ở khu vực trọng yếu là “có cơ sở”. Do vậy, các cơ quan chức năng cần rà soát cả giao dịch ngầm và giao dịch công khai, cảnh báo những vấn đề có thể xảy ra cho người nước ngoài và công dân Việt Nam trong việc đầu tư, giao dịch.
Nhiều nhà hàng, khách sạn đã xây dựng trên vệt đất dọc sân bay quân sự Nước Mặn, TP Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.
|
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định, cuộc tổng rà soát như đề xuất của đại biểu Quốc hội là cần thiết, trước hết để các bộ ngành, địa phương có cơ sở thực hiện đúng quy định pháp luật. Đó là, nếu phát hiện bất cứ trường hợp công dân nước ngoài nào đứng tên sở hữu đất tại Việt Nam thì hủy bỏ, thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận sở hữu.
Với trường hợp người nước ngoài sở hữu đất bằng đầu tư, góp vốn, mua cổ phần, ông Cường cho rằng, “nếu thực sự đó là khu đất vị trí trọng yếu, nhà chức trách có thể thu hồi với lý do cấp sai quy định hoặc vì lý do an ninh quốc phòng”.
Theo ông, với những hợp đồng đầu tư có căn cứ cho thấy là giả tạo để che giấu mục đích, giao dịch khác, cơ quan chức năng hoặc bên tham gia hợp đồng có thể hủy bỏ hoặc tuyên bố vô hiệu.
“Luật Đất đai dành điều 61 để quy định việc thu hồi đất vì mục đích an ninh quốc phòng. Trong trường hợp cần thiết và căn cứ rõ ràng, Nhà nước có thể áp dụng điều luật này”, luật sư Cường nói và cho rằng để khắc phục cơ bản vấn đề trên, Quốc hội cần sửa đổi các luật Đất đai, Đầu tư… để bịt “kẽ hở” liên quan đến hoạt động ở khu vực trọng yếu của doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài.