[ad_1]
Hà NộiTrong khi công an phường tiếp tục cấp giấy đi đường có mã QR, nhiều người dân lại phân vân nên làm giấy mới hay tiếp tục dùng giấy cũ.
Chiều 8/9, chị Hồng, đại diện một công ty cung cấp thiết bị y tế ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy cho biết, tối qua chính quyền trả lời email “đăng ký thành công”, sau hơn một ngày nộp hồ sơ. Cùng lúc, truyền thông đưa tin Hà Nội cho sử dụng giấy đi đường mẫu cũ. Cảnh sát khu vực sau đó cũng nhắn tin thông báo công ty được sử dụng giấy đi đường mẫu cũ.
Nửa mừng nửa lo, chị đợi đến hết ngày hôm nay, song vẫn không tìm được “văn bản có dấu đỏ” hướng dẫn về sự thay đổi “chóng mặt” này. Chị băn khoăn, nhà chức trách không thông báo cụ thể về việc có tiếp tục cấp giấy đi đường mới nữa hay dừng lại? Người dân phải dùng giấy mới, cũ hay cả hai khi ra đường…?
Hàng loạt thắc mắc chưa có câu trả lời, chị Hồng tìm cách liên lạc với cảnh sát khu vực và ba số đường dây nóng của Công an Hà Nội song đều bất thành. Cả hôm nay, chị không được hồi âm, không rõ công ty có được cấp giấy mới hay không để còn trình giám đốc cấp giấy khác (thời hạn mới) theo quy định cũ.
Chị nói, những thay đổi liên tục của thành phố vài ngày qua khiến người dân và doanh nghiệp gặp không ít “mệt mỏi”. Sau mỗi lần thay đổi, nhà chức trách nên có hướng dẫn cụ thể “một cách đàng hoàng” để người dân yên tâm.
Tương tự, chiều 8/9, chị Hà Trang, quản lý nhà thuốc tại phường Quang Trung, quận Đống Đa, bổ sung nốt một số giấy tờ để gửi lại email cho công an phường xét duyệt giấy đi đường cho 3 nhân viên. Hôm qua, vài tiếng trước khi Thành uỷ ra thông báo vẫn cho dùng giấy cũ, chị vẫn phải đôn đáo gọi điện hỏi khắp nơi khi đến hạn chót mà chưa được xét duyệt giấy mới.
“Mình tạm hiểu giấy cũ có thể chỉ được dùng trong thời gian nhất định trong khi chờ cấp mẫu mới nên vẫn phải xin cho yên tâm”, chị nói, hy vọng sẽ được xét duyệt hồ sơ vì nhà thuốc thuộc danh mục thiết yếu trong Chỉ thị 16.
Chiều 8/9, bên trong trụ sở Công an phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, bốn cán bộ vẫn rà soát và in giấy đi đường theo mẫu mới có mã QR. Những giấy được duyệt và in ra sẽ chuyển cho lãnh đạo Công an phường để ký tên, đóng dấu và chuyển cho công dân. Lãnh đạo phường cho biết mọi hoạt động duyệt, cấp giấy đi đường vẫn diễn ra bình thường, không có gì thay đổi.
Lãnh đạo UBND phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng cho hay đến chiều nay đã duyệt 450 giấy đi đường để Công an phường ký. Chủ trương của phường vẫn tiếp nhận xét duyệt cho các doanh nghiệp có nhu cầu và đúng đối tượng. “Việc doanh nghiệp dùng theo mẫu cũ hay mới là lựa chọn của họ. Phường vẫn hồ sơ đăng ký mẫu giấy đi đường mới bình thường, không có gì thay đổi”, vị lãnh đạo nói.
Lãnh đạo công an quận Hà Đông cũng cho biết công an các phường trên địa bàn vẫn duyệt cấp giấy đi đường theo mẫu mới, chưa có thông tin tạm dừng như một số người dân thắc mắc.
Áp lực cấp giấy đi đường với số lượng lớn trong thời gian ngắn, khiến công an địa phương lúng túng, gặp không ít khó khăn. Ngày 6/9, Công an một phường ở quận Cầu Giấy cấp giấy đi đường theo mẫu mới nhưng phần mềm tạo mã QR Code bị lỗi. Trong khi đó, hàng trăm đơn vị lên xin cấp giấy nên buộc công an phường phải tự viết tay để giải quyết công việc, kèm theo lý do ghi phía dưới.
Một trong những người được cấp giấy theo kiểu này bị chốt ở đường Cầu Diễn kiểm tra vào sáng 8/9. Trên giấy có mã QR nhưng thông tin lại viết tay, khi cảnh sát dùng điện thoại quét mã thì hiển thị thông tin của một người khác.
Tại Công an phường Dịch Vọng Hậu, bốn chiến sĩ thành thạo tin học nhất đơn vị được phân công tiếp nhận hồ sơ người dân và doanh nghiệp gửi qua hòm thư điện tử.
Trung tá Trịnh Văn Chiến, Trưởng Công an phường Dịch Vọng Hậu, cho hay những ngày này lượng công việc “lớn gấp nhiều lần bình thường” nên phải làm việc xuyên đêm. Sáng 5/9, ngay sau khi có thông báo từ Công an thành phố, ông Chiến giao cho 14 cảnh sát khu vực rà soát tất cả doanh nghiệp trên địa bàn thuộc diện thiết yếu để nắm thông tin.
Theo ông, cảnh sát khu vực gửi tin nhắn hướng dẫn doanh nghiệp cách soạn hồ sơ và các loại tài liệu cần gửi qua địa chỉ gửi email của UBND phường. Những trường hợp không thuộc thẩm quyền của phường, cảnh sát khu vực hướng dẫn liên lạc với đơn vị cần thiết. Toàn bộ hoạt động này được thực hiện qua điện thoại và mạng Internet.
Quá trình sàng lọc, công an phường sẽ đề nghị các công ty cắt giảm tối đa người và chỉ cho đăng ký cấp giấy không quá 30% nhân sự để đảm bảo giãn cách phòng chống dịch. Những công ty nhỏ sẽ được đăng mỗi bộ phận một người như hành chính, bảo vệ, giao hàng… và không quá 7 người.
Những ngày qua, Công an phường Dịch Vọng Hậu đã duyệt cấp hơn 600 hồ sơ với gần 7.000 người đăng ký giấy đi đường. Trung tá Chiến đánh giá các doanh nghiệp trên địa bàn rất “chuyên nghiệp và hợp tác”. Những giấy tờ được yêu cầu “đều làm nhanh và đầy đủ” nên giảm tải được khá nhiều công việc cho công an phường.
Trên giấy đi đường mới sẽ có họ tên, số căn cước công dân, lý do ra đường, tuyến đường và khung thời gian ra đường. Đặc biệt giấy sẽ có mã QR để tránh bị làm giả và khi quét mã sẽ ra thông tin của người được cấp.
Đây là lần thứ 5 trong vòng 46 ngày giãn cách, Hà Nội thay đổi phương thức cấp giấy đi đường, cũng là lần thứ hai phải điều chỉnh quy định chỉ sau vài ngày ban hành.
[ad_2]