CSV – Tạo giá trị chia sẻ: chìa khóa để doanh nghiệp phát triển bền vững

Vậy CSV là gì? Tại sao các doanh nghiệp nên áp dụng mô hình này trong việc kinh doanh của mình? Những doanh nghiệp nào đã và đang áp dụng CSV thành công? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu qua phần chia sẻ của ông Phùng Tuấn Đức – Tổng giám đốc Gojek Việt Nam – diễn giả tại sự kiện VSMCamp 2020.

CSV – khái niệm cũ, làn sóng mới cho doanh nghiệp

CSV là mô hình kinh doanh đồng thời tạo ra giá trị xã hội và giá trị kinh tế một cách bền vững với cả doanh nghiệp và cộng đồng. Mô hình này theo đuổi thành công về tài chính theo cách mang lại các giá trị cho đối tác, khách hàng, chính phủ, môi trường, cổ đông, người lao động,…

Chiến lược CSV thành công sẽ tạo ra tác động tích cực cho xã hội, những tác động này tạo nên giá trị kinh tế cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp mở rộng kinh doanh, từ đó tiếp tục tạo ra các tác động mới hơn lên cộng đồng. Các giá trị có thể chia sẻ bao gồm các giá trị xã hội (việc làm, giáo dục, khả năng tiếp cận, v.v.) hoặc các giá trị kinh tế (doanh thu, khách hàng, thị phần, v.v.). Trong mô hình này, các giá trị sẵn có, giá trị cá nhân, giá trị nội bộ doanh nghiệp không được tính vào CSV.

CSV là chìa khóa để mở ra làn sóng tăng trưởng mới trong thế giới hiện nay. Năm 2011, Michael Porter – chuyên gia trong kinh doanh và các chiến lược cạnh tranh đã phát triển khái niệm này và tổ chức Sáng kiến CSV, đào tạo về CSV cho các lãnh đạo của những công ty hàng đầu thế giới.

Ông Đức lấy ví dụ minh họa về việc Tập đoàn giáo dục & thi cử Pearson tổ chức kỳ thi GED – tương đương với bằng trung học. GED đã được tổ chức ở gần 100 quốc gia; cấp bằng cho gần hàng chục triệu người trong nhiều hoàn cảnh, điều kiện, từng không thể tốt nghiệp trung học và khó tiếp cận các cơ hội việc làm vì thiếu bằng cấp. Thông qua hoạt động này, các nhà tuyển dụng cũng có thể tiếp cận được lực lượng lao động dồi dào. Mô hình kinh doanh này của Pearson dựa trên việc giải quyết vấn đề tiếp cận cơ hội việc làm của xã hội, song song với việc mang lại lợi nhuận cho công ty.

http://doanhnhanonline.com.vn/

Ông Phùng Tuấn Đức chia sẻ tại sự kiện VSMCamp 2020

Covid-19 – hoàn cảnh thúc đẩy phát triển mô hình CSV

Theo ông Đức, Covid-19 là hồi chuông cảnh tỉnh rất nhiều doanh nghiệp, đòi hỏi đưa ra những mô hình đổi mới sáng tạo như CSV để mang lại giá trị cho xã hội, đồng thời giảm thiểu những hậu quả do Covid-19 gây ra. Trong Covid-19, Walmart – nhà bán lẻ hàng đầu tại Mỹ đã sáng tạo hình thức đặt hàng online và khách trực tiếp ghé siêu thị nhận đồ, thay vì phải chen chúc mua hàng. Điều này giúp người dân duy trì giãn cách xã hội, đặc biệt với người lớn tuổi trên 50, những người khó có thể “giành giật” mua hàng trong siêu thị. Trong khi nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa vì Covid-19, Walmart vẫn tạo ra 500.000 việc làm tại 4.000 điểm; giảm 75% khí thải CO2 so với thương mại điện tử truyền thống. Walmart không chỉ mang lại tác động tích cực xã hội, mà còn tăng 10% doanh thu, đặc biệt tăng gấp đôi doanh thu TMĐT.

Không nhầm lẫn giữa CSV (Tạo ra giá trị chia sẻ) và CSR (Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp)

Trong phần chia sẻ, ông Đức nhấn mạnh sự khác biệt giữa CSV và CSR mà nhiều người hay nhầm lẫn. Không giống CSR có xu hướng bị các yếu tố bên ngoài thúc đẩy và bị xem như khiến doanh nghiệp tốn chi phí, CSV được tạo dựng từ bên trong doanh nghiệp, là tâm điểm của chiến lược kinh doanh, tạo ra lợi nhuận. CSR là thiên về trách nhiệm; CSV thiên về tạo ra giá trị.

