Áp lực của nhà trường trước học kỳ trực tuyến

[ad_1]

TP HCMNhà trường và giáo viên cấp tập lên phương án dạy học trực tuyến trước khó khăn chồng chất từ dịch bệnh, xác định dạy theo cách này suốt học kỳ I.

Tối 20/8, thầy Ủ Thiện Phước, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phú Định (quận 6) chia sẻ: “30 năm trong nghề, chưa bao giờ tôi đối mặt với hoàn cảnh dạy học khó khăn như thế này”. Danh sách học sinh lớp 1 của trường dự kiến là 260, khi chốt hồ sơ đăng ký còn thiếu 17 em, phần lớn đang ở quê hoặc khu phong tỏa.

Nỗi lo lớn hơn của thầy Phước là dạy trực tuyến cho học sinh lớp 1 ngay từ đầu năm học thế nào bởi chưa từng thực hiện. Trẻ mầm non nghỉ học từ đầu tháng 5, tức không được làm quen với các kỹ năng cần thiết trước khi vào tiểu học. Bước vào lớp 1, các bài học đầu tiên về tập viết, tập đọc rất quan trọng, cần sự hướng dẫn trực tiếp của thầy cô, nhưng nay các em phải học trực tuyến.

Trường Tiểu học Phú Định lại đang được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến thu dung các ca F0. Trong số gần 100 giáo viên, nhân viên của trường, 4 thầy cô là F0 đang điều trị, 6 người đang “mắc kẹt” ở quê.

“Trước mắt chúng tôi sẽ xây dựng giáo án, bài học online để dạy trong thời gian đầu từ ngày 8 đến 20/9. Mục tiêu là tạo được sự thích thú, kích thích các em vào guồng học trực tuyến”, ông Phước nói và cho biết khi vào năm học sẽ chuẩn bị kế hoạch bổ sung kiến thức, phụ đạo, đặc biệt là lớp 1 nếu quay lại học trực tiếp.

Một học sinh lớp lớp lớpp3 tru

Một học sinh lớp 3 trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh) học trực tuyến theo hướng dẫn của phụ huynh ngày 19/8. Ảnh: Nguyên Thảo

Thầy Vũ Hoàng Sơn, giáo viên trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh), cho rằng thách thức lớn nhất của thầy cô là dạy trực tuyến lớp 1, 2. Học sinh quá nhỏ để tự giác học tập, sự tập trung không cao. “Có những kỹ năng ở lớp 1 thầy cô phải dạy trực tiếp như tư thế ngồi học, cách cầm bút, cách viết. Nếu không đúng phương pháp từ đầu thì sẽ gặp nhiều khó khăn sau này”, thầy Sơn nói.

Khá thành thạo các phần mềm dạy học trực tuyến, thầy Sơn lựa chọn phương pháp dạy trực tiếp qua ứng dụng thay vì ghi hình sẵn bài giảng rồi tải lên mạng. Điều này sẽ tăng tính tương tác, giáo viên có thể kiểm soát, điều phối lớp học tốt hơn. Thầy đang chuẩn bị giáo án các tiết học theo phân phối chương trình, mỗi tiết dạy tối đa 30 phút, ít hơn 10-15 phút so với tiết học trên lớp. Sau tiết học sẽ là phần hỏi đáp, trao đổi giữa thầy và trò, thời gian được chủ động, linh hoạt.

Dù tự tin với phương pháp của mình, thầy giáo cho rằng dạy trực tuyến ở tiểu học chỉ thành công nếu phụ huynh dành thời gian học cùng con. Nhưng như năm 2020-2021, TP HCM có 10-30% học sinh không tham gia học do gia đình không đủ điều kiện về thiết bị, thời gian, đường truyền… Năm nay dịch bệnh phức tạp hơn, người dân bị bủa vây bởi bệnh tật, nguồn lực cạn kiệt nên không thể dành sự quan tâm tốt nhất đến việc học hành của con em. Tỷ lệ không học trực tuyến vì thế chắc chắn tăng lên, ảnh hưởng lớn đến cả một thế hệ học sinh.

Nhìn thấy rõ những khó khăn của năm học mới, cô Nguyễn Kim Phượng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Quang Khải (quận Gò Vấp), cho biết sẽ hỗ trợ học sinh tối đa ngay từ đầu năm. Ngoài video bài giảng do Phòng Giáo dục và Đào tạo sản xuất để sử dụng chung, mỗi giáo viên sẽ thiết kế bài giảng riêng dạy trên Zoom. “Trong tuần tới chúng tôi chốt danh sách theo lớp, thông báo để liên lạc với phụ huynh, đặc biệt là lớp 1. Bước tiếp theo là tổ chức lớp học, làm quen để sau đó dạy chương trình”, cô Phượng cho biết.