CSR có xu hướng tập trung vào danh tiếng và thương hiệu, ít có mối liên hệ với hoạt động chính của doanh nghiệp, vì vậy khó xin đầu tư và khó duy trì dài hạn. Như vậy, CSV là thay đổi mô hình kinh doanh để tập trung vào việc giải quyết vấn đề xã hội xung quanh, từ đó tạo ra giá trị thặng dư để mở rộng quy mô doanh nghiệp.

Lấy ví dụ từ chính doanh nghiệp mình, ông Đức chia sẻ: ở Indonesia, giới ojek (tiếng Bahasa có nghĩa là xe ôm) là nguồn gốc của cái tên Gojek có một cuộc sống rất vất vả. Họ chờ khách ở ngã tư ven đường, thu nhập chỉ tương ứng 3 – 4 triệu đồng Việt Nam/tháng, gần như khó nuôi sống cả gia đình. Từ ý tưởng ban đầu là tạo công ăn việc làm cho tầm 20 bác tài xe ôm, Gojek đã phát triển thành một siêu ứng dụng, mang lại công việc mới cho 2 triệu tài xế và doanh thu cho 900 nghìn nhà hàng và hơn 60 nhà cung cấp dịch vụ khác. Thay vì chỉ chở khách, giới ojek có thể kiếm thêm thu nhập từ dịch vụ GoShop – đi chợ hộ, GoSend – giao hàng hay GoFood – giao đồ ăn, và gần 20 dịch vụ khác. Các dịch vụ này ngay lập tức đưa thu nhập bình quân của tài xế tăng gấp đôi mức thu nhập tối thiểu tại Indonesia. Bên cạnh đó, nhờ mô hình GoFood, các nhà hàng vừa và nhỏ trong hẻm hay quán cóc trên vỉa hè cũng có doanh thu ổn định hơn để duy trì cuộc sống vượt qua Covid-19, tránh được phá sản. Đây cũng là lý do Gojek 2 lần lọt top 20 Doanh nghiệp thay đổi thế giới do tạp chí Fortune bình chọn.

“Khi mô hình kinh doanh xuất phát từ nhu cầu của xã hội, các tác động tạo ra cho doanh nghiệp sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp không ngừng đổi mới, sáng tạo để mở rộng quy mô và mở rộng tác động tạo ra cho xã hội, từ đó lại mở ra một chu kỳ mới của vòng xoáy CSV”, ông Đức nhận định.

http://doanhnhanonline.com.vn/

CSV: Cơ hội không của riêng ai

Theo ông Đức, CSV có thể áp dụng cho nhiều ngành nghề khác nhau; các công ty nhỏ cũng không ngoại lệ. Ông Đức chia sẻ ví dụ về một ứng dụng đọc sách thiếu nhi của người Việt với hơn 1.000 đầu sách được thiết kế sinh động. Tác động xã hội tích cực mà ứng dụng đơn giản này tạo ra lại không hề nhỏ chút nào: hơn 60.000 trẻ em đã từ bỏ chơi game để chuyển sang đọc sách trên ứng dụng này. Ứng dụng đã giúp giải quyết vấn đề nan giải khiến không ít ông bố bà mẹ đau đầu khi các bé “nghiện” smartphone, tablet mà bỏ bê việc đọc sách.

Để bắt đầu mô hình CSV có ba bước cơ bản: xác định sứ mệnh của doanh nghiệp, xác định nhu cầu xã hội, lựa chọn phương án CSV. Trong đó, nhu cầu xã hội là các vấn đề chưa được đáp ứng, ẩn chứa trong các vấn đề giao thông, môi trường, giáo dục, tài chính,… Khi thực thi CSV, cần xem xét lại các sản phẩm và thị trường, xác định lại năng suất trong chuỗi giá trị doanh nghiệp, đồng thời xây dựng hệ sinh thái bền vững.

Kết thúc phần chia sẻ, ông Đức dẫn một câu nói nổi tiếng “Great brands never have to give back” – Những thương hiệu vĩ đại không cần phải “đáp trả”. “Tại các doanh nghiệp vĩ đại, bản thân hoạt động kinh doanh của họ đã tạo ra giá trị cho xã hội rồi”, ông Đức nhấn mạnh.

http://doanhnhanonline.com.vn/

Nguồn