Giáo viên trường THPT Nguyễn Du dạy học trực tuyến qua ứng dụng Google Meet hồi tháng 2/2021. Ảnh: Mạnh Tùng

Giáo viên trường THPT Nguyễn Du dạy học trực tuyến qua ứng dụng Google Meet hồi tháng 2/2021. Ảnh: Mạnh Tùng

Với lịch học bắt đầu từ ngày 1/9, các trường trung học (THCS, THPT và giáo dục thường xuyên) yên tâm hơn bởi học sinh có thể tự giác học tập. Học sinh các lớp từ 6 đến 9 ở bậc THCS và lớp 11, 12 bậc THPT đã được nhà trường lên danh sách, riêng lớp 10 đang chờ công bố điểm chuẩn tuyển sinh. Nhiều trường đã lên kế hoạch tổ chức dạy nội dung cơ bản, bám sát chương trình, tinh giản một số kiến thức. Áp lực lớn nhất ở bậc trung học dồn về các lớp cuối cấp khi học sinh phải thi hoặc xét tuyển vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT.

Ông Trần Văn Minh, Hiệu trưởng trường THCS – THPT Đào Duy Anh, quận Tân Phú, cho biết trường đã tập huấn giáo viên về phương pháp dạy học và sử dụng các phần mềm tuần này. Mục tiêu đặt lên hàng đầu là hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, ngoài các tiết giảng online, giáo án trực tuyến sẽ đưa lên hệ thống để các em sử dụng nhiều lần.

Trong khi đó, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, tính đến phương án tinh giản nội dung, chuyển một số môn như Thể dục, Giáo dục quốc phòng, Công nghệ, Nghề lên hệ thống E-learning. “Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cần hướng dẫn cụ thể việc này. Về lâu dài, cần tổ chức dạy học trên đài truyền hình theo khung giờ cố định để học sinh có thêm kênh học tập, hạn chế phải ngồi máy tính trong ngày quá lâu”, thầy Phú nói.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, khẳng định học trực tuyến được xác định là giải pháp ổn định trong năm học 2021-2022, thay vì chỉ được xem là giải pháp tình thế như trước đây. Kho bài giảng, tài nguyên dạy học đã được ngành giáo dục xây dựng khá phong phú, đưa lên các trang web chung để tất cả trường sử dụng.

Từ đầu tháng 8, Sở đã lên kế hoạch tập huấn cho giáo viên xây dựng các video để học sinh xem và phụ huynh hỗ trợ các em lớp 1, lớp 2 trong thời gian đầu năm học, đáp ứng theo yêu cầu chương trình phổ thông mới. Ông Hiếu nhìn nhận học sinh lớp 1, 2 bị ảnh hưởng nhiều nhất do dịch bệnh, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm chung của giáo viên và các trường.

“Khi thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh, ngành giáo dục sẽ đẩy nhanh tiến độ cho trẻ đến trường, tranh thủ cho khối lớp 1, 2, các lớp đầu và cuối cấp chia nhỏ để học trực tiếp. Các khối khác tiếp tục học trực tuyến đến khi ổn định trở lại”, ông Hiếu nói.

Hiện các Phòng Giáo dục và Đào tạo, trường THPT hoàn tất việc tuyển sinh đầu cấp, bố trí lớp học, phân công giáo viên, tập huấn trực tuyến phương pháp dạy học cho học kỳ I tới.

>>Xem kế hoạch thời gian năm học 2021-2022
>>Xem 3 kịch bản cho năm học mới tại TP HCM

Phương án dạy học bắt đầu năm học 2021-2022 như sau:

– Giáo dục trung học (THCS, THPT, kể cả giáo dục thường xuyên): Từ ngày 1 đến 5/9 sẽ tổ chức lớp, hướng dẫn kỹ năng, phương pháp học tập trên Internet và củng cố kiến thức; từ ngày 6/9 sẽ giảng dạy chương trình mới.

– Giáo dục tiểu học: Từ ngày 8 đến 19/9 tổ chức lớp, hướng dẫn kỹ năng, củng cố kiến thức; từ ngày 20/9 dạy chương trình mới.

– Giáo dục mầm non: Do đặc thù phải dạy học trực tiếp (giữ, giáo dục và chăm sóc trẻ), bậc học này có thể bắt đầu và kết thúc năm học với thời gian riêng, chậm hơn bậc học phổ thông. Trong thời gian trẻ chưa thể đến trường, các cơ sở giáo dục tổ chức cho giáo viên xây dựng các đoạn phim ngắn hướng dẫn trẻ sinh hoạt, vui chơi, giáo dục kỹ năng với sự tham gia, phối hợp của phụ huynh.

Mạnh Tùng